Vừa qua, nữ sinh Tạ Mỹ Vân, 18 tuổi, sinh sống tại Hà Nội, đồng thời là cựu học sinh trường THPT Chu Văn An đã xuất sắc nhận được học bổng toàn phần tại Học viện Quản lý SIM (Singapore). Suất học bổng trị giá gần 1 tỷ đồng cho chương trình 4 năm học. Chỉ khoảng 2 – 3 sinh viên quốc tế dành được học bổng toàn phần như Mỹ Vân. Bên cạnh đó, nữ sinh này còn trúng tuyển 4 trường Đại học bên Úc gồm: La Trobe, Griffith, Western Sydney, Swiburne.
GẶP SỰ CỐ KHI ĐI THI IELTS NHƯNG VẪN KHÔNG NẢN CHÍ
Trong 3 năm học THPT, Mỹ Vân là học sinh xuất sắc của lớp 12D1, trường THPT Chu Văn An. Em luôn giữ vị trí top 1, top 2 của lớp; GPA lớp 12 là 9,9. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, em đứng thứ nhất toàn lớp, thứ 2 toàn trường và lot top 500 thí sinh có điểm khối D1 cao nhất toàn quốc. Dù đã quyết định đi du học nhưng Mỹ Vân vẫn quyết tâm ôn thi để đạt kết quả cao.
Xác định đi du học ngay từ khi lớp 10, Mỹ Vân cũng như bao bạn khác gấp rút hoàn thiện hồ sơ để "apply" vào các trường Đại học. Trong đó, các bài thi chuẩn hóa như: IELTS, SAT là một phần tương đối quan trọng. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Mỹ Vân nhiều lần đành lỡ hẹn với kỳ thi SAT.
Về điểm IELTS, nữ sinh đạt 7.0 – một số điểm khá khiêm tốn. Mỹ Vân không may mắn khi đau bụng ở phần thi Đọc và Nghe. Điều này khiến điểm số của em bị kéo xuống nhiều. Lúc biết điểm số, nữ sinh hơi buồn nhưng đã nhanh chóng vực lại tinh thần, quyết tâm chinh phục học bổng ở những tiêu chí khác.
Chân dung nữ sinh Tạ Mỹ Vân.
Mỹ Vân hào hứng chia sẻ: "IELTS không cao nhưng đó không phải là điểm hạn chế bởi Singapore - đất nước em hướng đến đi du học đặt GPA, bài viết luận và vòng phỏng vấn lên hàng đầu. Em đã mất nhiều thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng điều này. Vì thế, dù điểm IELTS không cao nhưng không khiến em quá lo lắng hay muộn phiền.
Em nghĩ rằng, chú trọng vào tiêu chí còn lại sẽ giúp bản thân nổi bật hơn những ứng viên khác. Bởi ai "apply" xin học bổng du học đều cố gắng dành điểm tốt ở bài thi IELTS, SAT; em thì không như vậy. Em muốn bản thân trở nên khác biệt. Vì thế, em đã dành nhiều thời gian trải nghiệm hoạt động ngoại khóa để viết luận và chuẩn bị thật tốt cho vòng phỏng vấn".
Nếu như năm lớp 10, nữ sinh Hà Nội chăm chỉ học tập để đạt điểm GPA ổn thì sang năm lớp 11, em tích cực thể hiện thế mạnh bản thân qua những hoạt động ngoại khóa ý nghĩa. Nữ sinh cùng các bạn làm video với chủ đề "Mê lớp nghiện trường" và dành giải Nhì toàn quốc do đơn vị Studen Lifecare tổ chức. Bên cạnh đó, em còn là bí thư Chi Đoàn lớp 12D1 được thầy cô và bạn bè quý mến. Năm lớp 12, em cũng là diễn giả chương trình "Ấn tượng Chu Văn An năm 2022" với nhiệm vụ truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm giúp ích cho học sinh toàn trường.
Chia sẻ về lợi ích tham gia các hoạt động ngoại khóa, nữ sinh trường Chu Văn An bật mí: "Điều lớn nhất mà em nhận được là bản thân trở nên tự tin và đĩnh đạc hơn rất nhiều. Điều này giúp ích cho em trong vòng phỏng vấn học bổng sau này. Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động chính là cơ hội quý báu giúp em có thêm kinh nghiệm khi làm việc nhóm, phát huy khả năng lãnh đạo, giao tiếp và thuyết trình".
Không điểm IELTS cao nhưng Mỹ Vân không hề lo lắng, mất tự tin.
