Kim ngạch xuất khẩu giảm gần 10% so với tháng trước
Số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 1 sụt giảm ở cả hai chiều. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1 ước đạt 3,22 tỷ USD, cán cân thương mại xuất siêu 720 triệu USD.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,97 tỷ USD, giảm 9,55% so với tháng trước và giảm 5,21% so với cùng kỳ năm 2024. Theo lý giải của Cục Thống kê Đồng Nai, nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu giảm vì các doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu để chốt đơn hàng cuối năm trong tháng 12/2024.
Kim ngạch nhập khẩu đạt 1,25 tỷ USD, giảm 21,5% so với tháng trước và giảm 2,34% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp đã tập trung nhập khẩu nguyên liệu sản xuất từ quý IV/2024 để đáp ứng các đơn hàng cuối năm, khiến nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu trong tháng 1 năm nay giảm mạnh.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động từ 5 - 9 ngày trong tháng do trùng với dịp Tết Nguyên đán cũng góp phần đáng kể vào sự sụt giảm kim ngạch xuất, nhập khẩu của địa phương trong tháng đầu năm nay.
IIP giảm 5,88%
Tháng 1 vừa qua, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Đồng Nai ước tính giảm 11,84% so với tháng trước và giảm 5,88% so với cùng kỳ năm trước, với 3/4 ngành công nghiệp cấp I có chỉ số sản xuất giảm.

IIP tháng 1/2025 so với tháng 1/2024. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê Đồng Nai).
Thu hút FDI giảm hơn 45%
Tính từ đầu năm đến ngày 20/1, tỉnh Đồng Nai đã thu hút được khoảng 215,06 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), giảm 45,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỉnh đã cấp mới cho 5 dự án với tổng vốn đăng ký 156,36 triệu USD và 10 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung đạt 58,7 triệu USD.
Doanh thu dịch vụ du lịch tăng hơn 31%
Đây là tháng trùng với dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, kéo theo tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 6,62% so với tháng trước và tăng 14,89% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 29.723 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá tăng 7,82% so với tháng trước và tăng 13,55% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 3,23% so với tháng trước và tăng 18,56% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 31,18% so cùng kỳ; doanh thu các ngành dịch vụ khác tăng 4,02% so với tháng trước và tăng 18,24% so với cùng kỳ.

Cơ cấu tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2025. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê Đồng Nai).
CPI tăng 4,28%
Tháng Tết thường là tháng có chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao nhất trong các năm do nhu cầu mua sắm hàng hoá của người dân tăng cao.
Theo báo cáo, CPI tháng 1 của Đồng Nai tăng 1,16% so với tháng 12/2024 vào tăng 4,28% so với tháng 1/2024. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, có 9 nhóm hàng hoá và dịch vụ tăng giá.
Nợ xấu chiếm 1,74% tổng dư nợ cho vay
Về hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, Cục Thống kê Đồng Nai cho biết, ước đến 31/1, tổng nguồn vốn huy động đạt 361.069 tỷ đồng, tăng 2,09% so với cuối năm 2024. Trong đó, tiền gửi ước đạt 358.969 tỷ đồng, tăng 2,1%, bao gồm: tiền gửi bằng VND đạt 335.469 tỷ đồng, tăng 1,92%; tiền gửi bằng ngoại tệ ước đạt 23.500 tỷ đồng, tăng 4,7%.
Đến hết tháng 1, tổng dư nợ tín dụng trên toàn tỉnh ước đạt 414.872 tỷ đồng, tăng 2,11% so với cuối năm 2024. Trong đó, tổng dư nợ cho vay ước đạt 414.467 tỷ đồng, tăng 2,1%, bao gồm: dư nợ bằng VND ước đạt 368.428 tỷ đồng, tăng 1,85%; dư nợ bằng ngoại tệ ước đạt 46.039 tỷ đồng, tăng 4,09%. Nợ xấu ước chiếm 1,74% tổng dư nợ cho vay.