Theo đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố Đỗ Thị Huyền Trang, phó trưởng phòng kế toán Công ty CP Tập đoàn FLC, và Nguyễn Thị Nga, nhân viên ban kế toán.
5 người bị khởi tố thuộc Công ty CP chứng khoán BOS, gồm: Nguyễn Thị Thanh Phương, trưởng phòng dịch vụ chứng khoán; Nguyễn Thị Thu Thơm, nguyên phó trưởng phòng dịch vụ chứng khoán; Bùi Ngọc Tú, phó trưởng phòng dịch vụ chứng khoán; Trần Thị Lan, kế toán trưởng; Quách Thị Xuân Thu, kế toán trưởng.
Cơ quan điều tra khám trụ sở FLC hồi cuối tháng 3-2022. Ảnh: Báo CAND
Một số bị can làm việc tại các công ty con thuộc FLC bị khởi tố gồm: Trịnh Văn Đại, phó tổng giám đốc Công ty CP xây dựng FLC Faros; Trịnh Thị Thanh Huyền, nhân viên Công ty CP đầu tư và phát triển FLC Homes; Trịnh Tuân, trưởng phòng vật tư Công ty TNHH MTV FLC Land; Hoàng Thị Huệ, cựu nhân viên Công ty CP thương mại và dịch vụ số FLC; Trịnh Văn Nam, cựu nhân viên Công ty CP hàng không Tre Việt; Nguyễn Văn Mạnh, nhân viên phòng vật tư Công ty TNHH MTV FLC Land, cùng 2 người khác.
Các bị can nêu trên bị khởi tố về tội thao túng thị trường chứng khoán. Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú với cả 15 người.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 29-3, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Sau đó, cùng hành vi này, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt giam 2 em gái của bị can Trịnh Văn Quyết là Trịnh Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS, và Trịnh Thị Minh Huế, thành viên Ban kế toán Tập đoàn FLC.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định bị can Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thông đồng mua, bán chứng khoán với tần suất lớn, nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1-12-2021 lên giá 24.050 đồng/cổ phiếu (tăng 64%).
Sau đó, Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10-1-2022 với giá 22.586 đồng/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỉ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỉ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, khi chưa bị bắt. Ảnh: NLĐO
Cơ quan chức năng xác định các bị can liên tục mua bán cùng loại chứng khoán, mua bán khớp chéo (không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu, mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa, đóng cửa và đặt lệnh mua/bán sau đó hủy lệnh… nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán đối với 6 mã chứng khoán, gồm: FLC, ROS, ART, HAI, AMD, GAB.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cáo buộc từ năm 2014 đến năm 2016, ông Quyết đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư khi làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros (mã cổ phiếu là ROS) và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán.
Tính đến ngày 24-2-2021, ông Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do ông Quyết nhờ đứng tên), thu được hơn 6.412 tỉ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.