Dù là thất nghiệp chủ động hay bị sa thải, tài chính cá nhân cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Thu nhập giảm hoặc có thể sẽ trở về số 0. Trong trường hợp này việc chi tiêu ra sao để không gây áp lực lên ngân sách cá nhân là một bài toán nan giải.
Hạn chế đi chơi, cắt giảm mua sắm
Hoàng Nhi (sinh năm 1998, Hà Nội) vừa quyết định nghỉ việc ngay tại thời điểm nhiều công ty cắt giảm nhân sự như hiện tại. “Mình biết nhiều công ty thậm chí còn giảm lương của nhân viên do doanh thu không tốt. Thời điểm này trên thị trường lao động công việc thì ít, người tìm việc lại nhiều, do vậy rất khó để cạnh tranh. Tuy nhiên, vì quá mệt mỏi với công việc cũ, mình vẫn quyết định nghỉ việc”.
Hiện tại cô bạn có khoản tiết kiệm khoảng 100 triệu. Tính mức sống hàng tháng ở Hà Nội rơi vào khoảng 8 triệu, Hoàng Nhi tin rằng bản thân có thể vượt qua 1 năm thất nghiệp, trong trường hợp không thể tìm được việc. Do vậy, dù vẫn có những nỗi lo về tương lai phía trước, Hoàng Nhi chia sẻ rằng ít nhất vẫn có thể sống thoải mái trong 1 năm tiếp theo.
“Thật ra, trước đây mình thường chi khoảng 12 triệu/tháng. Nhưng sau khi tính toán cắt đi những khoản chi phí theo mong muốn như mua quần áo, uống trà sữa, mình dự tính 1 tháng sẽ tiêu khoảng 8 triệu. Nó bao gồm tiền thuê nhà 3 triệu/tháng đã tính điện nước, ăn uống khoảng 3 triệu và 2 triệu cho những vấn đề phát sinh. Thời điểm này mình cũng không muốn về quê vì vẫn muốn đi tìm việc mới”.
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Cũng giống như Hoàng Nhi, Mai Anh (24 tuổi, nhân viên văn phòng) vào khoảng thời gian nghỉ việc vào năm 2022, cô bạn cũng đã có những điều chỉnh trong chi tiêu để phù hợp hơn với cuộc sống mới. Theo Mai Anh, dù tạm cắt bỏ nhiều yêu cầu như mua sắm, ăn chơi, việc phải sử dụng đến khoản tiết kiệm là không thể tránh khỏi, điều này cũng khiến cô bạn có đôi chút lo lắng.
Mai Anh chỉ dùng tiền cho những nhu cầu thiết yếu. “Nếu khi có công việc với thu nhập ổn định, mình thường tiêu 10-15% lương cho khoản mua sắm, khi nghỉ việc mình đã quyết định chỉ mua nếu thực sự cần hoặc có dịp đặc biệt. Mình cũng không tham gia quá nhiều buổi tụ tập như trước nữa để có thời gian đầu tư phát triển bản thân cũng như lên kế hoạch tìm kiếm công việc tiếp theo”.
Bên cạnh đó, Phương Vy (26 tuổi, copywriter) trong gần 5 tháng nghỉ việc đã hạn chế đi chơi với bạn bè và không mua sắm đồ mới. Trước đó, cô bạn vừa đi làm vừa đi học thêm 1 môn ngoại khó hay tập thể dục ở trung tâm và cũng cắt giảm luôn khoản này khi nghỉ việc. “Ngoài ra, mình cũng không góp mặt trong các cuộc vui bạn bè nhiều nữa. Nhưng đương nhiên với số tiền tiết kiệm 12 triệu, mình chỉ cầm chừng được trong khoảng 3 tháng. song song với đó vẫn tìm kiếm công việc mỗi ngày, kể cả làm ngắn hạn để xoay vòng thu nhập”.
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Điều chỉnh ngân sách khi thất nghiệp
Ngày càng có nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp khi các công ty cắt giảm nhân sự để giữ chi phí hoạt động ở ngưỡng an toàn. Nhiều người có thể bỡ ngỡ và thiếu sự chuẩn bị trước tình huống bất ngờ này, điều đó dẫn đến việc ảnh hưởng tiêu cực đến tài chính cá nhân.
“Tiêu tiền lẻ, mất tiền tỷ”, nghĩa là có những khoản chi trong khoảng thời gian đi làm dù bạn chi nhiều hơn một chút vẫn có thể kiểm soát vì bạn vẫn còn thu nhập. Tuy nhiên, khi đã thất nghiệp và dòng tiền vào gần như bằng 0, việc mỗi ngày đều chi một khoản nhỏ 30-50 nghìn cho những điều không cần thiết, tức là 1 tháng sẽ dao động từ 1 - 1,5 triệu, một con số không hề nhỏ.
Do vậy, theo các chuyên gia tài chính, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào về các ưu tiên tiền bạc, bạn nên đánh giá dòng tiền hiện tại của mình. Kiểm kê xem bạn đang chi tiêu vào đâu và chia những chi phí đó thành 2 loại: những thứ bạn không thể sống thiếu (chẳng hạn như nhà ở, thực phẩm và tiện ích) và những thứ bạn có thể từ bỏ ngay bây giờ (ví dụ mua sắm trực tuyến, gói tài khoản xem phim). Xác định số tiền bạn có thể chi tiêu một cách hợp lý cho các nhu cầu của mình và cố gắng tiết kiệm số tiền mà bạn thường tự thưởng.
Tiếp theo, hãy tính xem bạn đã tiết kiệm được bao nhiêu, cho dù là tài khoản tiết kiệm hay quỹ khẩn cấp. Lên kế hoạch xem những khoản tiền này có thể trang trải cho khoản thu nhập bị mất của bạn trong bao lâu. Điều này có thể giúp bạn xác định số tiền hỗ trợ tài chính bổ sung mà bạn có thể cần mỗi tháng để duy trì chi phí sinh hoạt.
Mặt khác, bạn nên nắm rõ những khoản chi bản thân có thể cắt giảm. Chẳng hạn như các khoản mua sắm lớn không cần thiết như điện thoại hay máy tính trong khi những thiết bị cũ của bạn vẫn có thể sử dụng được. Hãy suy nghĩ kỹ càng về từng món đồ không cần thiết mà bạn cân nhắc mua và cố gắng tập trung vào mục tiêu dài hạn là duy trì tài chính vượt qua khoảng thời gian nghỉ việc này.