Vài tháng trở lại đây, người dân trên phố Hàng Chuối đã không còn xa lạ với hình ảnh một chú vịt trắng tinh tung tăng bước cạnh một cụ ông đi dạo trên phố. Theo một vài người dân sinh sống tại đây cho biết, chú vịt trắng là thú cưng của ông Nguyễn Ngọc Quang (61 tuổi, sống tại phố Hàng Chuối, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
"Thường ngày, ông Quang vẫn cùng con vịt đi dạo qua đây. Không biết ông ấy huấn luyện kiểu gì nhưng mà giỏi lắm. Con vịt cứ nghe lời răm rắp và luôn đi theo ông ấy.
Có hôm, nó đang chơi ở gần tường, ông Quang giả vờ đi quên không gọi nó. Ông đi được khoảng 30m, con vịt ngoảnh đầu thấy chủ của mình đi xa, nó chạy nhanh về phía ông ấy", vừa dứt lời, người bán trà đá trên phố Hàng Chuối chỉ ra phía sau chúng tôi và nói: "Đấy, bác Quang cùng con vịt lại dạo phố kìa. Trông ngộ nghĩnh thật".
Nhìn theo hướng chỉ tay của người phụ nữ, chúng tôi thấy hình ảnh một cụ ông khoảng 60 tuổi với bộ râu bạc, dáng người nhỏ bé, lưng hơi khom, tay chống cây gậy gỗ mộc mạc. Bên cạnh ông, một chú vịt trắng muốt lạch bạch bước theo sau. Sự đồng hành kỳ lạ ấy ngay lập tức thu hút ánh nhìn của những người qua đường.
Thấy chúng tôi đến gần bắt chuyện hỏi, ông Quang dừng lại, nở một nụ cười hiền hậu bảo: "Tôi đang đưa con vịt ra ngoài dạo phố. Mấy nay tôi sức khỏe yếu phải vào viện, không có thời gian đưa vịt đi dạo. Nay nghe thấy tiếng tôi, nó kêu hống lên đòi ra ngoài đi dạo cùng. Như thói quen rồi, mỗi khi đi dạo, không cho nó theo là không được".
Trong lúc trò chuyện với ông Quang, chú vịt như hiểu được lời ông nói, ngẩng cao đầu nhìn về hướng chúng tôi, đôi mắt đen láy ánh lên vẻ thông minh, khiến chúng tôi cảm thấy bất ngờ.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Quang cho biết, sở thích nuôi vịt làm thú cưng bắt đầu từ khi vợ ông còn bán trứng vịt lộn trên phố Hàng Chuối.
"Trước đây, đã có nhiều người từng hỏi tại sao tôi không nuôi chó hay mèo, mà lại nuôi vịt. Tôi vẫn nói trêu họ rằng do không có tiền mới đành nuôi vịt. Thực ra, câu chuyện bắt đầu từ khi vợ tôi mở quán bán trứng vịt lộn. Ngày đó, những quả trứng vịt lộn già, không đủ tiêu chuẩn để bán, tôi liền mang về tự ấp, chăm bẵm thành vật nuôi. Tôi nuôi để làm cảnh, chứ không bán hay để làm thịt", ông Quang nói.
Khi đi qua các cửa hàng thực phẩm, hàng rau, cụ ông 61 tuổi thường xin cho chú vịt "Pạc Pạc" ít cọng rau
Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, khoảng thời gian đầu, những chú vịt được ông tự ấp và chăm bẵm đều có "tuổi đời" rất ngắn do bị chuột cắn hoặc con vật chạy ra đường không may bị xe tông trúng.
Nói về chú vịt hiện tại, ông Quang bảo, tháng 4/2024, ông bắt xe buýt đến trang trại bán trứng vịt lộn ở phố Guột (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) để mua trứng mang về tự ấp. "Khi đến nơi, họ nói trứng mới ấp được vài hôm nên chưa soi được. Sau đó, họ gợi ý tôi có thể lấy vài con vịt con bị loại về nuôi. Tôi chỉ chọn một con nên họ không lấy tiền của tôi" ông Quang chia sẻ.
