Trong tập phát sóng mới đây nhất tối ngày 5/1 của chương trình Ai là triệu phú, "phượt thủ" nổi tiếng Trần Đặng Đăng Khoa đã xuất hiện ở số đầu tiên năm 2021. Và đóng vai trò MC thay cho nhà báo Phan Đăng là giáo sư Cù Trọng Xoay - Đinh Tiến Dũng. Đinh Tiến Dũng quen thuộc với khán giả qua hình ảnh "giáo sư Xoay" của chương trình Hỏi xoáy đáp xoay và là biên kịch của nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng, trong đó có Gặp nhau cuối năm. Anh có tài ăn nói dí dỏm, thông minh.
Ở phần thi của mình, Đăng Khoa đã xuất sắc trả lời đúng 14 câu trong tổng 15 câu, sử dụng hết 4 sự trợ giúp và tạm thời sở hữu 85 triệu đồng. Tới câu số 15, anh không tỏ ra do dự đưa ra đáp án và là người đầu tiên trong lịch sử Ai Là Triệu Phú quyết trả lời đến câu cuối cùng.
Trong câu số 15 "Những vần thơ "Trường Sơn chí lớn ông cha/Cửu Long lòng mẹ bao la sóng trào" nằm trong tác phẩm nào của nhà thơ Lê Anh Xuân?", anh đã chọn đáp án A. Dáng đứng Việt Nam. Còn câu trả lời đúng là B. Nguyễn Văn Trỗi. Vì thế, anh đã để tuột mất giải thưởng cao nhất 150 triệu đồng, mất 63 triệu và nhận số tiền thưởng ở câu 10 là 22 triệu đồng. Tuy anh đã vuột mất cơ hội lớn nhưng sự thể hiện của anh ngày hôm qua nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người. Suốt cả cuộc thi, Đăng Khoa tỏ ra rất bình tĩnh, quyết liệt, không có bất cứ sự e dè nào - rất đúng tinh thần của một phượt thủ đã đặt dấu chân lên rất nhiều quốc gia trên thế giới. Bản thân MC Đinh Tiến Dũng cũng choáng vì sự quyết đoán, liều lĩnh của người chơi - phượt thủ Đăng Khoa.
Trần Đặng Đăng Khoa cũng chính là người Việt Nam đầu tiên đi vòng quanh thế giới bằng xe máy. Ngày 1/6/2017, anh xuất phát từ cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh và ngày 16/6/2020, sau 1111 ngày xa quê hương, anh đã đặt chân trở về nhà, mang theo những câu chuyện về một hành trình kỳ lạ và đầy cảm hứng.
3 năm xa nhà và đi qua tất cả các châu lục trên thế giới, gồm châu Á, châu Âu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Úc, Nam Cực và châu Phi. Hơn 1000 ngày đi qua các vùng đất là hơn 1000 câu chuyện khác nhau, hơn 1000 địa danh, con người, văn hóa nhiều không kể xiết ở khắp các nơi trên trái đất này.
Từng đặt kế hoạch sẽ về Việt Nam bằng đường bộ với lộ trình dự định là từ châu Phi về Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan - Campuchia - cửa khẩu Mộc Bài, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các quốc gia ở châu Phi đóng cửa biên giới, Đăng Khoa bị kẹt lại. Vì vậy, anh quyết định gửi xe máy theo đường biển từ Mozambique về Việt Nam, còn người sẽ ở lại chờ chuyến bay về nước.
May mắn thay, 2 ngày sau, đã có chuyến bay hồi hương cho công dân Việt Nam – thông báo từ Đại sứ quán Việt Nam ở Mozambique. Ngày 15/6, anh lên máy bay từ Nam Phi và 16/6, anh chính thức có mặt tại Việt Nam.
Trước khi trở thành "phượt thủ" nổi tiếng, Đăng Khoa là một nhân viên văn phòng bình thường ở Sài Gòn, sáng xách cặp đi, chiều lại xách cặp về. Lĩnh vực của anh làm liên quan đến máy móc công nghiệp, thường xuyên phải đi công tác nhiều. Tuy nhiên, anh cũng hay lái xe chạy vòng vòng vào cuối tuần nên tôi không ngại chuyện lái xe máy đi xa. Với chuyến đi vòng quanh thế giới này, anh đã ấp ủ cách đó 1 năm.
Trở về sau chuyến đi 1111 ngày, Đăng Khoa từng tiết lộ anh hoàn toàn hài lòng về chuyến đi "3 không" của mình. Anh từng hứa với lòng nếu bị 1 trong 3 cái là đến lúc dừng cuộc chơi.
"1. Không bị bất kì tai nạn, va đụng, ngã xe lớn nhỏ nào.
2. Không bị bất kì bệnh gì, kể cả sổ mũi, ho han, ốm đau, bệnh truyền nhiễm gì. Sức khỏe và sức đề kháng tốt thật chớ. Mình cũng không bị chấn thương nào cả (chỉ có lần đạp trúng mấy con nhím biển ở Mauritius sưng hết hai lòng bàn chân rồi tối mua thuốc kháng sinh uống với hơ kim tự nảy mấy cái kim ra, đau chết luôn.)
3. Không bị bất kì giấy phạt chạy xe sai quy định hay bất kì giấy phạt linh tinh nào khi đi lại, đi tham quan, giấy tờ visa hộ chiếu các kiểu luôn đầy đủ đúng hạn, thanh niên nghiêm túc nhứt quả đất mà."
"Nơi lạnh nhất tôi từng đến là Greenland -40 độ, ngủ trong một cái chòi nhỏ dựng trên mặt hồ đóng băng. Đợt đó, tôi đi cùng một chú người Inuit (hay còn gọi là người Eskimo) ở Greenland. Biết tôi không mang đủ đồ, chú cho tôi mượn đôi găng tay làm bằng da hải cẩu do bà vợ may, nguyên bộ đồ chống rét, đôi giày đi trên tuyết rất dày, mang nhiều lớp quần áo, lớp vớ thì cũng ổn thôi.
[...]Rồi trải nghiệm cái nắng nóng đỉnh điểm ở bờ Tây Úc, trúng đợt tháng 11, 12 - cao điểm của mùa hè. Nếu đi một lúc rồi lại nghỉ, e rằng sẽ sớm bị kiệt sức nên tôi cứ ráng đi khoảng 50km nghỉ 1 lần. Đường cao tốc siêu vắng, mấy trăm kilomet không có cây. Con mắt mờ đi, mang 3 cái kính mắt mà vẫn bị chói, nắng quá gắt, gió như thổi lửa, vô cùng khó chịu. Nếu nhỡ may mà bị say nắng, ngã ra đó, bất tỉnh thì sẽ chết thôi, làm gì có ai đi qua đâu."
Đăng Khoa nhớ lại những kỷ niệm trong chuyến đi vòng quanh thế giới của mình. Hiện tại, anh đang bắt tay vào những dự án cá nhân và thực hiện những chuyến đi khám phá Việt Nam khi có thời gian rảnh.