Theo các doanh nghiệp đầu mối, do giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, hàng vừa nhập về đã bị lỗ nên phải giảm chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng cần rạch ròi chi phí kinh doanh định mức để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
Chạy khắp nơi để được đổ xăng
Những ngày cuối tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Văn Lê (huyện Châu Thành, Bến Tre) phải xách can chạy gần 10km để mua dầu về bơm nước ra khỏi vườn sầu riêng. Bình thường ông chỉ chạy xe khoảng 1km là có cây xăng để mua, nhưng khoảng một tháng nay, những cây xăng gần nhà ông Lê đã đóng cửa nên ông phải tốn công đi xa hơn.
Nhiều người dân miền Tây cho biết việc phải chạy xa hơn từ vài km đến hàng chục km để tìm được chỗ đổ xăng, đổ dầu như trường hợp ông Lê nói trên là không hiếm vào thời điểm này. Vì rất nhiều cửa hàng xăng dầu hiện nay bán cầm chừng hoặc đóng cửa vì lý do... hết hàng.
Trường hợp cần mua lượng dầu lớn để sản xuất nông nghiệp như ông Nguyễn Văn Dũng (huyện Phú Tân, An Giang) lại càng khốn khổ hơn. Theo ông Dũng, nhiều cây xăng ở khu vực xã Phú An (huyện Phú Tân) đã nghỉ bán trong nhiều ngày qua nên bà con gặp khó khăn khi mua xăng dầu phục vụ nông nghiệp.
"Tuy xăng dầu không thiếu nhưng việc mua xăng dầu gặp nhiều khó khăn hơn. Nếu như lúc trước tôi đi đổ xăng chỉ cách nhà vài trăm mét thì nay muốn mua xăng phải chạy thêm 5-7km mới có bởi một số cây xăng tại địa phương đã nghỉ rồi. Nhiều người mua số lượng lớn phải chạy khắp nơi nên rất cực, chưa kể phải thuê xe chở", ông Dũng nói.
Trong giới kinh doanh xăng dầu tại hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre thời gian qua rỉ tai nhau bí quyết làm sao để đóng cửa cây xăng một cách hợp lý nhất. Vì càng bán càng lỗ, nhưng để tạm đóng cửa thì cần phải có một lý do thuyết phục. Một lý do phổ biến được đưa ra trong giai đoạn này nhằm tạm ngưng bán của các cửa hàng xăng dầu đó là đóng cửa để nâng cấp, sửa chữa.
"Cạy một viên gạch lên để lát lại hoặc xây thêm vài mét hàng rào cũng có thể gọi là sửa chữa. Chỉ có vậy mới xin nghỉ bán dễ dàng, chứ bán mà lỗ thì ai còn mặn mà nữa" - ông Th., chủ một cửa hàng xăng dầu tại Tiền Giang, nói.
Đóng cửa vì hết... vốn kinh doanh?
Một lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu An Giang (Petrolimex) cho hay do hoa hồng rất thấp, thậm chí còn 0 đồng, các doanh nghiệp xăng dầu gặp nhiều khó khăn. Muốn giải bài toán này phải điều chỉnh từ cơ chế điều hành của Nhà nước, tạo nguồn và tính toán lại các chi phí và thuế để cân đối lại được hiệu quả cho doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, có nguồn chia xuống cho các cửa hàng xăng dầu.
"Vì chúng tôi thua lỗ, làm gì có đủ nguồn lực giúp các doanh nghiệp xăng dầu. Phải cân đối được nguồn hàng trong nước hay nhập khẩu, đồng thời tính toán lại thuế, phí... cho phù hợp. Khi đó, các doanh nghiệp đầu mối sẽ kinh doanh có hiệu quả và có nguồn lực đưa xuống cho các kênh phân phối trung gian, hệ thống bán lẻ và phân phối xăng dầu" - vị này nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Hùng - giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang - cho biết đã tiếp nhận 24 thông báo tạm dừng kinh doanh xăng dầu. Riêng trong tháng 9-2022, cơ quan này tiếp nhận 10 thông báo tạm dừng kinh doanh với lý do như kinh doanh thua lỗ, hoa hồng thấp, đi ăn đám giỗ, hết vốn kinh doanh, không người quản lý cửa hàng...
"Qua xem xét, Sở Công Thương chỉ chấp thuận cho chín doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh xăng dầu đảm bảo theo đúng quy định. Ngoài ra, cơ quan này đã thu hồi 10 giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu", ông Hùng nói và cho biết đã ký văn bản gửi Bộ Công Thương về việc "khó khăn trong công tác quản lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh An Giang".
Theo đó, Bộ Công Thương cần xem xét, điều chỉnh giá xăng dầu linh hoạt theo đúng chu kỳ, kể cả ngày nghỉ, lễ, Tết. "Xem xét, đánh giá cách tính giá cơ sở đảm bảo các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ đều được hưởng chiết khấu/hoa hồng để doanh nghiệp duy trì kinh doanh và phát triển mở rộng..." - văn bản nêu.
Nhiều cửa hàng xăng dầu tại Bến Tre cũng đã làm đơn kiến nghị cơ quan chức năng và xin được tạm đóng cửa. Một trong những doanh nghiệp có nhiều cây xăng trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Công ty TNHH một thành viên thương mại xăng dầu Minh Thư, đã có văn bản gửi đến Sở Công Thương Bến Tre xin được tạm nghỉ trong 29 ngày với lý do "kinh doanh thua lỗ".