Ông Quang cho hay, những chú vịt con bị loại thường có sức khỏe yếu hoặc dị tật. "Vịt con tôi được người ta tặng mặc dù lúc đầu sức khỏe hơi yếu một chút nhưng nuôi dễ lắm. Nhỏ thì tôi cho ăn cám, khi lớn hơn chút thì đa dạng hơn như bún, cơm, cọng rau.
Người ta bảo sao không nuôi nhiều. Nhưng họ đâu có hiểu, ở độ tuổi của tôi, sức khỏe yếu, nuôi một con đã mệt rồi. Với lại, nuôi nhiều thì phải có ao, vườn hoặc đất rộng như ở quê, còn nuôi ở thành phố thì chỉ nuôi một con", ông Quang chia sẻ.
Chuồng nuôi thú cưng được ông Quang thiết kế bằng chiếc thùng xốp lót thêm bìa các tông, tạo các lỗ thoáng khí, phía trên đậy nắp để tránh chú vịt tự ý bay ra ngoài.
Chú vịt hiện tại được ông Quang đặt tên là "Pạc Pạc". Ông nói chú vịt lần này khôn hơn nhiều con trước đây, bởi những lần gặp nguy hiểm, "Pạc Pạc" đều có thể thoát nạn.
"Tôi cho nó đi dạo từ nhỏ. Có lần tôi đưa "Pạc Pạc" ra công viên chơi, lúc sang bên đường thì không thấy nó ở dưới chân. Nhìn quay lại thấy vịt con đang đứng giữa đường mổ cái gì đó. Lúc đó, đèn đỏ vừa hết, người ta đi xe máy, ô tô lao tới rồi bíp còi, "Pạc Pạc" thấy vậy chạy nhanh về phía chân tôi", ông Quang nhớ lại.
Không chỉ cho vịt đi dạo phố, những lần đi đánh cờ hay uống trà đá gần nhà cùng bạn bè, ông Quang cũng dẫn "Pạc Pạc" theo. "Cho "Pạc Pạc" đi xem đánh cờ, nhiều khi thế cờ khó quá, người ta lại vui miệng bảo cờ hốc như vịt", cụ ông 61 tuổi chia sẻ.
Ông Quang vui vẻ nói, kể từ khi hình ảnh của ông cùng chú vịt đi dạo trên phố lan truyền khắp các trang mạng xã hội, nhiều người đã đến tận nơi để xin chụp ảnh. Nhiều người ngỏ ý mua lại chú vịt với giá cao, nhưng ông Quang đều từ chối.
"Có vài người hỏi mua "Pạc Pạc" với giá cao nhưng tôi đều từ chối. Vì tôi không bao giờ bán "con" của mình", ông Quang nói.
Cũng theo lời chia sẻ của ông Quang, ngoài việc nuôi vịt làm thú cưng, ông còn nuôi thêm một chú chim chào mào.
"Khoảng 3 tháng trước, người ta cho tôi một con chào mào nhỏ. Chim chào mào cũng rất dễ nuôi. Tôi gọi nó là "tí ta tí toét" vì nó rất hay hóng chuyện. Trước đó, tôi vẫn cho nó đậu lên vai đi dạo cùng "Pạc Pạc".
Con chim chào mào cũng thông minh lắm. Mỗi lần đưa đi dạo, tôi cứ thả ra là nó lại đậu lên vai. Có lần, nó đang đứng chơi ở bờ tường, thấy tôi đi sang bên kia đường, nó lại bay đến đậu vào vai tôi.
Nhưng khi nó lớn lên, hai con vật hay xảy ra mâu thuẫn, thường sẽ mổ nhau nếu cho đi dạo cùng. Nên giờ tôi phải cho chúng đi riêng", ông Quang chia sẻ thêm.
Với ông Quang, chú vịt "Pạc Pạc" hay chú chim chào mào như những đứa con tinh thần, giúp ông tìm thấy niềm vui khi về già. Những ngày cùng các con vật đi dạo, đó là những khoảnh khắc bình yên, nơi tình cảm giữa con người và loài vật trở thành sợi dây gắn kết đặc biệt.