Anh Lâm sinh năm 1990 vốn là nhân viên một công ty công nghệ lớn tại thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang. Sau khi sinh được hai người con, vợ chồng Lâm quyết định nghỉ việc về quê ở thành phố Chương Châu, Phúc Kiến để kinh doanh hoa quả trên các sàn thương mại điện tử. Gần đây, anh tập trung vào mặt hàng chuối xanh nhờ trào lưu người trẻ Trung Quốc tìm mua những buồng chuối còn xanh, cắm trong bình nước và chờ chín với mong muốn xua tan căng thẳng, mệt mỏi.
Nhờ quảng cáo trên mạng xã hội cùng các nền tảng thương mại điện tử, việc cắm chuối xanh đã thu hút sự chú ý của giới trẻ và mọi người đã mua nó làm đồ trang trí mới tại nơi ở hay phòng làm việc của mình.
Chuối thường được Lâm bán nguyên buồng khi còn xanh. Khách mua về sẽ cắm vào bình nước và quả sẽ chín dần trong 1-2 tuần. Nhiều người nói rằng, việc mua chuối và đợi chúng chín giống như một quá trình thiền định, hỗ trợ rất nhiều về mặt cảm xúc. Đôi khi, họ viết tên đồng nghiệp nào đó lên vỏ chuối để dành phần cho người đó trước khi người khác lấy mất. Việc chia sẻ những quả chuối chín cũng giúp cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp ở nơi làm việc.
Ý tưởng kinh doanh chuối xanh xuất hiện vào đầu tháng 1 năm nay khi trong buổi bán trái cây trực tiếp, một số khách đòi mua chuối xanh còn nguyên cuống. Ban đầu, Lâm Văn Hải còn thấy rất lạ lẫm về yêu cầu này nhưng phát hiện ra đây là một tiềm năng mới cần tận dụng.
"Hãy đi theo xu hướng. Không chỉ bán chuối mà còn bán giá trị tinh thần", Lâm nhắc vợ mình. Dù nhiều người cho rằng xu hướng này nổi lên như một chiêu trò tiếp thị của nông dân trồng chuối nhằm giải quyết tính trạng doanh số bán hàng sụt giảm. Nhưng không chỉ Lâm mà nhiều người khác cũng tin rằng việc cắm chuối xanh có thể "chữa lành".
Tháng 3 năm nay, Lâm hợp tác với công ty Tao Factory của Alibaba. Với sản phẩm chuối xanh, chiến lược của họ là tập trung vào chiến lược tiếp thị "ngưng lo lắng". Ngoài ra, khách hàng khi mua chuối còn được cung cấp bình cắm kèm theo những tấm thiệp nhỏ ghi thông điệp chữa lành. Lâm cũng nâng cấp bao bì để trông bắt mắt hơn và thêm các khẩu hiệu như "thoát khỏi nỗi lo lắng", "ngăn chặn muộn phiền".
Một buồng chuối xanh nặng 4 kg, có 35-40 quả khi lên các sàn thương mại điện tử có giá 33 tệ (115.000 đồng). Với sản phẩm đặc biệt này, có tháng cửa hàng của Lâm kiếm được 2 triệu tệ. Việc tìm kiếm mua chuối xanh tại cửa hàng trong tháng 5 tăng cũng gần bốn lần.
Từng được mệnh danh là "Người giải tỏa lo lắng tốt nhất trên Internet", nhưng Lâm chia sẻ bản thân anh cũng đang phải chịu rất nhiều áp lực về doanh số.
"Người khác gọi chúng tôi là 'người chữa bệnh lo âu' nhưng thực tế chúng tôi cũng rất lo lắng". Người đàn ông này cho hay, trong những ngày bận rộn nhất, anh chỉ có thể được nghỉ ngơi 5 tiếng bởi phải giải quyết hơn 10.000 đơn hàng mỗi ngày. "Mọi người trong xưởng còn đùa nhau là máy đặt hàng bắt đầu bốc khói", Lâm nói.
Về tương lai, người đàn ông 34 tuổi cho biết sẽ đi sâu vào lĩnh vực cây trái chữa lành. Ngoài chuối, Lâm hiện còn bán cả dứa "chữa lành" với tên hàng hóa là "Hey! Pineapple" hay "hei feng li", với ý nghĩa "Tôi thích bạn". Anh cũng có kế hoạch tiếp thị sản phẩm chanh dây, bởi theo anh một sản phẩm "hot" không phải là giải pháp lâu dài.
"Tôi sẽ tiếp tục tung ra nhiều sản phẩm thú vị và thiết thực hơn nữa để mang lại niềm vui, năng lượng tích cực cho người tiêu dùng", Lâm nói.
(Theo sina, economy.cn)