TỎA SÁNG NHỜ BÀI VIẾT LUẬN CÙNG KHẢ NĂNG ĐỐI ĐÁP TRÔI CHẢY Ở VÒNG PHỎNG VẤN
Vì không đạt điểm IELTS cao nên Mỹ Vân quyết tâm đầu tư nhiều cho bài luận cùng vòng phỏng vấn. Bài luận của trường yêu cầu tính sáng tạo, cá nhân hóa khiến nữ sinh sốt sắng. Em lên ý tưởng, triển khai và phải bỏ đi rất nhiều bản nháp. Mỗi khi viết xong, em đều gửi bài cho các bạn cùng anh chị khóa trước nhận xét. Nếu họ đọc mà thấy mờ nhạt, na ná như bao bài khác thì nữ sinh sẽ hủy bài.
"Sau nhiều lần, em mới có cho mình 1 bài luận mang dấu ấn cá nhân để khi đọc lên, mọi người đều nhận ra con người em. Sau đó, em tốn khá nhiều thời gian điều chỉnh văn phong cho phù hợp", Mỹ Vân cho biết.
Bài luận chinh phục hội đồng của nữ sinh Hà Nội viết về yếu tố quan trọng trong quá trình học tập đó là ý chí nghị lực kiên cường, không bỏ cuộc trước thất bại. Từ trước đến giờ, Mỹ Vân luôn tự tin vào khả năng học tập của mình. Tuy nhiên khi mới vào lớp 10, môn Toán là môn học khiến nữ sinh mất tự tin nhất. Em đã bị điểm kém ngay trong bài kiểm tra đầu tiên. Sau đó, nữ sinh đã tập trung hơn vào học tập và lấy lại được phong độ.
Nữ sinh dốc hết sức chuẩn bị bài luận và vòng phỏng vấn xin học bổng du học.
Mỹ Vân chia sẻ: "Bài kiểm tra điểm kém đã giúp em nhận ra nhiều bài học. Cuộc sống không phải màu hồng như chúng ta thường nghĩ mà luôn có những khó khăn, thách thức, thậm chí là thất bại. Người thành công và người kém cỏi hơn nhau ở khả năng nhìn nhận vấn đề, hướng giải quyết. Vì vậy, em luôn tự động viên bản thân cần kiên cường, không bao giờ được nản chí bỏ cuộc trước mọi khó khăn. Vấp ngã ở đâu, em sẽ đứng lên ở đó để bước tiếp".
Một vòng thi đánh giá năng lực ứng viên không kém là vòng phỏng vấn. Đây cũng là vòng kiểm tra cuối cùng của Học viện Quản lý SIM. Sau khi qua vòng hồ sơ, Mỹ Vân chỉ có 2 ngày ngắn ngủi chuẩn bị. Quỹ thời gian hạn hẹp nhưng không khiến nữ sinh mất bình tĩnh. Mỹ Vân đã dành ra 1 tuần để nghiên cứu những câu hỏi cơ bản như: Giới thiệu bản thân, lý do chọn du học ở Singapore, lý do chọn ngành học, dự định tương lai,…
Ngoài ra, Mỹ Vân còn tìm đọc thêm nhiều sách báo để có dẫn chứng phong phú về các doanh nhân. Em cho biết, các trường Đại học ở Singapore đặc biệt thích hỏi ứng viên về những tấm gương doanh nhân và các sự kiện nóng hổi.
Buổi phỏng vấn diễn ra khoảng 15 phút, có 3 giảng viên tại Học viện Quản lý SIM trao đổi với Mỹ Vân. Nữ sinh không gặp bất cứ khó khăn nào. Em đã trả lời trôi chảy, bày tỏ được nguyện vọng bản thân khi đến với ngôi trường danh giá này.
Về lý do cảm thấy mình xứng đáng với học bổng, nữ sinh cho biết, ngoài thành tích học tập xuất sắc, em còn có khả năng kết nối mọi người với nhau. Em tin mình sẽ đóng vai trò là đại sứ, mang sứ mệnh truyền thông thông tin hữu ích, giúp nhà trường tuyển chọn được nhiều sinh viên ưu tú trong những năm học tiếp theo.
Mỹ Vân bên nhóm bạn thân.
Phần cuối vòng phỏng vấn, ban tuyển sinh muốn kiểm tra kiến thức xã hội nên đưa ra câu hỏi về một doanh nhân nổi tiếng người Canada – tỷ phú Elon Musk. Ông chính là người sáng lập và điều hành hãng xe điện Tesla.
Tuy đã có sự chuẩn bị trước nhưng Mỹ Vân vẫn khá bất ngờ trước câu hỏi. May mắn bằng sự am hiểu hiểu kiến thức một cách sâu rộng, khả năng ứng biến nhanh nhạy đã giúp nữ sinh có màn trả lời xuất sắc, ghi ấn tượng với ban tuyển sinh.
Nữ sinh trường Chu Văn An dõng dạc trình bày: "Điều khiến em ấn tượng nhất ở tỷ phú Elon Musk vì ông có tầm nhìn chiến lược tốt về giá trị cổ phiếu và luôn tự tin vào những sản phẩm của công ty. Giá cổ phiếu hãng xe Tesla do ông tạo ra luôn trên đà tăng trưởng mạnh, thu hút nhiều người ủng hộ.
