VN-Index giảm 148 điểm tương đương 11,59% trong tháng 9, kết thúc tháng ở mức 1.132,11 điểm. Với diễn biến tiêu cực của thị trường chung, chỉ số chính sàn HOSE đã giảm về vùng đáy 20 tháng và xóa sạch thành quả đạt được trong đợt hồi phục trước đó.
Đà lao dốc manhh mẽ đã đưa chứng khoán Việt Nam lọt top những thị trường giảm mạnh nhất trên thế giới trong tháng 9. Vốn hóa sàn HOSE bị thổi bay hơn 588.000 tỷ đồng (khoảng 25 tỷ USD) chỉ trong một tháng, về khoảng 4,5 triệu tỷ đồng.
Không chỉ giảm về mặt điểm số, thanh khoản thị trường trong tháng 9 cũng suy yếu đáng kể so với tháng trước, một số phiên còn rơi xuống mức đáy chỉ khoảng 7.500 tỷ đồng, thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Dưới sức nóng của các nhịp điều chỉnh, không một nhóm ngành nào duy trì được sắc xanh tính đến cuối tháng 9. Nhóm dầu khí thậm chí giảm mạnh nhất thị trường với tỷ lệ mất giá lên đến 21,45%. Tính từ đầu năm nhóm này giảm 27,15%.
Trong tháng 9, khối ngoại đã tham gia vào đợt xả ròng mạnh mẽ trên thị trường khi chuyển hướng bán ròng 2.333 tỷ đồng trên HOSE, tính riêng kênh khớp lệnh thì họ rút ròng 2.581 tỷ đồng.
Giao dịch rút vốn tập trung ở các nhóm bất động sản (1.393 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (1.119 tỷ đồng), ngân hàng (694 tỷ đồng) đối ứng với các nhà đầu tư cá nhân. Chiều ngược lại, một số nhóm ngành như thép, dầu khí, hóa chất, hàng cá nhân & gia dụng,... cũng thu hút được dòng tiền ngoại.
Trong danh mục top10 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng, dẫn đầu là cổ phiếu KDH của Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền với giá trị 574,1 tỷ đồng. Lực xả của nước ngoài khiến mã này có nhịp giảm 24% chỉ sau 1 tháng, đóng cửa phiên 30/9 tại 28.050 đồng/cp.
Dòng tiền ngoại theo sau rút ròng khỏi các cổ phiếu tài chính ngân hàng như STB (528,6 tỷ đồng), VND (392,2 tỷ đồng), SSI (316,2 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, giao dịch tương tự trong phiên cũng được ghi nhận ở một số cái tên thuộc nhóm địa ốc như NVL (344,9 tỷ đồng), NLG (300,9 tỷ đồng), DXG (216,6 tỷ đồng), KBC (211,5 tỷ đồng), CII (130 tỷ đồng).
Trở lại chiều mua, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát lại hút vốn ngoại nhiều nhất lên tới gần 765,8 tỷ đồng trong tháng 9. Khối ngoại nối tiếp đổ 406,5 tỷ đồng mua gom cổ phiếu PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling).
Mặc dù bán ròng nhiều mã vốn hóa lớn nhưng NĐT nước ngoài cũng mua ròng PNJ và DGC với giá trị lần lượt là 285,5 tỷ đồng và 233,6 tỷ đồng. Cùng chiều, khối này cũng gom ròng VNM (159,9 tỷ đồng), FPT (111,7 tỷ đồng) và VRE (100,5 tỷ đồng).
Kế tiếp, danh mục cổ phiếu ghi nhận dòng tiền tích cực với giá trị dưới 100 tỷ đồng như POW (86,2 tỷ đồng), GMD (80,3 tỷ đồng) và HDB (72,9 tỷ đồng).
Tại HNX, hoạt động bán ròng thu hẹp quy mô chỉ còn hơn 7 tỷ đồng.
Về giá trị cụ thể, cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại với quy mô mua ròng lên tới 181 tỷ đồng, bỏ xa các mã còn lại trong Top mua ròng. Ngoài ra, hoạt động giải ngân tìm đến một số mã như PLC (4,5 tỷ đồng), VCS (4,3 tỷ đồng), PVI (4,1 tỷ đồng), MBS (2,8 tỷ đồng),....
Tại chiều bán ròng, cổ phiếu SHS tiếp tục dẫn đầu với giá trị bán ròng 107,7 tỷ đồng. Ngoài ra, các nhà đầu tư bán ròng nhẹ hơn các mã CEO (40,6 tỷ đồng), HUT (22,8 tỷ đồng), IDC (21,1 tỷ đồng), BCC (11,8 tỷ đồng),...
Trong khi đó, trên thị trường UPCoM, khối ngoại chưa ngừng rút ròng với giá trị 578,9 tỷ đồng.
Trong đó, khối ngoại chủ yếu bán ròng hơn gần 177,2 tỷ đồng cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn. Kế đó PHS và GEE bị bán ròng với cùng giá trị 120 tỷ đồng. Ngoài ra, danh mục rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài còn có sự góp mặt của VEA (118,7 tỷ đồng), ACV (33,8 tỷ đồng),...
Ở phía ngược lại, duy nhất QNS của Đường Quảng Ngãi được mua ròng trên 35,4 tỷ đồng. Danh mục giải ngân còn có các đại diện như VTP (7,1 tỷ đồng), OIL (3,8 tỷ đồng), MCH (2,2 tỷ đồng), HPP (1,3 tỷ đồng),...