Ma có thật không? Đáp án đó tùy thuộc vào việc bạn định nghĩa ma là gì? Khoa học hiện tại không thể chứng minh sự tồn tại của những linh hồn, có khả năng đi xuyên tường, lẩn trốn dưới gầm giường và sẽ chui ra đi lại để tạo ra tiếng ván sàn cót két vào ban đêm.
Nhưng có một số hiện tượng tâm lý và thần kinh, trong đó, những bóng ma sẽ xuất hiện ra từ chính trí tưởng tượng, hoặc nhiễu loạn trong não bộ người trải nghiệm chúng.
1. Những bóng ma nảy mầm từ niềm tin
Không phải ai tin vào sự tồn tại của ma quỷ cũng từng nhìn thấy ma ngoài đời thật. Nhưng phần nhiều họ đã xem phim ma, đọc truyện ma và được nghe kể về ma.
Từ The Conjuring, Annabelle, The Nun cho tới The Ring, bạn đã xem bao nhiêu seri phim kinh dị? Thậm chí không cần đến những bộ phim hàng triệu đô la, ý tưởng về sự tồn tại của ma quỷ đã xâm nhập đầu óc mỗi chúng ta từ rất sớm, từ những câu chuyện mà cha mẹ bạn kể đế ngăn bạn ra ngoài vào ban đêm.
Niềm tin rằng ma có thật đã được gieo vào đầu óc non nớt của từng đứa trẻ, khi chúng ta chưa có được ý thức, chưa có được lập luận sắc bén để bác bỏ nó.
Và một khi niềm tin đã được ấn định trong tiềm thức, nó sẽ trở thành một niềm tin chuyên chế, vô điều kiện. Bạn sẽ lớn lên với niềm tin đó, cho tới khi đủ chín chắn để nghi ngờ và chất vấn bản thân mình về tính chân thật của nó.
Theo công ty nghiên cứu thị trường YouGov, gần một nửa dân số ở Mỹ ngày nay nghĩ rằng ma là có thật. Trong đó có 13% tin vào ma cà rồng hút máu. Niềm tin này chiếm lĩnh tâm trí của họ bất cứ khi nào chúng ta nghe thấy tiếng ván sàn kêu cót két hoặc cảm thấy ớn lạnh đột ngột.
Năm 1990, các nhà tâm lý học tại Đại học Illinois đã làm một thí nghiệm. Họ tuyển dụng 2 nhóm tình nguyện viên cho một chuyến tham quan Nhà hát Quảng trường Lincoln, một địa điểm đã bỏ hoang trong hàng thế kỷ.
Với nhóm thứ nhất, các nhà khoa học đã cài vào một hướng dẫn viên để nói với họ rằng đây là một nhà hát bị ma ám. Nhóm thứ hai được dẫn đi bởi một hướng dẫn viên trung lập, không đề cập đến chủ đề ma quỷ.
Kết quả cho thấy những khách tham quan thuộc nhóm thứ nhất nhiều khả năng sẽ báo cáo các cảm giác sợ hãi và tưởng tượng thấy nhiều điều kỳ lạ hơn.
"Chúng ta có xu hướng như vậy bởi vì chúng ta là một sinh vật có trí liên tưởng mạnh mẽ", Chris French, người đứng đầu Đơn vị Nghiên cứu Tâm lý Dị thường tại Goldsmiths, Đại học London cho biết.
Con người đã tiến hóa để nắm bắt các tín hiệu từ thế giới bên ngoài qua mọi giác quan. Chúng ta học được cách cảnh giác cực độ để phát hiện và trốn thoát khỏi các mối đe dọa, ví dụ như một con thú săn mồi.
Đôi khi, hệ thống giác quan đó làm việc quá mức, nó vẽ ra những gì mà chúng ta không nhìn thấy, không có thật và thuyết phục chúng ta tin rằng đó là thật. Cứ như vậy, những bóng ma bắt đầu được thêu dệt lên từ những tiếng ồn ngẫu nhiên, hoặc những hình ảnh mờ ảo.
French cho biết có một thuật ngữ khoa học cho hiện tượng này. Nó được gọi là "pareidolia", trong đó, nhiều người nghĩ rằng họ đã ghi âm được tiếng ma nói. Nhưng thực chất đó chỉ là những tiếng ồn bình thường trong không gian mở.
