Tài chính

Xung đột lợi ích chưa dừng lại tại Eximbank

Xung đột lợi ích chưa chấm dứt

Sau sự xuất hiện của những cái tên mới, "cuộc chiến thượng tầng" diễn ra nhiều năm tại ngân hàng này được kỳ vọng sẽ nhanh chóng chấm dứt. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy xung đột lợi ích và quan điểm giữa các nhóm cổ đông vẫn tiếp diễn.

Ngày 28/11 tới đây, Eximbank sẽ họp đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm biểu quyết vấn đề chuyển trụ sở chính từ TP HCM ra Hà Nội, đồng thời xem xét đề xuất miễn nhiệm Trưởng Ban Kiểm soát ông Ngô Tony.

Ba ngày trước thềm đại hội, Eximbank công bố tài liệu bổ sung kiến nghị của một nhóm cổ đông sở hữu trên 5% vốn của ngân hàng đề nghị miễn nhiệm hai Phó Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Hồ Nam (đại diện nhóm Bamboo Capital) và bà Lương Thị Cẩm Tú, người từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT tại ngân hàng này.

Lý do được nhóm cổ đông này đưa ra là hai thành viên này đã không tham dự đầy đủ các cuộc họp HĐQT và các lần lấy ý kiến HĐQT bằng văn bản. Văn bản không nêu rõ thành phần và đại diện của nhóm cổ đông gửi đề xuất này.

Những câu chuyện này đang tốn khá nhiều "giấy mực" của giới truyền thông khi dường như quyết định thay đổi vị trí đặt trụ sở chính nói trên vấp phải phản đối của một số cổ đông lâu năm tại Eximbank.

Theo đó, Hội đồng quản trị Eximbank cho biết sẽ trình Đại hội đồng cổ đông xem xét thông qua việc chuyển đổi địa điểm đặt trụ sở chính từ Tầng 8, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM sang địa chỉ mới là số 27 - 29 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. 

Địa chỉ trụ sở mới của Eximbank tại Hà Nội thuộc dự án phức hợp bao gồm văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ cho thuê và khách sạn sang trọng thuộc chuỗi Fairmont Hanoi Hotel, đang được Gelex đầu tư trên diện tích gần 1 ha với 241 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Trước đó, ngân hàng đã thông qua kế hoạch xây trụ sở chính mới tại khu đất số 7 Lê Thị Hồng Gấm, Quận 1, TP HCM, tuy nhiên ngân hàng cho biết quá trình thực hiện tham vấn ý kiến của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa có kết quả cụ thể vì các nguyên nhân khách quan. Do đó, HĐQT ngân hàng cũng trình các cổ đông việc chấm dứt chủ trương này.

Vào ngày 24/10, trước nhiều tin đồn xung quanh quyết định này, Eximbank cũng đã phải lên tiếng khẳng định rằng việc chuyển trụ sở sẽ được thảo luận công khai, minh bạch tại ĐHĐCĐ và chỉ được thông qua nếu đạt tỷ lệ tán thành trên 51% tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.

Có thể thấy rằng, mặc dù ban lãnh đạo ngân hàng đánh giá rằng miền Bắc là thị trường còn nhiều dư địa để khai phá, quyết định chuyển trụ sở chính ra Hà Nội của một ngân hàng "sinh ra và lớn lên" tại TP HCM là một lựa chọn tương đối táo bạo và khiến các cổ đông đặt câu hỏi về tính hiệu quả của phương án.

Tuy nhiên, Eximbank cũng không phải là ngân hàng duy nhất có quyết định tương tự. Trước đó vào năm 2018, VIB cũng đã đưa ra quyết định chuyển trụ sở chính từ Hà Nội vào TP HCM. Tổng Giám đốc ngân hàng từng chia sẻ rằng đây là quyết định nằm trong chiến lược, định hướng đẩy mạnh phát triển kinh doanh, nâng cao vị thế của ngân hàng tại khu vực này.

Hay mới đây, Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) cũng đã xin chủ trương chuyển trụ sở chính từ Hà Nội về một tỉnh thành khác.

Một vấn đề khác cũng nhận được các kiến nghị trái chiều giữa các nhóm cổ đông là việc miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát với ông Ngô Tony.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ được Eximbank công bố, nội dung này được đưa vào chương trình đại hội theo kiến nghị của nhóm cổ đông sở hữu trên 5% tổng số cổ phần phổ thông tại ngân hàng.

Tờ trình cho biết, ông Ngô Tony đã có hành vi lạm dụng/lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Điều lệ ngân hàng Eximbank và quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Kiểm soát ngân hàng, gây ảnh hưởng nặng nề đến quyền lợi của cổ đông. 

