Thời sự

Khủng hoảng Nga-Ukraine làm tăng áp lực lạm phát với kinh tế Việt Nam?

Sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN).

Sự thiếu hụt nguồn cung do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vì đại dịch COVID-19 gây ra chưa được khắc phục cùng với cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đang gây ảnh hưởng nặng nề tới nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất của Việt Nam và tác động trực tiếp đến lạm phát cũng như tăng trưởng kinh tế.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

- Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực ASEAN. Xin ông cho biết khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ ảnh hưởng thế nào đến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Cả Nga và Ukraine đều là những đối tác thương mại truyền thống và quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á-Âu. Về kim ngạch thương mại, Nga xếp thứ nhất, còn Ukraine xếp thứ 6.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam với Nga và Ukraine năm 2021 vào khoảng 7,6 tỷ USD, chiếm 1,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước; trong đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga đạt 7,14 tỷ USD, tăng 25,9% so với năm 2020, đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Nga. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực ASEAN và đối tác lớn thứ 5 trong các nền kinh tế APEC.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga đạt 4,89 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2020; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Nga đạt 2,25 tỷ USD, tăng 38,3%; Việt Nam xuất siêu sang Nga 2,64 tỷ USD.

Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nga điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may. Ba nhóm hàng này chiếm khoảng 57% kim ngạch xuất khẩu sang Nga, đây sẽ là các nhóm hàng bị tác động nhiều nhất trong thời gian tới.

Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, là nhóm sản phẩm cũng sẽ bị ảnh hưởng, mặc dù Nga không phải là thị trường lớn của các mặt hàng này.

[Áp lực lạm phát: Xác định nguyên nhân, thực thi linh hoạt giải pháp]

Tôi cho rằng Việt Nam xuất sang thị trường Nga và Ukraine lượng hàng hóa không lớn nhưng có sự lan tỏa ra khu vực liên minh Á-Âu - thị trường Việt Nam đã ký FTA. Do đó, sự đứt gãy hoạt động thương mại sẽ tác động đến cả những thị trường liên quan khác.

- Thưa ông, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đặc biệt tại thị trường Nga và Ukraine sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam như thế nào?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Kinh tế nước ta có độ mở lớn, tham gia nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương, hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới; nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu cho sản xuất chiếm tỷ lệ cao, khi kinh tế thế giới suy giảm và lạm phát cao, đặc biệt kinh tế của các đối tác quan trọng với Việt Nam suy giảm sâu sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp khá mạnh đến đà phục hồi và phát triển kinh tế nước ta.

Hiện nay, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra chưa được khắc phục thì khủng hoảng Nga-Ukraine càng làm trầm trọng hơn.

Bên cạnh đó, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt đối với kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điện, điện tử vì Nga và Ukraine là hai nhà cung cấp lớn những vật liệu quan trọng để sản xuất các nguyên phụ liệu cấu thành các thiết bị điện tử như nickel, palladium nên bất kỳ hạn chế hay gián đoạn nào về nguồn cung hàng hóa Nga có thể gây gián đoạn chuỗi sản xuất thiết bị điện tử.

Khủng hoảng Nga-Ukraine cùng với cấm vận sẽ khiến việc giao-nhận hàng xuất, nhập khẩu của Việt Nam với Nga bị chậm, chi phí vận chuyển tăng cao, làm tăng chi phí. Ngoài ra, khi đồng ruble mất giá cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu và ngoại tệ của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc Nga bị loại khỏi hệ thống của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) đã và đang có các tác động nhất định tới hoạt động kinh tế và giao thương của Việt Nam. Trước mắt điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới kim ngạch xuất khẩu nhưng về lâu dài sẽ tác động tới tâm lý và giao dịch thương mại của doanh nghiệp, các khách hàng có hoạt động đầu tư, giao thương với Nga, trong đó Việt Nam cũng phải chịu những tác động nhất định.

- Thưa ông, khủng hoảng Nga-Ukraine làm gia tăng áp lực lạm phát đối với nền kinh tế Việt Nam như thế nào?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Khủng hoảng Nga-Ukraine là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng thêm giá hàng hóa trên thị trường thế giới. Sản lượng sản xuất và thị phần xuất khẩu một số mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng như: xăng dầu, khí đốt, lúa mì, nhôm, nickel, ngô… của Nga và Ukraine rất lớn. Vì vậy, nếu căng thẳng kéo dài có thể gây khó khăn về nguồn cung các loại nguyên, nhiên vật liệu này trong thời gian tới, ảnh hưởng tới quá trình phục hồi và phát triển kinh tế nước ta.

Chẳng hạn, trong những năm gần đây, nước ta nhập siêu khoảng 6 tỷ USD đối với mặt hàng xăng dầu. Khi giá xăng dầu tăng cao, giá trị nhập siêu mặt hàng này cũng sẽ tăng.

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm. (Nguồn: TTXVN)

Chỉ riêng mặt hàng xăng dầu trong nước bình quân 4 tháng năm 2022, tăng 48,84% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tới 1,76 điểm phần trăm trong mức lạm phát bình quân 2,1% của 4 tháng đầu năm nay; giá gas trong nước biến động theo giá xăng dầu và giá gas thế giới, bình quân 4 tháng giá gas tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,36 điểm phần trăm.

