Chiều 19/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công gói thầu số 12 thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị công trình mở rộng nhà ga hành khách quốc tế T2 của sân bay Nội Bài Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - chủ đầu tư).
Dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 Nội Bài được xây dựng trên diện tích khoảng hơn 412.000 m2 (bao gồm phần diện tích hiện hữu và phần mở rộng), với mục tiêu nâng tổng diện tích sàn nhà ga hành khách lên 200.100 m2; nâng công suất khai thác từ 10 triệu hành khách/năm lên 15 triệu hành khách/năm.
Sau khi hoàn thành, nhà ga T2 sẽ tăng từ hai đảo check-in lên 6 đảo check-in; hai băng tải trả hành lý lên 8 băng tải; 24 quầy checkin truyền thống lên tổng số 120 quầy; 24 quầy check-in tự động và từ 24 kiosk check-in lên 34 kiosk check-in; 15 cầu ống lồng lên 29 cầu ống lồng cùng công trình phụ trợ…
Tổng mức đầu tư dự án là 4.996 tỷ đồng; gói thầu chính thi công xây lắp có giá trị 4.600 tỷ đồng thực hiện hoàn toàn bằng nguồn vốn của ACV.
Theo hợp đồng, gói thầu hoàn thành toàn bộ công việc là 660 ngày (đến 2/2026), tuy nhiên, ACV cam kết tập trung mọi nguồn lực để triển khai gói thầu bảo đảm an toàn, chất lượng và đặc biệt là vượt tiến độ để đủ điều kiện đăng ký công trình khánh thành đưa vào khai thác chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Hiện sân bay Nội Bài hiện là một trong ba cửa Cảng hàng không quốc tế lớn nhất cả nước, trong đó nhà ga hành khách quốc tế T2 (diện tích mặt bằng khoảng 139.000 m², với tổng mức đầu tư gần 18.000 tỷ đồng) đã bắt đầu quá tải khi sản lượng hành khách thông qua năm 2019 đã đạt 11,4 triệu, vượt công suất thiết kế ban đầu (10 triệu hành khách vào năm 2020).
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn đến năm 2030, cảng hàng không quốc tế Nội Bài có công suất 60 triệu hành khách/năm; đến năm 2050 là 100 triệu hành khách/năm và nghiên cứu đầu tư cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô.
Tránh để sân bay quá tải cả bầu trời và mặt đất
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong những năm qua, chúng ta đã tập trung nhiều nguồn lực của Nhà nước và nhà đầu tư, nhất là vốn xã hội hóa cho phát triển hạ tầng giao thông; đã triển khai được nhiều dự án giao thông quan trọng, trong đó nhiều dự án về cảng hàng không, sân bay đã được khởi công xây dựng như sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất…, khánh thành (sân bay Điện Biên, sân bay Phú Bài…).
Đồng thời, Chính Phủ cũng đang nghiên cứu, mở rộng, khai thác nhiều sân bay khác, nhất là sân bay Cà Mau, sân bay Chu Lai (Quảng Nam), sân bay Phan Thiết (Bình Thuận), sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận)….
"Việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó có các sân bay góp phần quan trọng giảm chi phí logistics, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Thủ tướng nói và cho biết thực trạng là nhiều sân bay ở nước ta đã trở nên quá tải cả trên bầu trời và dưới mặt đất.
Vì vậy, các sân bay trọng điểm như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, cần có giải pháp, kế hoạch đầu tư bảo đảm không ảnh hưởng đến chất lượng khai thác, an toàn bay cho hiện tại và cả tương lai. Hiện nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đã được khởi công đồng thời với nhà ga hành khách cảng hàng không Long Thành vào ngày 31/8/2023.
Thủ tướng nêu rõ, việc mở rộng nhà ga T2 trong giai đoạn hiện nay để bảo đảm đáp ứng kịp thời tình trạng quá tải cảng hàng không quốc tế Nội Bài là rất cần thiết, không thể chậm trễ.
Trong thời điểm hiện nay, ACV đồng thời đang triển khai xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành và xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, nhưng ACV đã tập trung huy động nguồn vốn hợp pháp của Tổng công ty (với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng) để triển khai dự án mở rộng nhà ga T2 Nội Bài, đã có nhiều nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ trong công tác thiết kế kỹ thuật, đấu thầu thi công và đủ điều kiện khởi công theo quy định của pháp luật.