Tuy nhiên, theo báo Người Lao động, một nhóm cổ đông khác sở hữu 5,66% tổng số cổ phần với đại diện là ông Võ Minh Tâm đã có đơn kiến nghị HĐQT ngân hàng loại bỏ nội dung miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát đối với ông Ngô Tony và các tài liệu liên quan ra khỏi chương trình ĐHĐCĐ bất thường ngày 28/11 tới.

  • TIN LIÊN QUAN
  • Eximbank bác tin đồn bị NHNN thanh tra hoạt động cấp tín dụng 19/11/2024 - 11:25

"Nhóm cổ đông nói trên cho rằng việc đưa nội dung miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát vào chương trình đại hội cổ đông đối với ông Ngo Tony là vi phạm điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Kiểm soát, Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của pháp luật hiện hành", nguồn tin cho hay.

Nội dung này hiện chưa được Eximbank ghi nhận vào thông tin đại hội bất thường được đăng tải trên website ngân hàng.

Ngoài nghi vấn xung quanh việc dời trụ sở chính, nhiều vấn đề về lợi ích nhóm, đơn kiến nghị của Ban Kiểm soát hay thông tin đang bị NHNN thanh tra hoạt động cấp tín dụng,... cũng trở thành "tin đồn" khiến Eximbank và cả cổ đông lớn là Gelex phải liên tiếp đưa ra phản hồi.

Những điều này không khỏi khiến cho giới đầu tư cảm thấy những xung đột lợi ích giữa các cổ đông đang quay trở lại.

Bóng dáng các nhóm cổ đông tại Eximbank

Theo cập nhật mới nhất đến ngày 10/10/2024, Gelex, Vietcombank, Chứng khoán VIX, CTCP Thắng Phương là ba tổ chức có tỷ lệ sở hữu lớn nhất tại Eximbank; đồng thời có sự góp mặt của hai cá nhân là bà Lê Thị Mai Loan và Lương Thị Cẩm Tú. Những cái tên này cho thấy bóng dáng của Tập đoàn Gelex và Bamboo Capital tại Eximbank. 

 Nguồn: Công bố của Eximbank cập nhật đến ngày 10/10/2024.

Mặc dù không có sự xuất hiện rõ nét qua các con số sở hữu cổ phần tại ngân hàng như Gelex nhưng cũng không khó thấy sự hiện diện của nhóm cổ đông liên quan đếnBamboo Capital tại đây.

Bà Lê Thị Mai Loan là cổ đông có liên quan tới nhóm Bamboo Capital, với tỷ lệ sở hữu là 1,03% vốn điều lệ của ngân hàng. Bà Loan từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch thường trực tại Tracodi Trading & Consulting; đồng thời là cựu Thành viên BKS của Bamboo Capital và Phó Chủ tịch thường trực CTCP BCG Land.

Ông Nguyễn Hồ Nam, nguyên Chủ tịch Bamboo Capital, hiện đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch HĐQT của Eximbank (từ đại hội đồng cổ đông tháng 4/2024). Theo báo cáo quản trị đến tháng 6/2024, ông Nam cùng người có liên quan gần như đều không nắm cổ phần tại Eximbank.

 Ông Nguyễn Hồ Nam chính thức vào HĐQT Eximbank. (Ảnh: Eximbank).

Và mới đây Eximbank đã bổ nhiệm ông Phạm Đăng Khoa, nguyên Tổng Giám đốc CTCP Đầu Tư Phát Triển Công Nghiệp và Vận Tải (Tracodi - Mã: TCD) - công ty thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital, giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Eximbank, có hiệu lực từ 11/10/2024 với thời gian bổ nhiệm là ba năm. Sự xuất hiện của ông Phạm Đăng Khoa đã làm tăng sự hiện diện của Bamboo Capital tại Eximbank. 

Chưa rõ cái bắt tay của Gelex và Bamboo Capital cho thương vụ đầu tư vào Eximbank sẽ có những diễn tiến mới như thế nào nhưng nhìn ở góc độ tích cực, với sự hậu thuẫn trực tiếp, gián tiếp từ những “ông lớn” này, nhà đầu tư có thể hy vọng vào một tươi sáng trong tương lai.

 

Một phần điều này cũng thể hiện trong kết quả kinh doanh khả quan của Eximbank trong thời gian qua. Bất chấp liên tiếp những tin đồn, ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2023, mang về gần 904 tỷ đồng. 

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận ngân hàng tăng 39% so với cùng kỳ, đạt hơn 2.377 tỷ đồng. Mặc dù tăng trưởng cao nhưng con số này vẫn mới chỉ đạt 45,9% kế hoạch lợi nhuận cả năm (5.180 tỷ đồng) được đại hội đồng cổ đông đề ra trước đó.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm