Kỹ năng sống

Kiến trúc sư người Việt nào nắm giữ toàn bộ bí mật của Tử Cấm Thành?

Người được nhắc tới chính là Nguyễn An (1381-1453), quê ở Hà Đông, Hà Nội, nổi tiếng là thần đồng từ nhỏ, thiên tài về kiến trúc. Năm 16 tuổi, ông tham gia xây dựng nhiều cung điện nguy nga ở kinh thành Thăng Long thời vua Trần Thuận Tông.

Năm 1407, nhà Minh đưa quân sang xâm lược nước ta với danh nghĩa "phù Trần diệt Hồ", đánh bại nhà Hồ. Họ bắt nhiều người tài giỏi, ưu tú của nước ta mang về Trung Hoa, trong đó có Nguyễn An. Sau đó, Nguyễn An được chọn làm thái giám phục vụ trong cung nhà Minh.

Kiến trúc sư người Việt nào nắm giữ toàn bộ bí mật của Tử Cấm Thành?- Ảnh 1.

Nguyễn An - thiên tài kiến trúc người Việt từng tham gia xây Tử Cấm Thành. (Ảnh minh hoạ)

Thời điểm đó nhà Minh đang chuẩn bị xây dựng kinh thành ở Bắc Kinh. Tài năng của Nguyễn An thu hút sự chú ý của vua Minh. Vua tin tưởng giao cho ông làm tổng công trình sư. Nguyễn An trở thành người chịu trách nhiệm quyết định tối cao cho công trình, chỉ sau vua Minh.

Quá trình thiết kế và xây dựng Tử Cấm Thành đòi hỏi rất nhiều công sức và tiền của. Bản thân Nguyễn An cũng liên tục chịu sức ép mạnh mẽ từ vị hoàng đế độc đoán, tham vọng.

Theo sử liệu, khi xây dựng tòa thành đặt tại bốn góc Tử Cấm Thành, Nguyễn An trình hết bản thiết kế này tới bản thiết kế khác nhưng vẫn không được chấp thuận. Trong cơn nóng giận, Minh Thành Tổ ra lệnh nếu Nguyễn An không thể đưa ra bản thiết kế khiến ông ta vừa ý, ngày mai đầu vị kiến trúc sư này sẽ lìa khỏi cổ.

Tuyệt vọng, Nguyễn An đã làm việc suốt đêm đó. Cuối cùng, ông thiết kế ra tòa thành có mái xếp tầng tầng lớp lớp, dựa trên ý tưởng chiếc lồng nuôi dế của mình. Và đến nay, tòa thành đó được coi như biểu tượng đặc trưng của Tử Cấm Thành.

Ông cũng chính là người sáng tạo ra cách vận chuyển những khối đá nặng hàng trăm tấn đến xây dựng Tử Cấm Thành. Khi nhận thấy khu vực khai thác đá ở nơi lạnh tới âm 20 độ C, ông cho đào rãnh nước có chiều ngang bằng tảng đá kéo dài đến nơi xây dựng, sau đó dẫn nước sông vào.

Nước nhanh chóng bị đông cứng tạo thành đường băng trơn trượt từ mỏ đá đến kinh thành, khiến việc vận chuyển những tảng đá khổng lồ hàng trăm tấn trở nên dễ dàng. Ý tưởng của Nguyễn An khiến hậu thế tới nay vẫn phải khâm phục.

Nguyễn An còn được biết đến là người có khả năng quy hoạch, trung thành với việc công, với thuộc hạ, nhiệt tình quan tâm, giúp đỡ. Ông luôn phát lương bổng và cung cấp lương thực đầy đủ, đồng thời chú ý tới việc tổ chức lao động và nghỉ ngơi một cách hợp lý. Bởi vậy, với chỉ hơn 1 vạn quan binh, Nguyễn An tổ chức cho họ xây dựng chín cửa thành lầu.

Kết quả, tháng 1/1437 khởi công, đến tháng 4/1439, chín cửa thành lầu, bao gồm cả hào thành, cầu cống có liên quan đều hoàn tất tốt đẹp. Công trình quy mô to lớn đáng lẽ phải huy động tới cả chục vạn dân phu, mà Nguyễn An chỉ dùng có hơn 1 vạn quan binh là có thể hoàn thành nhiệm vụ đạt yêu cầu. Dân chúng không ai bị quấy nhiễu, vua Minh hài lòng.

Kiến trúc sư người Việt nào nắm giữ toàn bộ bí mật của Tử Cấm Thành?- Ảnh 2.

Bản thiết kế sơ bộ Tử Cấm Thành. (Ảnh: Sohu)

Trong giai đoạn 1457-1464, Nguyễn An cũng chỉ huy quan binh hoàn thành quần thể cung điện với hai cung, ba điện, nha môn của 5 phủ 6 bộ, 9 cửa đã được tu bổ và tạo dựng.

Nội thành xây dựng hai cung (Càn Thanh, Khôn Ninh), ba điện (Phụng Thiên, Hoa Cái và Cẩn Thân), năm phủ, sáu bộ và các công thự các ty. Ba điện là tiền thân của các điện Thái Hoà, Bảo Hoà và Trung Hoà ngày nay tại Cố cung Bắc Kinh (tức Tử Cấm Thành).

Ngoại thành có cửa Chính Dương, cửa Sùng Văn, cửa Tuyên Vũ, cửa Triệu Dương, cửa Phụ Thành, cửa Đồng Trực, Tây Trực và cửa Đức Thắng. Cửa Chính Dương có toà chính lâu và hai toà tả, hữu lâu. Các cửa khác đều có một chính lâu và một nguyệt thành lâu (lầu thành phụ).

Cùng với các công trình xây dựng ấy còn phải đào một hệ thống hào xây gạch thoát nước, làm chín chiếc cầu đá qua hào dẫn vào thành. Các tường thành trước kia mới chỉ được xây gạch ở mặt ngoài, bên trong vẫn đắp bằng đất, thì đến nay được xây gạch cả mặt trong. Với thành quả đạt được, Nguyễn An được vua Minh đặc biệt coi trọng, tán dương và ban thưởng hậu hĩnh.

Sách “Kinh thành ký thắng” của Dương Sĩ Kỳ viết: “Nguyễn An tự tay vạch kiểu, thành hình là lập được thế, mắt ngắm là nghĩ ra cách làm, tất cả đều đúng với quy chế. Bộ công và các thợ thuyền đành chịu khoanh tay, bái phục, nghe ông chỉ bảo, sai khiến, thật là người đại tài, xuất chúng”.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm