Trong năm 2024, VN-Index khởi đầu năm với mức điểm khoảng 1.130. Trong những tháng đầu năm, chỉ số này dao động trong biên độ hẹp, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước các biến động kinh tế toàn cầu và chính sách tiền tệ trong nước.
Đến giữa năm, thị trường bắt đầu có những tín hiệu tích cực hơn, với sự tăng trưởng của các nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản và công nghệ. Dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài cũng gia tăng, góp phần đẩy VN-Index lên mức cao hơn.
VN-Index đạt đỉnh cao nhất trong năm ở mức 1.300 điểm vào đầu tháng 12. Tuy nhiên, trong những tuần cuối năm, thị trường chịu áp lực chốt lời, dẫn đến việc chỉ số giảm nhẹ. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm vào ngày 31/12, VN-Index đóng cửa ở mức 1.266,78 điểm, tăng 12,1% so với cuối năm 2023.
Trong năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến hoạt động bán ròng kỷ lục từ khối ngoại, với tổng giá trị bán ròng trên toàn thị trường đạt khoảng 92.375 tỷ đồng, mức cao nhất trong 24 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trên HOSE, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 90.228 tỷ đồng. Thống kê cho thấy khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VHM với quy mô gần 19.351 tỷ đồng. Theo dõi giao dịch cổ phiếu của Vinhomes có thể thấy trong giai đoạn Vinhomes thực hiện mua lại cổ phiếu quỹ, khối ngoại đã bán ra một lượng lớn mã này. Cụ thể, Vinhomes mua lại 247 triệu cổ phiếu quỹ, trong khi khối ngoại bán gần 91 triệu cổ phiếu, tương đương 35% số lượng cổ phiếu quỹ được mua lại, với giá trị gần 4.000 tỷ đồng.
Cùng chiều, khối ngoại cũng bán ròng hai cổ phiếu khác trong “họ Vin” là VRE (6.038 tỷ đồng) và VIC (3.749 tỷ đồng). Danh mục rút ròng hàng nghìn tỷ đồng của NĐT nước ngoài còn có VIB (8.290 tỷ đồng), FUEVFVND (7.269 tỷ đồng), FPT (6.096 tỷ đồng), MSN (6.043 tỷ đồng), HPG (4.899 tỷ đồng), VPB (4.265 tỷ đồng), VNM (3.229 tỷ đồng).
Ngược lại, cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động dẫn đầu danh mục top 10 mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 937 tỷ đồng trong năm 2024.
Đứng thứ hai trong Top mua ròng là SBT với quy mô 875 tỷ đồng. Một số mã cũng nằm trong danh mục rót ròng của khối ngoại là HVN, STB, SIP, MBB, HAH, PNJ, PC1, CTD với quy mô 350 – 820 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp đà bán ròng hơn 1.078 tỷ đồng. Cụ thể, họ tập trung bán ròng 1.336,2 tỷ đồng ở cổ phiếu SHS của CTCP Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội, theo sau là 253,5 tỷ đồng mã PVS. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu như PVI (221,9 tỷ đồng), BVS (175,2 tỷ đồng), LHC (141,3 tỷ đồng), …
Trái lại, NĐT ngoại rót ròng hơn 1.025,6 tỷ đồng gom cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO – CTCP. Cùng chiều, mã MBS và DHT cũng được mua ròng với quy mô lần lượt là 355,8 tỷ và 311 tỷ đồng. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của TVC, DL1, VTZ, VFS, IDV, … với giá trị dưới 20 tỷ đồng.
Tại thị trường UPCoM, khối ngoại xả ròng 1.069 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu MSR của Masan High-Tech Materials dẫn đầu chiều bán ròng với quy mô hơn 1.624,1 tỷ đồng. Tổ chức thực hiện giao dịch này là Công ty Mitsubishi Materials Corporation với lý do tái cơ cấu danh mục đầu tư, giao dịch được thực hiện vào phiên 30/5. Cùng chiều, nhà đầu tư nước ngoài cũng rút ròng 882,5 tỷ đồng mã ABB và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như VEA (840,4 tỷ đồng), QNS (306,2 tỷ đồng) và ACV (283,6 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài gom ròng mạnh nhất 1.628,3 tỷ đồng ở cổ phiếu BHI của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội, giá trị này bỏ xa các mã còn lại trong Top mua ròng. Theo sau là các giao dịch giải ngân vào các cổ phiếu AIC (1.263 tỷ đồng), MCH (738,8 tỷ đồng), OIL (148,1 tỷ đồng) và DDV (122,2 tỷ đồng).