Nhiều học sinh vội ăn sáng trước khi đến trường - Ảnh: T.DƯƠNG
BSCK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là do các bậc phụ huynh thiếu kiến thức về việc chăm sóc trẻ hoặc có kiến thức nhưng thực hành không đúng, ngoài ra còn phải kể đến những tác động của kinh tế - xã hội…
Trẻ bỏ bữa sáng với những lý do "rất thành phố"
Gần 7h sáng 7-1, trước cổng Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, Q. Bình Thạnh, TP.HCM, bé P.N.L., 8 tuổi, được ba mẹ đưa đến trường bằng xe hơi. Chị N.T.T. - 35 tuổi, mẹ bé L. - kể do vợ chồng chị phải đưa hai bé đi học. Bé lớn học Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, bé nhỏ học Trường mầm non 30-4 nên chị chỉ kịp cho bé lớn tiền đến trường ăn sáng.
Mỗi ngày chị cho bé 20.000 đồng. Giờ ra chơi bé sẽ tranh thủ ăn sáng tại căng-tin trường. Nghe bé kể căng-tin trường có nhiều món nên chị cũng yên tâm. Khi hỏi chị có chắc bé ăn sáng đều không, ăn sáng món gì thì chị T. bảo chị nghĩ bé đói thì sẽ ăn thôi, chứ bé chọn ăn món gì thì chị cũng không rõ.
Tại Trường tiểu học Hà Huy Tập, Q. Bình Thạnh, nhiều bà mẹ tranh thủ đút những phần hambuger cho trẻ. Những bà mẹ này kể các cháu vội đi học sớm, thường phải đến trường trước 7h nên các chị chỉ kịp mua những phần ăn sáng bán ngay ở cổng trường cho các con ăn.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, ở các đô thị nhiều trẻ đã bỏ qua bữa sáng với những lý do "rất thành phố" như bị tắc đường, ba mẹ phải đi làm sớm... Trẻ không ăn sáng sẽ thấy đói bụng, khi được cha mẹ cho tiền trẻ đã chọn mua những loại thức ăn nhanh, tiện lợi để kịp ăn trong những giờ ra chơi.
Những loại thức ăn này thường có nhiều dầu mỡ, chiên xào, có nhiều chất béo, nhiều muối, đường như hamburger, mì gói, xúc xích, xiên que... nên ăn vào sẽ tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Trẻ bỏ bữa sáng hoặc ăn qua loa vào bữa sáng sẽ ăn nhiều vào buổi trưa, buổi chiều cũng làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.
Tất cả trẻ bị đái tháo đường type 2 đều bị béo phì nặng
Tại TP.HCM, hiện có tới 50% trẻ tiểu học bị thừa cân, béo phì, 15,4% trẻ học đường (6 - 18 tuổi) bị tăng huyết áp, 9 tuổi đã có trẻ bị đái tháo đường type 2 trong khi dạng đái tháo đường này vốn thường gặp ở người nhiều tuổi…
Theo bác sĩ Ngọc Diệp, trẻ thừa cân, béo phì sẽ dẫn đến những nguy cơ bị cao huyết áp, đái tháo đường và một số bệnh ung thư. Tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa. Trước đây tăng huyết áp chỉ thường gặp ở người trên 60 tuổi, sau này gặp ở cả những người 40 tuổi và những năm gần đây còn gặp nhiều ở thanh niên, trẻ vị thành niên, nên đã xuất hiện nhiều trẻ bị đột quỵ.
Có khoảng 60% những người bị tăng huyết áp nhưng lại không biết mình bị như vậy. Nhiều người nghĩ tăng huyết áp thường gặp ở những người lớn tuổi và người trẻ tuổi không bị. Trong số 15,4% trẻ bị tăng huyết áp này các bác sĩ ghi nhận trẻ đều bị béo phì, béo bụng, dinh dưỡng không hợp lý, ít luyện tập.
Còn những trẻ bị đái tháo đường type 2 đều bị béo phì nặng, gia đình có người bị đái tháo đường. Bác sĩ Ngọc Diệp cho rằng nếu những trẻ sinh ra trong những gia đình này được chăm sóc dinh dưỡng, vận động tốt sẽ ngừa được nguy cơ đái tháo đường nhiều.
Bác sĩ Ngọc Diệp khuyên cần cho trẻ chế độ ăn uống cân đối các nhóm thực phẩm và phải ăn đạt được 3 phần rau, 2 phần trái cây mỗi ngày (phần sẽ tương đương với tuổi), nên cho trẻ uống sữa không đường, cần tăng cường vận động thể lực ít nhất 120 phút/ngày, nên tham gia một môn thể thao, năng động tham gia các hoạt động thể lực, làm việc nhà để phòng ngừa thừa cân, béo phì. Khi thấy trẻ tăng cân nhanh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn phòng thừa cân, béo phì.
Rất nhiều trẻ em TP thiếu vitamin D
Bác sĩ Ngọc Diệp cho biết vitamin D là một chất rất quan trọng đối với sức đề kháng của cơ thể, nhưng có tới 49,8-58,3% trẻ em tuổi tiểu học của TP.HCM thiếu vitamin D. Trong khi tỉ lệ này ở trẻ em tuổi tiểu học tại nông thôn là 46,6-46,7%, nghĩa là trẻ em ở TP thiếu vitamin D hơn trẻ em nông thôn.
Nguyên nhân là do trẻ em ở TP được "úm" kỹ trong nhà. TP có nhiều nhà cao tầng nên có nhiều kính, trẻ phơi nắng qua kính không chuyển hóa được tiền vitamin D trong cơ thể thành vitamin D.
Bác sĩ Diệp khuyên trẻ cần được ăn chất đạm có nguồn gốc từ động vật vì trong đó có vitamin D. Cá biển, gan là những thực phẩm có nhiều vitamin D. Trẻ nên vận động ngoài trời trong khoảng thời gian có ánh nắng chưa gay gắt vào đầu buổi sáng hoặc cuối buổi chiều để hỗ trợ quá trình chuyển hóa vitamin D trong cơ thể, bổ sung vitamin D nếu trẻ có nguy cơ bị thiếu vitamin D.