Nhiều nhà ngoại cảm hoặc thợ săn ma Phương Tây thường lợi dụng tâm lý "pareidolia" để lừa đảo. Họ cố tình hướng sự chú ý của người đến gọi hồn vào một cụm từ nhất định. Rồi sau đó chỉ đơn thuần là chờ đợi bộ não của người đó tự cóp nhặt trong số các âm thanh nhiễu ngẫu nhiên một tiếng động na ná.
Vậy là có thể thuyết phục họ tin vào sự tồn tại của hồn ma.
2. Bạn tưởng tượng ra ma để tự dọa bản thân trong các tình huống mạo hiểm
Chúng ta ít ai tưởng tượng ra ma quỷ vào ban ngày. Nhưng bằng một cách tự nhiên nào đó, nỗi ám ảnh về ma quỷ sẽ xuất hiện vào ban đêm, hoặc khi chúng ta đi xuống những căn hầm tối.
Lý do là bởi con người luôn cảnh giác hơn trong môi trường thiếu sáng. Đó là lúc bản năng sinh tồn của chúng ta hoạt động ở mức cao hơn, và vì thế các hệ thống giác quan cũng dễ bị nhiễu hơn.
Michiel van Elk, giáo sư tâm lý xã hội tại Đại học Leiden, cho biết: "Nếu bạn đang đi bộ trong rừng và nhìn thấy một chuyển động, bạn có thể mắc hai lỗi. Trường hợp thứ nhất, bạn có thể nghĩ rằng chẳng có gì đe dọa mình cả, nhưng trên thực tế ở đó có một kẻ săn mồi tiềm năng. Trường hợp thứ hai thì ngược lại, bạn có thể nghĩ có một kẻ săn mồi ở đó nhưng trên thực tế lại chẳng có gì cả".
Các nhà tâm lý học nghi ngờ con người đã tiến hóa để nghiêng về trường hợp thứ hai hơn. Có những lý do chính đáng cho sự thiên vị đó, khi tổ tiên của chúng ta luôn phải đề phòng những mối nguy hiểm rình rập như báo và rắn.
Những người thà yếu bóng vía để cảnh giác còn hơn bị ăn thịt sẽ có nhiều khả năng sống sót hơn. Vì vậy, họ cũng sinh sản nhiều hơn và di truyền nỗi sợ hãi thường trực của mình cho thế hệ sau.
Những người thiết kế nhà ma trong công viên đã tận dụng rất tốt căn bệnh hoang tưởng di truyền này, bằng cách buộc tâm trí chúng ta phải vật lộn với bóng tối và sự mơ hồ.
Một ngôi biệt thự ma ám được thiết kế tốt không tạo ra những mô hình hoặc người giả ma nhảy bổ trước mặt bạn. Thay vào đó, họ thường chỉ đưa ra những gợi ý, khuyến khích bạn tự hỏi liệu bạn có vừa nhìn thấy một thứ gì đó hay không.
Chính sự không chắc chắn sẽ làm gia tăng yếu tố sợ hãi.
Năm 1975, nhà địa lý người Anh Jay Appleton đã thực hiện một nghiên cứu để phát hiện ra một điều rằng: Khi nói đến một môi trường sống an toàn, con người có xu hướng nghĩ về những địa điểm thỏa mãn hai điều kiện. Một là nó phải có tầm quan sát (một góc nhìn rõ ràng về thế giới bên ngoài). Thứ hai là nó phải có nơi ẩn náu (cơ hội để trốn khỏi nguy hiểm).
Một ngôi nhà cũ được chiếu sáng kém không cho chúng ta cả hai điều kiện đó. Nó khiến chúng ta không thể nhìn thấy những gì xung quanh và cung cấp nhiều bóng tối mà các thực thể độc hại có thể ẩn nấp.
3. Bạn cần một hồn ma để bầu bạn
Nếu đã xem các bộ phim như The Grudge hay The Amityville Horror, thì bạn sẽ thấy những hồn ma đôi khi không xuất hiện để đem lại nỗi sợ hãi cho người tưởng tượng ra chúng.
