Tài chính

'Khúc quanh' mới của lạm phát

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (TCTK), chỉ số CPI tháng 2 tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 2 tháng tăng 1,68% so với cùng kỳ 2021. Đây là con số tăng đáng kể so với mức tăng 0,7% của tháng 2/2021.

CPI bình quân 2 tháng đầu năm tăng 1,68%, vẫn thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ là 4%. Tuy nhiên, mức tăng này mới chỉ phản ánh một phần áp lực của lạm phát là từ khả năng phục hồi của nền kinh tế, giá xăng dầu tăng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, xung đột Nga - Ukraine sẽ là "khúc quanh" mới của lạm phát năm 2022, khi giá dầu lập đỉnh, có lúc vượt mốc 130 USD/thùng.

Trả lời Nhadautu.vn , TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính đánh giá chiến sự Nga - Ukraine đến thời điểm hiện tại có thể thấy rõ không thể giải quyết nhanh chóng trong một sớm một chiều, dẫn tới xu hướng giá vàng, giá dầu tăng dựng đứng, hàng loạt các mặt hàng cơ bản tăng giá theo, đe dọa tới lạm phát thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

ts-nguyen-tri-hieu

Các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu do đứt gãy chuỗi cung ứng. Nếu tình hình này kéo dài, khủng hoảng, lạm phát sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn với thế giới, trong đó có cả Việt Nam.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

"So với thời điểm trước xung đột Nga - Ukraine, có thể nói lạm phát của Việt Nam trong bối cảnh hiện tại đã đi vào "khúc quanh" mới. Áp lực sẽ không đơn giản chỉ là các yếu tố phục hồi trong nước, đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh mà sẽ nặng nề hơn nhiều", ông Hiếu nói.

Phân tích cụ thể, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, cuộc chiến Nga - Ukraine xảy ra dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn nhiên liệu khi Nga bị các nước phương Tây cấm vận về mặt thương mại. Điều này khiến việc bán hàng cho Nga gần như dậm chân tại chỗ. Không những vậy, các biện pháp cấm vận về tài chính khi loại bỏ Nga khỏi SWIFT (hệ thống thanh toán quốc tế) khiến nước này chỉ có thể tìm tới một số quốc gia có phương thức thanh toán khác như Trung Quốc, Ấn Độ, dẫn tới hệ thống tài chính của Nga bị ảnh hưởng nặng nề, từ đó tác động tiêu cực tới các quốc gia khác.

"Nền kinh tế của Nga dù nhỏ hơn so với Trung Quốc, Mỹ nhưng lại tạo hiệu ứng về mặt khan hiếm hàng hóa rất lớn. Do vậy, các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga sẽ ảnh hưởng tới tất cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, khủng hoảng, lạm phát sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn với thế giới, trong đó có cả Việt Nam - quốc gia có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi tổng GDP", ông Hiếu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, trả lời Nhadautu.vn , TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia nhận định: Chắc chắn giá xăng dầu tăng kéo theo hàng loạt giá các mặt hàng khác trên thị trường thế giới tăng. Tăng nhanh nhất là lượng thực, thực phẩm, vật liệu cơ bản, vì Nga là nước cung cấp nhiều lượng thực thực phẩm, vật liệu cơ bản, kim loại màu, kim loại đen, phân bón lớn ra thế giới, làm cho lạm phát thế giới tăng cao và nhanh.

Khi lạm phát thế giới tăng, Việt Nam là nước có nền kinh tế mở gần như hoàn toàn sẽ phải nhập khẩu hàng hóa vào, tạo sức ép nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Nó tác động vào chi phí sản xuất từng mặt hàng, tạo lạm phát chi phí đẩy. Điều này dẫn tới việc hàng loạt sản phẩm trong nước kể cả nông sản, công nghiệp, tiêu dùng đều phải tăng giá lên vì chi phí sản xuất tăng lên. Trong trường hợp không tăng được giá trong nước, sản xuất sẽ đình trệ.


photo-1

Không muốn lạm phát tăng thì phải rút tiền về, tăng lãi suất lên nhưng điều này lại ảnh hưởng lớn tới quá trình phục hồi sản xuất.

TS. Lê Xuân Nghĩa

"Cộng thêm cầu trong nước phục hồi trở lại, lạm phát trong nước năm nay có thể khá cao, vượt trên ngưỡng 4%, gần gấp 3 năm 2021", TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Để kiềm chế nhập khẩu lạm phát, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, về lý thuyết, điều Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ có thể làm là muốn lạm phát tăng thì tăng cung ứng tiền, hạ lãi suất xuống. Còn không muốn lạm phát tăng thì phải rút tiền về, tăng lãi suất lên nhưng điều này lại ảnh hưởng lớn tới quá trình phục hồi sản xuất.

Vì vậy, theo ông Nghĩa ở thời điểm hiện tại chỉ có thể bàn tới "làm sao để hạn chế tác động từ bên ngoài, giảm bớt áp lực từ lạm phát nhập khẩu". Theo đó, có 3 giải pháp đáng chú ý.

Một là có thể linh hoạt tỷ giá hối đoái theo hướng giảm giá trị VND. Điều này giúp hạn chế nhập khẩu và tăng xuất khẩu từ đó hạn chế áp lực nhập khẩu lạm phát.

Hai là giảm thuế nhập khẩu xuống, đỡ chi phí nhập khẩu của sản xuất trong nước. Vì trong nước sản xuất phần lớn là nhập khẩu nguyên vật liệu từ bên ngoài, kể cả xuất khẩu của khu vực nông nghiệp.

Ba là có thể mở rộng tiêu thụ nội địa. Trong đó đáng chú ý là đẩy mạnh phong trào người Việt dùng hàng Việt một cách thực chất. Nhìn Hàn Quốc có thể thấy người dân Hàn chỉ đi xe Hàn, sử dụng thiết bị điện tử của Hàn.

Ngoài ra, ông Nghĩa cho rằng, có thể khuyến khích các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng các công cụ bảo hiểm giá cả quốc tế, công cụ phái sinh về tỷ giá hối đoái, hoán đổi tỷ giá, quyền chọn tỷ giá, tránh rủi ro tỷ giá trong tương lai.

Nói về áp lực tăng lãi suất trong thời gian tới khi lạm phát đối mặt nhiều rủi ro, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định lãi suất trong nước khó có thể giữ ở mức thấp mãi được.

"Lãi suất là giá cả hàng hoá. Giá cả hàng hóa tăng, thì khó kiểm soát giá của tiền tệ tăng. Thực tế, tăng cũng có mặt tốt là công cụ kiềm chế lạm phát. Dĩ nhiên điều này sẽ tạo chi phí lớn cho doanh nghiệp nhưng ở thời điểm hiện tại tốt hơn hết là để thị trường, cung cầu tự vận hành. Chính phủ, NHNN chỉ có thể đứng ở vai trò giám sát, điều hành mà không nên trực tiếp can thiệp vào thị trường, tránh tạo hệ lụy lớn về sau, gây méo mó thị trường", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm