Không tính lĩnh vực ngân hàng, báo cáo tài chính quý 1/2022 của các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy có hàng chục “đại gia” ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế cả nghìn tỷ đồng. Trong đó, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long là doanh nghiệp ghi nhận mức lãi cao nhất.
Cụ thể trong 3 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ghi nhận hơn 44.404 tỷ đồng doanh thu. Sau khi trừ các khoản chi phí, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận 8.924 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh. Trừ chi phí khác và thuế thu nhập danh nghiệp, HPG báo lãi ròng 8.206 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 7.005 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.
Đứng sau Hòa Phát là Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Trong quý 1/2022, Công ty Cổ phần Vinhomes (VHM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.923 tỷ đồng. Nguồn thu chủ yếu đến từ các đại dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park.
Nếu điều chỉnh cộng lại doanh thu từ các giao dịch bán lô lớn bất động sản và từ hoạt động hợp tác kinh doanh các dự án bất động sản được ghi nhận vào thu nhập tài chính, doanh thu thuần hợp nhất đạt 14.279 tỷ đồng, chỉ giảm 9% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 5.886 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 4.725 tỷ đồng. Tương đương, mỗi ngày VHM thu lãi ròng 52,5 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của công ty mẹ đạt 4.540 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Trần Đình Long cũng đang là 2 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam
Đứng thứ 3 là Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (GAS). Trong quý 1/2022, GAS ghi nhận doanh thu thuần đạt 26.689 tỷ đồng – tăng 52% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán cũng tăng tương ứng nên lãi gộp đạt 5.136 tỷ đồng tăng 57% so với quý 1/2021.
Sau khi trừ chi phí và ghi nhận 39 tỷ đồng lãi từ hoạt động khác GAS lãi sau thuế 3.495 tỷ đồng tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, LNST thuộc về công ty mẹ là 3.429 tỷ đồng.
Phía sau GAS là BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn. Cụ thể, báo cáo tài chính quý 1 của Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết trong 3 tháng đầu năm doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 34.783 tỷ đồng tăng 65% so với cùng kỳ. Sau khi trừ giá vốn lợi nhuận gộp đạt 2.612 tỷ đồng tăng 28% so với quý 1/2021.
Trong kỳ BSR thu về 356 tỷ đồng doanh thu tài chính tăng 78% so với cùng kỳ trong đó ngoài 189 tỷ đồng từ lãi tiền gửi ngân hàng BSR còn có 117,7 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá.
Sau khi trừ các khoản chi phí và ghi nhận lãi khác 21,3 tỷ đồng BSR lãi sau thuế 2.312 tỷ đồng – tăng 25% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, 3 tháng đầu năm 2022, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) ghi nhận 13.940 tỷ đồng doanh thu tăng 700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng mạnh khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VNM còn 2.772 tỷ đồng giảm gần 300 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Sau khi trừ các khoản chi phí khác và thuế thu nhập doanh nghiệp, VNM ghi nhận lãi ròng 2.283 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
Những doanh nghiệp (không tính các ngân hàng) ghi nhận mức lãi ròng nghìn tỷ trong quý 1/2022
Với đà tăng ấn tượng về doanh thu trong 3 tháng đầu năm đã đưa DPM gia nhập nhóm doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận ròng nghìn tỷ trong quý 1/2022.
Báo cáo tài chính quý 1/2022 của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (Đạm Phú Mỹ - DPM) cho biết trong 3 tháng đầu năm doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.829 tỷ đồng tăng 299% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp cũng gấp 6,5 lần khi đạt 2.823 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lãi gộp biên tăng lên 48,4% so mức 22% của cùng kỳ.
Sau khi trừ các loại chi phí, lợi nhuận sau thuế trong quý 1 của DPM đạt mức 2.126 tỷ đồng, gấp tới 12,4 lần cùng kỳ 2021.
Ngoài những cái tên trên, những doanh nghiệp lãi ròng nghìn tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2022 còn có thể kể đến những cái tên khác như MSN, FPT, DCM, DGC, MWG, VGI, GVR, SAB và NVL với lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp ghi nhận từ 1.045 tỷ đồng đến 1.894 tỷ đồng.