Trong một lần đi khám sức khỏe, ông Minh (60 tuổi, Trung Quốc) phát hiện bản thân bị mỡ máu cao. Bác sĩ nhắc nhở ông nên thay đổi thói quen sinh hoạt và ăn uống, vận động nhiều hơn để kiểm soát mỡ máu, tránh mắc bệnh tim mạch.
Ông Minh tham khảo các thông tin trên mạng, quyết định chọn đi bộ 10.000 bước/ngày vì đây là bài tập khá dễ dàng cho người cao tuổi. Dù nắng hay mưa người đàn ông 60 tuổi vẫn duy trì thói quen này vì nhận thấy thể lực tốt hơn. Sau thời gian dài kiên trì như vậy, ông Minh giảm được 5kg, mỡ máu được kiểm soát. Ông vô cùng hài lòng với kết quả này nên vẫn tiếp tục đi bộ, tập thể dục thể thao hàng ngày.
Cho tới tháng trước, ông Minh thường xuyên bị đau chân khi đi lại, đặc biệt là đau đầu gối, cổ chân. Cơn đau ban đầu chỉ âm ỉ, nhưng sau đó khiến người đàn ông 60 tuổi khó di chuyển, có khi đau đến mức chỉ ngồi hoặc nằm một chỗ. Con gái đưa ông Minh đến bệnh viện kiểm tra mới biết ông bị thoái hoá khớp. Ông Minh vô cùng sửng sốt vì ông luôn nghĩ chăm chỉ vận động sẽ tốt cho sức khỏe.

Ảnh minh hoạ
Bác sĩ giải thích thoái hoá khớp có liên quan đến tuổi tác, tuy nhiên nguyên nhân chính là do ông Minh đã lớn tuổi nhưng tập thể dục với cường độ cao, gây áp lực lên các khớp và khiến khớp nhanh thoái hoá. Vị bác sĩ này cảnh báo, việc vận động thường xuyên là tốt nhưng cần cân nhắc thể trạng, sức khoẻ, tuổi tác để lựa chọn bộ môn, tần suất phù hợp, tránh gây các chấn thương khiến sức khỏe suy giảm.
Người cao tuổi nên tập thể dục như thế nào?
Trên thực tế, đi bộ còn giúp khớp xương linh hoạt và tăng cường cơ bắp, tăng cường sức khỏe tim và phổi. Với những người trung niên thừa cân, béo phì, đi bộ còn có tác dụng kiểm soát cân nặng, cải thiện hoạt động tiêu hóa. Con số 10.000 bước chân đi bộ trở thành mục tiêu của nhiều người sau khi nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh được lợi ích với sức khỏe.
Một nghiên cứu của ĐH Y Lodz ở Ba Lan với hơn 220.000 người tham gia có độ tuổi trung bình 64,4 tuổi đã chứng minh nhiều tác dụng của việc đi bộ. Cụ thể, sau hơn 7 năm theo dõi, các nhà nghiên cứu nhận thấy tập thể dục bằng cách đi bộ giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, đặc biệt là nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, giúp kéo dài tuổi thọ.
Tuy nhiên đi bộ quá nhiều, chọn quãng đường quá dài, đi trong thời gian quá lâu dẫn đến vận động quá sức và gây chấn thương ở người cao tuổi. Dây chằng ở chân cũng luôn trong tình trạng căng thẳng và gây đau nhức xương khớp nếu đi bộ quá lâu.

Ảnh minh hoạ
Nếu lựa chọn đi bộ là hình thức tập thể dục, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Y khoa The Lancet Public Health gợi ý con số 6.000 - 8.000 bước phù hợp nhất với nhóm người trung niên, cao tuổi. Nếu mắc một số bệnh như béo phì, đau xương khớp chân, bệnh tim, hãy tùy vào khả năng thể lực để điều chỉnh cường độ phù hợp.
Các môn thể dục thể thao được khuyến khích là chạy bộ, nhảy dây, bơi lội, khiêu vũ, yoga, đi bộ,... Điều cần lưu ý vẫn là cường độ và thời gian tập luyện vừa phải, không nên tập quá sức dẫn đến chấn thương và nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm khác.
(Theo Toutiao)