Tài chính

Khủng hoảng kinh tế khiến nhiều gia đình Tunisia chỉ có thể ăn 1 bữa mỗi ngày

Nhiều người dân Tunisia nói rằng cuộc sống của gia đình họ ngày càng trở nên thực sự khó khăn trong những năm gần đây. Nhiều gia đình thậm chí chỉ đủ khả năng ăn 1 bữa trong ngày thay vì 3 bữa như thông thường.

Khủng hoảng kinh tế khiến nhiều gia đình Tunisia chỉ có thể ăn 1 bữa mỗi ngày - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa về an ninh lương thực: News24)

Khó khăn của người dân chủ yếu do chi phí sinh hoạt cơ bản tăng cao vì lạm phát toàn cầu gia tăng, tài chính quốc gia làm vào khủng hoảng. Anh Lassad Mejri – một công nhân vệ sinh đường phố cho biết: “Tôi không còn đủ tiền để mua thực phẩm, rau và những thứ cần thiết khác. Mọi người đều đang đói. Gia đình tôi không còn đủ khả năng để lo ba bữa một ngày. Chúng tôi thường chỉ ăn hai bữa, ăn chính vào buổi trưa và tối tôi ăn phần cơm thừa của bữa trưa, nếu còn dư. Lương của tôi một ngày chỉ khoảng 33 USD và như vậy là không đủ. Hiện nay còn thậm chí không đủ để mua hàng tạp hóa.”

Tunisia đã thúc đẩy một gói cứu trợ quốc tế trong nhiều năm để giúp nước này tránh khỏi tình trạng phá sản, nhưng bất ổn chính trị và tranh chấp về cải cách kinh tế của đất nước đã cản trở những nỗ lực đó. Tuần trước, công ty chuyên xếp hạng tín dụng trái phiếu Moody's đã hạ bậc tín nhiệm nợ chính phủ của Tunisia, cảnh cáo có khả năng xảy ra vỡ nợ.

Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng một số thực phẩm và thuốc men cơ bản cũng là vấn đề lớn của chính phủ hiện nay, việc vỡ nợ công có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, làm suy yếu đồng dinar, làm lạm phát trầm trọng hơn. Tình trạng thiếu hụt những mặt hàng cơ bản đã xảy ra trên khắp đất nước, với việc các siêu thị và cửa hàng địa phương luôn hết một số mặt hàng cơ bản như đường, sữa, bơ và dầu ăn.

Chuyên gia phân tích kinh tế Rihha Chkandali đánh giá: “Tình hình kinh tế tồi tệ hiện nay được thể hiện bằng sự gia tăng tỷ lệ lạm phát, đã lên tới hơn 20% đối với một số loại thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác trong cuộc sống của người dân Tunisia. Nhà nước cũng đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo các mặt hàng thiết yếu, do dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương thiếu hụt, buộc phải huy động các nguồn lực bên ngoài.”

Hiện tại, cuộc bầu cử quốc hội 2 vòng ở Tunisia đang diễn ra với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất kể từ sau cuộc chính biến năm 2011. Trong cuộc bầu cử này chỉ có 895.002 người tham gia bỏ phiếu trong tổng số hơn 7,8 triệu cử tri đăng ký. Theo giới chuyên gia, người dân Tunisia đang phải ứng phó với tỷ lệ thất nghiệp cao, lạm phát leo thang và thiếu hụt hàng hóa cơ bản, do đó họ không còn quan tâm đến chính trị.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm