Tại "Hội thảo tăng cường nguồn lực để thu hút Vốn – huyết mạch của doanh nghiệp" vừa qua, ông Phạm Ngọc Huy – Giám đốc chương trình thúc đẩy kinh doanh, Vietnam Silicon Valley đã chỉ ra rằng: "Thông thường, khi các startup bắt đầu dự án của mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn và khó khăn lớn là phải đi huy động nguồn vốn ở đâu? Đối với giai đoạn đầu, các startup rất khó tiếp cận với với các quỹ đầu tư".
Theo vị giám đốc này, thông thường, những dự án được Vietnam Silicon Valley đầu tư đều có những điều kiện cơ bản là sản phẩm ra được thị trường. Tuy nhiên, độ hiểu biết và suy nghĩ của founder (người sáng lập) về startup vẫn chưa thực sự đúng đắn, đặc biệt là các bạn trẻ đến từ trường kỹ thuật, đa phần họ sẽ trình bày về bí quyết kinh doanh và công nghệ cao siêu. Đi đôi với đó, họ định giá công ty rất cao.
Startup thường đinh giá công ty rất cao.
Nhưng trên thực tế khi các nhà đầu tư nhìn vào startup thì họ sẽ nhìn vào mô hình kinh doanh và khả năng bán được sản phẩm. Có nhiều startup có những sản phẩm khá hay nhưng mô hình kinh doanh chưa rõ ràng. Chính vì điều này, vị giám đốc khẳng định: "Một khi mô hình kinh doanh không rõ ràng thì sẽ rất khó để phát triển".
Ông Phạm Ngọc Huy cũng đưa ra lời khuyên đối với các startup: "Muốn tìm được nhà đầu tư thì trước hết hãy kết thân với họ. Còn tất cả những thứ mang tính chất tiềm năng dự án, thị trường thì đó chỉ là những thông số để tham khảo và đặc biệt, những thông số này sẽ không được thể hiện quá rõ ràng khi các bạn ở giai đoạn bắt đầu".
Vị này cũng cho biết thêm, với các công ty công nghệ khi nhận được đầu tư, nhà đầu tư chưa nhìn vào tiềm năng lợi nhuận của các startup mà nhìn vào chính những người đi gọi vốn, trong tương lai họ có thể đóng một vai trò nào đó trong hệ sinh thái của các nhà đầu tư hay không?
"Thời điểm tốt để các startup đi gọi vốn đầu là khi startup đã phát triển được một thời gian, định vị được mô hình kinh doanh, chiến lược và cấu trúc doanh nghiệp. Đồng thời, đó cũng mới là thời điểm giá trị doanh nghiệp mới bắt đầu tăng", ông Huy chia sẻ.
Đồng thời, ông cũng bày tỏ: "Thực ra, giá trị của doanh nghiệp startup là niềm tin của các bạn sau này chứ không phụ thuộc vào việc các bạn định giá mình bao nhiêu so với giá thị trường.
Ở giai đoạn đầu, các bạn không cần quá quan tâm mình nên định giá bao nhiêu, nên đi đàm phán với các nhà đầu tư như thế nào để không bị thiệt. Việc các bạn cân đo đong đếm với nhà đầu tư từng chút một là không nên. Bản thân tôi đã gặp rất nhiều startup, các bạn luôn đưa ra một mức định giá rất cao mặc dù sản phẩm còn đang phát triển".
Vị giám đốc nhấn mạnh, nếu phát triển doanh nghiệp của mình thực sự tốt, những vòng gọi vốn sau có thể định giá mình lên đến 1 triệu hay 10 triệu USD thì đó chỉ là vấn đề thời gian. Thời gian đầu, startup nên tập trung tìm kiếm người đồng hành, nguồn vốn và đưa ra những sản phẩm tốt cho thị trường.
Không chỉ phân tích về những khó khăn mà startup gặp phải khi gọi vốn, nên gọi vốn khi nào và những điều không nên khi gọi vốn, tại hội thảo, ông Phạm Ngọc Huy còn chỉ ra rằng: "Hàn Quốc là thị trường gọi vốn tiềm năng cho các startup, vì ở đó có rất nhiều nhà đầu tư muốn tìm đến các startup Việt".
Hàn Quốc là thị trường gọi vốn tiềm năng của startup Việt.
Giám đốc chương trình thúc đẩy kinh doanh, Vietnam Silicon Valley phân tích: "Cách đây 1 tháng, chúng tôi đưa 10 dự án sang Hàn Quốc gọi vốn. Trước đây, chúng ta thường nói Singapore là thị trường gọi vốn gần nhất Việt Nam và tiếp đó, các startup thường tìm đến thị trường Mỹ. Tuy nhiên, Đông Nam Á chưa phải là thị trường để các quỹ đầu tư của các quốc gia này quan tâm nhiều, trừ những dự án quá xuất sắc.
Còn đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc, họ có rất nhiều tiền và họ đang cạnh tranh với nhau rất gay gắt để tìm ra các dự án startup trong nước để đầu tư. Tuy nhiên, thị trường và số lượng startup trong một quốc gia rất ít, chính vì thế, họ sẽ phải tìm kiếm các startup ở Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam chúng ta khá tương đồng về văn hóa với Hàn Quốc".