Ngoài ra, em còn biết tỷ phú Elon Musk từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Chính từ nỗi đau ấy khiến ông nung nấu khát vọng thành công để chứng minh cho những người từng bắt nạt rằng mình không thua kém. Đây chính là cách trả thù ngọt ngào, sâu cay nhất. Ông ấy đã rất nghị lực, có tinh thần bất khuất. Từ quá khứ đau khổ nhưng Elon Musk không bỏ cuộc hay mất niềm tin vào bản thân. Ngược lại, ông luôn tự tin và điều đó đã giúp ông trở thành một tỷ phú thành công".
Mỹ Vân là Bí thư chi đoàn lớp 12D1.
"MẸ LÀ THẦN TƯỢNG LỚN NHẤT TRONG CUỘC ĐỜI EM"
Người mà Mỹ Vân luôn ngưỡng mộ, kính phục đó là mẹ của em. Em khâm phục mẹ ở ý chí nghị lực bởi mẹ sinh ra và lớn lên ở vùng ngoại thành Hà Nội, đi lên bằng hai bàn tay trắng. Đến nay, mẹ em đã gặt hái được những thành công nhất định, trở thành doanh nhân tài ba, được nhiều người mến mộ.
Mẹ Mỹ Vân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nên nữ sinh sớm có cơ hội tham gia các khóa đào tạo doanh nghiệp, tiếp cận với các mô hình đổi mới. Chính mẹ đã truyền cảm hứng, giúp Mỹ Vân nhận ra ước mơ đích thực. Ngay khi lên lớp 5, Mỹ Vân bộc lộ khả năng kinh doanh được thừa hưởng từ mẹ. Em thực hiện 1 start up nhỏ là bán vòng tay cho bạn bè và người thân. Em đã tích cóp tiền ăn sáng để mua nguyên liệu rồi đan hạt vòng bán cho mọi người. Số tiền thu về khoảng 200 – 300 nghìn đồng.
"Công việc bé thôi nhưng khiến em rất vui và tự hào vì kiếm được tiền bằng chính sức lao động và khối óc của mình. Sau này, mỗi khi nghĩ về start-up, em càng có thêm động lực để theo học ngành Kinh doanh quốc tế. Giấc mơ trong em lớn dần theo mỗi ngày", Mỹ Vân hạnh phúc chia sẻ.
Mẹ là người luôn ủng hộ và truyền đạt cho nữ sinh nhiều kiến thức quý giá.
Nữ sinh cho biết, mẹ cũng là người luôn ủng hộ hết mình và theo sát lộ trình học tập của em. Mẹ tìm cho em những trung tâm học tiếng Anh uy tín, đưa ra lời khuyên hữu ích cho bài viết luận và ủng hộ việc tham gia hoạt động của trường. Đặc biệt, mẹ luôn chia sẻ nhiều thông tin thú vị về lĩnh vực kinh doanh để em có kiến thức trả lời vòng phỏng vấn.
Được sự ủng hộ, tin tưởng từ mẹ nên ngay khi học lớp 10, Mỹ Vân đã vạch ra kế hoạch chinh phục học bổng tại Singapore, văn hóa và con người nơi đây. Nữ sinh muốn tìm hiểu phương pháp người dân bảo vệ môi trường để mai sau có thể áp dụng điều hành doanh nghiệp. Singapore phát triển công nghiệp nhưng không quên gìn giữ và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Mỹ Vân chọn Singapore bởi đây là đất nước có nền giáo dục nằm trong top phát triển của châu Á.
Nữ sinh chụp cùng giáo viên chủ nhiệm.
Về lý do chọn Học viện Quản lý SIM, nữ sinh chia sẻ: "Trường là 1 trong 3 trường Đại học tư thục được đánh giá cao nhất tại Singapore, được nhiều du học sinh Việt Nam tin tưởng. Đặc biệt, nhiều vị đại sứ quán cũng chọn ngôi trường này cho con em học tập. Điều này khiến em yên tâm trước quyết định của mình.
Điều thứ hai khiến em chọn Học viện Quản lý SIM bởi trường có đến 80 Câu lạc bộ lớn nhỏ. Sau khi nhập học, em sẽ đăng ký trở thành viên của CLB Cộng đồng sinh viên Việt Nam. CLB đem lại nhiều hoạt động thú vị và giàu ý nghĩa. Điều thiết thức nhất là để khi xa quê hương, xa nhà, em vẫn được sống trong bầu không khí đầm ấm, được đón những ngày lễ cổ truyền của dân tộc cùng các bạn".
Mỹ Vân cũng chia sẻ thêm, sau khi tốt nghiệp Đại học, em muốn sang nước Anh học chương trình Thạc sĩ. Mỹ Vân cũng muốn làm việc vài năm ở nước ngoài trước khi trở về Việt Nam lập nghiệp.
Ảnh: NVCC