Ngày 5/9, 500 Startups Việt Nam – thành viên của Hệ sinh thái khởi nghiệp nổi tiếng nhất nhì thế giới 500 Startups, đã tổ chức buổi giới thiệu những thành viên nổi bật ở cả khu vực Việt Nam lẫn Đông Nam Á với thị trường Việt - 500 Startups Demo Day.
Trong buổi ra mắt, đã có 9 startup chuyên về công nghệ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau lên giới thiệu nhiều dự án vô cùng độc đáo; đặc biệt là các startup trong chương trình hỗ trợ tăng tốc Saola Accelerator của 500 Startups Việt Nam.
Ở các nước Đông Nam Á, chương trình hỗ trợ tăng tốc cho các startup của mỗi thành viên 500 Startups đều có tên gọi khác nhau, đặc trưng cho mỗi nước, ví dụ ở Thái sẽ là 500 Tuktuks…
Các founder của 11 startup ra mắt trong 500 Startups Demo Day.
NextSmarty – startup chuyên ứng dụng trí tuệ nhân tạo – AI nhằm cải thiện tính năng đề xuất sản phẩm tương thích cho người dùng thương mại điện tử (TMĐT). Sự ra đời của NextSmarty, theo chia sẻ của Co-Founder Jeremy Showalter là để giải quyết vấn đề: khi đến với các nền tảng TMĐT, khách hàng thường được đề nghị mua sắm những sản phẩm trên các gian hàng dựa vào lịch sử và hành vi mà khách hàng để lại trên trang web và doanh nghiệp thu thập được; nhưng nếu là khách hàng đến lần đầu tiên, tức họ không có bất cứ thông tin gì thì phải làm như thế nào?
Với công nghệ AI được điều chỉnh cho khách hàng của doanh nghiệp và một nhóm các nhà khoa học dữ liệu năng động, NextSmarty đã tăng doanh thu thương mại điện tử lên tới 50% cho các chủ cửa hàng hoặc SMEs trong ngành TMĐT. NextSmarty hiện đang làm đối tác của các doanh nghiệp hàng đầu như Alibaba – Trung Quốc và GS Shop đến từ Hàn Quốc.
Nếu NextSmarty ra đời là để giải bài toán khó trong ngành TMĐT, thì Dibee xuất hiện là để giải bài toán khó trong ngành vận tải: quản lý hiệu quả đội xe để tối ưu hóa chi phí hoạt động của các công ty logistic. Theo Co-founder Thomas Beurthey, sứ mệnh của Dibee là muốn cung cấp giải pháp thanh toán chi phí nhiên liệu và vận hành đội xe an toàn nhất Việt Nam. Dibee có tích hợp ví điện tử nên các doanh nghiệp logistic có thể kiểm soát – theo dõi theo thời gian thực chi phí nhiên liệu.
Axie Infinity – hệ sinh thái thú cưng ảo trên nền tảng blockchain cũng là một trong những startup gây ấn tượng mạnh với các khán giả trong Demo Day.
Với những game của Axie Infinity, các gamer không những được chơi game mà còn được sở hữu vĩnh viễn những nhân vật – vật phẩm đáng yêu trong game thông qua hệ thống blockchain. Nhờ ý tưởng đổi mới – sáng tạo này, Axie Infinity đã thu được khoảng 17 USD/gamer, tăng trưởng 3.000%/năm so với các doanh nghiệp khác trong ngành game. Trong năm vừa qua, họ là một trong những startup về game blockchain có doanh thu cao nhất thế giới…
Founder Như Trần của Schola.
Hai trong những dự án khởi nghiệp độc đáo còn lại của các startup Việt là Papaya – nền tảng quản lý phúc lợi nhân viên dành cho các tập đoàn lớn và Schola – nền tảng học tiếng Anh trực tuyến 1 kèm 1 cho trẻ em.
Mặt khác, cũng có không ít dự án startup thú vị của những bạn trẻ trong khu vực được ra mắt, ví dụ: Jala – giải pháp tăng sản lượng tôm dựa trên IoT và bigdata, Finaxar – app cung cấp vốn lưu động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong vòng 24h, Beam – giải pháp di chuyển thế hệ mới dành cho khu vực châu Á – Thái Bình Duong (ứng dụng gọi xe dành cho những phương tiện giao thông nhỏ và tự động), Potier – trợ lý du lịch điện tử và Quod AI – nền tảng AI nhằm chuyển đổi mã nguồn sang ngôn ngữ tự nhiên.
Nhìn danh sách các founder cũng như mô hình kinh doanh của họ, chúng ta có thể rút ra một vài điều sau.
Đầu tiên, ngày nay, khi khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, các bạn trẻ Việt Nam và Đông Nam Á không còn làm chung chung, mà họ đã xác định ngay từ đầu là phải dùng công nghệ chuyên sâu gì để giải quyết vấn đề đó. Tất nhiên, công nghệ đó phải hiện đại và thời thượng nhất, ít nhất cũng phải là bigdata hay IoT và ‘xịn’ hơn là blockchain hoặc AI.
Trước đây, các startup thường chọn vấn đề muốn giải quyết sau đó mới đi chọn công nghệ phù hợp; nhưng ngày nay có không ít bạn chọn ngược lại: chọn công nghệ chuyên sâu trước sau đó chọn ngành nghề muốn tham gia.
Axie Infinity
Thứ hai, hiện tại, để xác định một startup thuộc nước nào rất khó. Hầu hết startup tham dự Saola Accelerator đều có nhiều đồng sáng lập, thường là 1 nửa Việt Nam và 1 nửa nước ngoài, ví dụ: Axie Infinity có 2 founder Việt Nam và 2 nước ngoài, Schola – Dibee – NextSmarty…đều có 1 bạn người Việt và 1 bạn nước ngoài. Chỉ duy nhất Papaya là thuần Việt. Thậm chí, có không ít startup mang quốc tịch Đông Nam Á mà founder đến từ châu Âu hoặc châu Mỹ. Chúng ta đã có khái nhiệm công dân toàn cầu, thì cũng nên có khái niệm về startup toàn cầu.
Thứ ba, không như nhiều anh chị đi trước, các startup thế hệ này thường triển khai công việc kinh doanh của mình trên nhiều nước ngay từ khi mới khởi sự hoặc có không ít startup khởi sự thành công ở nước ngoài rồi mới quay lại quê hương để phát triển. Dibee và NextSmarty đã triển khai dịch vụ của mình trong nhiều nước Đông Nam Á, trong khi Axie Infinity bán hàng ra khắp toàn cầu. Với những startup nước ngoài có mặt trong Demo Day, một số ít họ đã hoạt động tại Việt Nam, một số khác đang lên kế hoạch xâm nhập thị trường Việt Nam.
Thứ tư, giỏi tiếng Anh là kỹ năng bắt buộc nếu muốn khởi nghiệp và thành công. Bởi, nếu không giỏi tiếng Anh, bạn không thể giao tiếp thành thạo và thu hút nhân tài trên khắp thế giới cũng như không tiếp cận được với những tài nguyên dồi dào mà các quỹ hoặc hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế mang lại – như 500 Startups.