Các ngành chức năng tỉnh An Giang kiểm tra tại một cây xăng trên địa bàn - Ảnh: BỬU ĐẤU
Càng kinh doanh, càng thua lỗ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Lèo - giám đốc Hợp tác xã Xe du lịch và vận tải số 4 (TP.HCM) - cho biết từ đầu năm đến nay nhiều thời điểm doanh nghiệp cung ứng xăng dầu đưa ra mức chiết khấu 0 đồng, dẫn đến hai cây xăng của HTX này lỗ triền miên.
Theo ông Lèo, HTX này lỗ từ 100 - 200 triệu đồng/cây xăng mỗi tháng. Riêng trong tháng 8, hai cây xăng này lỗ khoảng 300 triệu đồng, buộc lòng HTX này phải tính đến phương án tạm đóng cửa và cho nhân viên tạm nghỉ.
Ông Giang Chấn Tây - giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) - cho biết khi thị trường bất ổn, các doanh nghiệp cung ứng xăng dầu không những "bóp" lại mức chiết khấu, kéo về mức 0 đồng, tức giá bán buôn bằng với giá bán lẻ, mà còn cộng thêm cước vận chuyển. Như vậy, khi đại lý bán lẻ mua xăng về đã lỗ, cộng thêm các chi phí mặt bằng, hao tổn, điện nước, lương nhân viên... khiến cây xăng bị lỗ chồng thêm lỗ.
Theo ông Tây, dù đã chuẩn bị nguồn lực để mở mới năm cây xăng bên cạnh sáu cây xăng hiện tại nhưng do kinh doanh xăng dầu khó khăn nên doanh nghiệp đã phải tạm ngưng kế hoạch này. Trong các phương án "cắt lỗ", doanh nghiệp này hoàn toàn có thể làm đơn xin nghỉ dài hạn ở ba cây xăng trên cùng một trục đường.
Ông Dương Minh Tuấn, giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại xăng dầu Minh Thư, cho biết từ đầu năm đến nay hoạt động của doanh nghiệp bị thua lỗ, mất khả năng thanh toán tiền mua hàng. Theo ông Tuấn, với mức chiết khấu xăng dầu chỉ vài trăm đồng/lít như hiện nay thậm chí không đủ chi phí vận chuyển.
"Khi bán ra một lít xăng dầu, doanh nghiệp, cửa hàng phải lỗ 400 đồng tiền trả công cho nhân viên bán hàng, chưa kể tiền lãi suất vay ngân hàng và các chi phí khác. Với mức hoa hồng như hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp Minh Thư bị lỗ trên dưới 700 triệu đồng, nên không còn cầm cự được nữa" - ông Tuấn nói và đề xuất các ngành chức năng cần tính chi phí như vận chuyển, nhân công, khấu hao cơ sở hạ tầng... vào giá xăng dầu để doanh nghiệp có thể tồn tại được.
Phải rạch ròi chi phí kinh doanh định mức
Trả lời Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Bích Hường - chủ tịch Chi hội Xăng dầu (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN) - cho biết dù Nhà nước có quy định chi phí định mức kinh doanh xăng dầu (1.050 - 1.250 đồng/lít xăng - PV) nhưng chưa tách bạch phần nào của doanh nghiệp đầu mối, phần nào của thương nhân phân phối và của doanh nghiệp bán lẻ.
Về cơ bản, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối phải chia sẻ chi phí này với doanh nghiệp bán lẻ. Tuy nhiên, tại nhiều thời điểm, các doanh nghiệp đầu mối không chia sẻ cho chuỗi bán lẻ khi duy trì mức chiết khấu thấp, thậm chí 0 đồng.
Không những không có lãi, doanh nghiệp bán lẻ còn bị thua lỗ bởi chi phí vận hành hệ thống của doanh nghiệp bán lẻ rất lớn. Nhiều doanh nghiệp nhỏ đã thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, thậm chí không có tiền để mua hàng.
"Do đó, theo tôi, cần rạch ròi khâu bán lẻ được hưởng bao nhiêu phần trăm trong chi phí định mức", bà Hường nói.
N.HIỂN
Giá thế giới giảm mạnh, nhập hàng về đã lỗ
Lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam cho biết do dự báo giá xăng dầu trong kỳ điều hành mới sẽ giảm, trong đó dự kiến xăng sẽ giảm khá mạnh, nên phần lớn các doanh nghiệp đầu mối tăng chiết khấu, từ 300 - 1.000 đồng/lít xăng dầu trở lên.
Tuy vậy, nếu tồn kho nhiều sẽ tăng chiết khấu lên đến cả ngàn đồng/lít. Những doanh nghiệp còn tồn kho thấp sẽ đưa ra mức chiết khấu thấp, chỉ khoảng 300 - 400 đồng/lít.
"Giá xăng thế giới giảm liên tiếp, nhập hàng về đã lỗ nên các doanh nghiệp cũng đưa ra mức chiết khấu thấp. Doanh nghiệp đầu mối, phân phối gặp khó nên mức chiết khấu đưa ra thấp", vị này nói.