Bên cạnh xăng dầu và gas, giá các loại nông sản như: lương thực, bông; thức ăn chăn nuôi; phân bón; kim loại công nghiệp; sắt thép xây dựng tăng cao sẽ tạo áp lực rất lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay của nước ta.

Áp lực lạm phát năm nay của nước ta chịu tác động khá lớn do nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài và lạm phát chi phí đẩy. Giá nhập khẩu một số nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất trong nước quý 1/2022 so với cùng kỳ năm trước tăng cao như: giá nhập khẩu sắt thép tăng 43,87%; giá xăng dầu tăng 40,44%; giá thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 27,73%.

- Thưa ông, khủng hoảng Nga-Ukraine tác động như thế nào tới đầu tư của Nga và các đối tác liên quan tại Việt Nam? Đồng thời du lịch quốc tế đến Việt Nam có bị ảnh hưởng không?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Nga có nhiều dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí và điện. Chẳng hạn dự án nhiệt điện Long Phú 1 do Power Machines (PM) của Nga làm tổng thầu bị chậm kế hoạch 2 năm do công ty PM bị liệt vào danh sách cấm vận của Mỹ; hay như dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong với liên doanh Zarubezhneft JSC của Nga và DEME Concessions của Bỉ, đã ký biên bản ghi nhớ từ tháng 4/2021.

Cùng với đó là du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, phục hồi chậm. Hiện nay, do đồng ruble mất giá, lạm phát tăng cao, kinh tế Nga đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng tới quyết định đi du lịch của người Nga.

Nhìn chung, kinh tế nước ta không tránh khỏi những hệ lụy từ khủng hoảng Nga-Ukraine. Bên cạnh tác động trước mắt, như giá xăng dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao, Việt Nam sẽ phải tìm cách đối phó với những hệ lụy lâu dài do Mỹ, phương Tây và nhiều nước trên thế giới áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga và do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.

- Xin ông cho biết một số giải pháp giúp cộng đồng doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro, duy trì và thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh khó khăn hiện nay?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Trong bối cảnh những bất định trên thế giới diễn ra với tần suất dày hơn và khó lường, Việt Nam cần có chiến lược xây dựng thể chế kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu và tính tự chủ của nền kinh tế.

Đặc biệt cần xây dựng Chiến lược an ninh năng lượng, đảm bảo đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, sử dụng tối đa năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cần bổ sung quan điểm và các giải pháp nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu và quản trị rủi ro.

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại một doanh nghiệp ở Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Chính phủ, các hiệp hội doanh nghiệp và chính cộng đồng doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về luật cấm vận của Mỹ, đồng thời tiến hành thảo luận ngay với đối tác Mỹ để tránh bị chế tài khi vi phạm các biện pháp cấm vận đối với Nga; đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục cải cách hành chính, triển khai các giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hướng dẫn doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu các hình thức thanh toán và biện pháp phòng ngừa rủi ro trong thanh toán khi ký kết hợp đồng để tháo gỡ khó khăn về thanh toán do các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu hình thành các kênh chi trả thanh toán với các ngân hàng và doanh nghiệp Nga, cũng như qua các phương tiện chưa bị cấm vận để giúp doanh nghiệp trong nước có thể tiếp tục giao dịch với đối tác Nga một cách hợp pháp.

Mặt khác, nghiên cứu khả năng kinh doanh bằng đồng ruble, hạn chế sử dụng ngoại tệ để tránh biến động tỷ giá, áp dụng các phương thức thanh toán bù trừ bằng đồng ruble hay đổi hàng với Nga để hạn chế việc chuyển tiền qua ngân hàng.

Bộ Công Thương theo dõi nắm bắt, cập nhật thường xuyên tình hình căng thẳng về chính trị, ngoại giao, sự chuyển hướng trong chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư của các nước, cung cấp thông tin kịp thời cho các bộ, ngành có liên quan để có giải pháp xử lý.

 

Cùng với đó, Bộ Công Thương theo dõi sát biến động cung cầu các mặt hàng chiến lược nhạy cảm, kịp thời có giải pháp điều hành phù hợp, tận dụng cơ hội về giá để sản xuất, xuất khẩu và đảm bảo cung cầu cho thị trường trong nước; đẩy mạnh khai thác hiệu quả các FTA đã ký với các quốc gia, lãnh thổ, đặc biệt là FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu; các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoài ra, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, đảm bảo luồng hàng hóa xuất nhập khẩu được thông suốt; đẩy mạnh hợp tác, kết nối giữa các nền kinh tế.

Để ứng phó với khủng hoảng Nga-Ukraine, cộng đồng doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường và nguồn cung, đồng tiền thanh toán; chủ động đàm phán với các đối tác về phương án vận chuyển hàng hóa, phương thức kinh doanh; đồng thời rà soát lại hợp đồng và hồ sơ pháp lý bảo đảm chủ động trong trường hợp xảy ra tranh chấp.

Các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong thanh toán khi ký kết và thực hiện hợp đồng.

Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, phải điều chỉnh ngay những chính sách và giải pháp khi có vấn đề phát sinh. Không nhất thiết phải ban hành chính sách trung và dài hạn cho 2 năm, 5 năm mà chính sách, giải pháp cần thiết thực, đảm bảo minh bạch, gắn với đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.

Xin cám ơn ông!

Cùng chuyên mục

Đọc thêm