Được biết, người Ngāti Apa thuộc bộ tộc Māori phát hiện ra hồ nước này. Họ đặt tên cho hồ nước là Rotomairewhenua, có nghĩa là " hồ của những vùng đất yên bình ".
Nó trở thành một địa điểm vô cùng linh thiêng, nơi họ sử dụng để rửa sạch xương cốt của người đã khuất. Họ tin rằng điều này đảm bảo cho các linh hồn có một chuyến đi an lành đến quê hương tổ tiên của bộ tộc Māori là Hawaiki.
Thời gian gần đây, người đi bộ qua vườn quốc gia bị thu hút bởi màu sắc tuyệt vời, cũng như cảm nhận được nguồn năng lượng huyền bí của hồ nước. Tuy nhiên, chỉ khoảng một thập kỷ trước, các nhà khoa học phát hiện ra rằng nước của hồ có " độ tinh khiết đặc biệt ", có thể quan sát được từ độ cao 70 đến 80 mét. Điều này tương đương với nước tinh khiết, và họ cho biết nó là " nước ngọt tinh khiết nhất được ghi nhận ".

Hồ tinh khiết Rotomairewhenua. (Ảnh: CNN)
Mối quan tâm lớn nhất của khách tham quan là sự lây lan của Lindavia, một loại tảo được biết đến rộng rãi với tên gọi "tuyết hồ" hoặc "nhớt hồ" vì lớp nhớt mà nó tạo ra lơ lửng ngay dưới bề mặt nước. Loại tảo này xuất hiện ở hạ nguồn của hồ Rotomairewhenua, tại các hồ Rotoiti, Rotoroa và Tennyson.
Chúng hay bám vào giày của khách tham quan hồ, cũng như bám vào các chai nước của họ.
Tảo nhầy
Theo suy đoán của Phil Novis, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về tảo tại Viện Nghiên cứu về Môi trường Landcare, khả năng cao tảo Lindavia xuất hiện lần đầu tiên tại Bắc Mỹ. Chúng được phát hiện qua các cần câu cá.

Tảo Lindavia (Ảnh: Neon Science)
Năm 2000, con người có những ghi nhận đầu tiên về loại tảo này, kể từ đó trở đi chúng đã xuất hiện rộng rãi hơn. " Con người là yếu tố lây lan chính ", ông Phil cho biết, giải thích rằng trong nghiên cứu trước đây, nhóm của ông đã thu thập và kiểm tra các mẫu trầm tích từ 380 hồ ở New Zealand, và những hồ có tảo Lindavia xuất hiện là những hồ dễ tiếp cận với con người.
“ Chỉ một dấu tích nhỏ của loài tảo này cũng có thể làm thay đổi toàn diện hệ sinh thái của một hồ nước ”, ông cho biết thêm. Tảo rất dễ bám vào những giọt nước. Ông nhớ lại lần ông tìm thấy một mẫu tảo Lindavia trên lông ngực của một người đàn ông từng bơi trong hồ Wānaka, thuộc khu vực Otago của New Zealand.
Mặc dù tảo này không gây độc hại cho con người, nhưng nó tiết ra những sợi nhầy dài gọi là “mucilage”. Khi những sợi nhầy này tập trung lại có thể trở thành một nỗi phiền toái đối với nhiều người. Chúng có khả năng làm tắc dây câu cá, bộ lọc tàu thuyền, thậm chí gây gián đoạn các hệ thống thủy điện. Lớp nhớt mà nó tạo ra có thể làm mờ đi độ tinh khiết của hồ Rotomairewhenua.

Tảo indavia bám vào máy móc (Ảnh: NIWA)
“ Chúng tôi thực sự rất lo ngại ”, Jen Skilton, nhà sinh thái học và cố vấn về môi trường của Ngāti Apa ki te Rā Tō Trust, một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường, cho biết. “ Nếu vi sinh vật này xâm nhập vào hồ, nó có thể gây ra những tác động lớn, ảnh hưởng đến chất lượng nước của hồ ”.
Cô cho biết thêm rằng điều này sẽ gây thiệt hại lớn đối với bộ tộc Ngāti Apa. Đối với họ, Rotomairewhenua mang ý nghĩa lớn về văn hóa và tinh thần. Mặc dù họ không còn sử dụng hồ để thực hiện các nghi lễ cổ xưa, nó vẫn là một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hoá của họ. Cô cho biết: “ Chúng tôi luôn dành sự quan tâm đặc biệt với truyền thống tổ tiên và chúng tôi xin đảm bảo rằng Rotomairewhenua sẽ được bảo tồn cho các thế hệ tương lai ”.
“Gìn giữ sự tinh khiết của nguồn nước”
Kể từ năm 2013, theo Cục Bảo tồn New Zealand, khi thông tin về độ tinh khiết của hồ được công bố, số lượng du khách tăng lên gấp đôi. Được biết, Cục Bảo tồn New Zealand là cơ quan thu thập dữ liệu do khách tham quan cung cấp tại khu lán trại gần hồ Rotomairewhenua. Phần lớn du khách đi bộ đến hồ theo con đường vòng cung trong vòng từ hai đến bảy ngày, hoặc đi theo một phần của con đường mòn có tên Te Araroa, kéo dài suốt chiều dài New Zealand.
Theo Melissa Griffin, nhân viên bảo tồn động thực vật cao cấp của công viên Nelson Lakes, danh hiệu " hồ tinh khiết nhất thế giới ", cùng với sự quan tâm đông đảo trên mạng xã hội đã góp phần không nhỏ vào sự phổ biến của hồ Rotomairewhenua. “ Trước đây, không có nhiều du khách đến tham quan hồ tinh khiết. Tuy nhiên, sau khi biết đến danh hiệu này, số lượng du khách tăng lên một cách nhanh chóng ”.
Vì vậy, Cục Bảo tồn, tổ chức Ngāti Apa ki te Rā Tō Trust và Te Araroa Trust đã cùng hợp tác để áp dụng các biện pháp bảo vệ sinh học xung quanh hồ. Họ cho lắp đặt trạm vệ sinh tại các địa điểm có sự xuất hiện của tảo Lindavia. Họ cũng cho lắp các biển báo chỉ dẫn yêu cầu du khách vệ sinh giày và đồ dùng cá nhân của họ trước khi tiếp tục hành trình đến Rotomairewhenua.