Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đến nay, hầu hết doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng quý I/2025, đang đàm phán đơn hàng cho quý II/2025. Tuy nhiên, bối cảnh không quá thuận lợi khi đơn giá không tăng, ít đơn hàng lớn, thời gian giao nhanh và yêu cầu khắt khe.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chia sẻ từ đầu năm đến nay, hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của dệt may đều có tín hiệu phục hồi tích cực nhờ sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam.
Ngoài ra, tồn kho tại các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm dần so với cùng kỳ năm trước, cộng với sức mua có xu hướng tăng đã tạo nên sự phục hồi nhu cầu đặt hàng từ các đối tác.
"Do đó, kết thúc quý III, Vinatex đã hoàn thành 73,6% kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ; lợi nhuận bằng 80% kế hoạch, tăng hơn 70% so với cùng kỳ", ông Trường cho biết.
Yêu cầu ngày càng khắt khe
Chỉ ra những khó khăn của ngành dệt may, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết bên cạnh yếu tố đơn giá vẫn không tăng, doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn ít đơn hàng lớn mà chủ yếu là nhỏ, thời gian giao nhanh và yêu cầu khắt khe.
Ngoài ra, các Hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới đòi hỏi khắt khe hơn về xuất xứ sợi, vải dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu do Việt Nam còn đang phụ thuộc vào nhập khẩu nhiều loại xơ sợi và vải, đặc biệt từ Trung Quốc.
Các khách hàng ngày càng có nhiều yêu cầu gắt gao hơn về các tiêu chuẩn kỹ thuật, trách nhiệm xã hội cũng như thời gian giao hàng, đặc biệt có những khách hàng yêu cầu chịu trách nhiệm đến cùng khi hàng dệt may tới người tiêu dùng. Đây cũng là những yêu cầu mới, đòi hỏi các doanh nghiệp thích ứng và không thể đứng ngoài cuộc chơi.
“Ngoài việc cắt giảm chi phí và thời gian sản xuất, doanh nghiệp cũng phải chú trọng đến việc lựa chọn các nguyên vật liệu than thiện với môi trường, có khả năng tái chế phù hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp cũng phải đa dạng hoá thị trường, khách hàng; linh hoạt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người mua mới có thể duy trì và phát triển lâu dài”, ông Giang nêu rõ.
Tương tự, đối với mặt hàng giày dép, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 19,66 tỷ USD, tăng 13% (tương ứng tăng 2,99 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho biết, càng về cuối năm đơn hàng của doanh nghiệp da giày trong nước ngày một tốt hơn do chuẩn bị bước vào mùa cao điểm sản xuất phục vụ lễ hội.
“Nhiều khả năng ngành da giày sẽ về đích với 27 tỷ USD trong năm nay. Các doanh nghiệp trong ngành đang đẩy mạnh tuyển dụng lao động để thời hạn giao hàng”, bà Xuân dự báo.
Trong 10 tháng đầu năm, ngành công nghiệp điện tử đạt hơn 105 tỷ USD và với mức tăng trưởng 10% dự báo con số này cả năm sẽ đạt hơn 120 tỷ USD.
Với tình hình đơn hàng hiện tại và nhìn vào tốc độ tăng tốc xuất nhập khẩu hàng hóa (10 tháng đạt 647,91 tỷ USD, tăng 15,8%) thì trong cả năm 2024, khả năng Việt Nam sẽ chạm mốc kỷ lục 800 tỷ USD xuất nhập khẩu, vượt xa mức kỷ lục xuất nhập khẩu 732 tỷ USD vào năm 2022.
"Hàng rào kỹ thuật" mới cần nhận diện rõ
Dù kết quả xuất khẩu khả quan, song theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, doanh nghiệp Việt mới chủ yếu tham gia ở phân khúc lắp ráp nên giá trị gia tăng còn thấp khoảng 5 – 10% tổng kim ngạch xuất khẩu và chưa thể tham gia được những phân khúc đem lại giá trị gia tăng cao như nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế, phân phối.
Nguyên nhân là do các doanh nghiệp trong nước thường có quy mô nhỏ và vừa, thiếu vốn để mở rộng sản xuất, vốn để đầu tư cho thiết bị công nghệ hiện đại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, vấn đề nguồn nhân lực, nhất là nhân lực quản trị, vận hành sản xuất đang còn yếu, đa số vẫn phải thuê người nước ngoài.
Trong khi đó, chính sách hỗ cho ngành công nghiệp điện tử hiện mới có Nghị định 111 nên còn hạn chế để phát triển. Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo về Công nghiệp trọng điểm, trong đó có công nghiệp hỗ trợ được đưa vào là một trong những hạng mục quan trọng, trung tâm của chiến lược phát triển giai đoạn tới.
"Do đó, mong Luật Công nghiệp hỗ trợ sớm được ban hành để cho ngành, đặc biệt là công nghiệp điện tử phát triển, sớm tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu", bà Hương nêu rõ.