Các nghiên cứu tâm lý học cho thấy rằng một số người gặp chấn thương tâm lý, đặc biệt là với nỗi đau mất người thân có thể "triệu tập" ra những linh hồn của họ để trò chuyện cũng như xoa dịu bản thân mình.
Giống như hầu hết những người bị cụt tay báo cáo về một hiện tượng được gọi là "chi ma", cảm giác rằng phần tay bị mất của họ vẫn còn ở đó, những người vợ/chồng còn sống thường cho biết họ đã nhìn thấy hoặc cảm nhận được người bạn đời đã khuất của họ.
Một cuộc khảo sát năm 1971 trên Tạp chí Y khoa Anh cho thấy gần một nửa số góa phụ ở xứ Wales và Anh đã gặp lại linh hồn người chồng đã chết. Những cuộc gặp gỡ này sống động đến mức giống hệt như thật.
Các nhà tâm lý học gọi nó là "cuộc giao tiếp sau khi chết", và đánh dấu đây là một trong những trải nghiệm huyền bí phổ biến nhất, ảnh hưởng đến cả những người tin vào thế giới tâm linh và những người không tin vào nó.
Năm 2011, một nghiên cứu trên tạp chí Death Studies đã khảo cứu lại hàng trăm trường hợp người sống có tương tác với người đã khuất. Các tác giả cho biết các bóng ma này thường được người sống tưởng tượng ra để đối phó với sự kiện đau buồn mà họ gặp phải.
Nhưng cái chết không phải là nguyên nhân duy nhất cho một cuộc gặp gỡ thân thiện với các hồn ma. Một số nghiên cứu trên những đứa trẻ bị bắt nạt hoặc tiếp xúc với các tình huống nguy hiểm cho thấy chúng nhiều khả năng cũng tự tưởng tượng ra những sinh vật huyền bí. Xu hướng này cũng xuất hiện ở những người lớn có tiền sử sang chấn tâm lý thời thơ ấu.
4. Não của bạn không khỏe
Với các nguyên nhân kể trên, chúng ta đã thấy phần lớn các trường hợp nhìn thấy ma chỉ liên quan đến một vấn đề tâm lý tạm thời. Nhưng cũng có những trường hợp khác, khi một người nhìn thấy ma thường xuyên hơn, nghe thấy giọng nói của những linh hồn đeo đuổi họ dai dẳng.
Các nghiên cứu cho thấy đây có thể là dấu hiệu ban đầu của một tình trạng bệnh lý, chẳng hạn như chứng tâm thần phân liệt. Một số bằng chứng cho thấy những người có chứng rối loạn não tiềm ẩn sẽ có xu hướng gặp phải những hiện tượng huyền bí dữ dội và tiêu cực.
Ngay cả ở những người không mắc bệnh tâm thần, những thay đổi tạm thời trong hoạt động của não có thể kích thích những bóng ma xuất hiện. Chẳng hạn như những người sử dụng chất kích thích thần kinh như LSD và nấm ma thuật thường báo cáo về những tưởng tượng tâm linh.
Đôi khi, mọi người có thể vô tình bị nhiễm các chất thức thần này từ các bào tử hoặc nấm mốc trong những ngôi nhà bỏ hoang. Điều này giải thích lý do tại sao các địa điểm này thường bị gọi là ma ám.
Trong một trạng thái khác được gọi là bóng đè khi ngủ, lúc mà bạn thức dậy nhưng thấy cơ thể mình không thể cử động, nhiều khả năng bạn cũng sẽ gặp phải những hiện tượng ma quái kỳ dị.
Chẳng hạn, người bị bóng đè thường có cảm giác bị cuốn vào một không gian khác, thấy bản thân mình lơ lửng, trôi dạt hoặc thậm chí tách rời khỏi cơ thể vật lý. Trong nhiều trường hợp, họ còn nhìn thấy một linh hồn đang ngồi trên ngực mình.
Các nhà khoa học vẫn chưa xác định chính xác được gốc rễ của hiện tượng này, nhưng một số người cho rằng nó xảy ra khi não bộ bị chồng chập giữa trạng thái giấc ngủ và thức tỉnh.
Cụ thể, trong giấc ngủ REM, hệ thần kinh vận động của bạn sẽ được tắt đi, bạn sẽ không thể cử động để phòng ngừa các hiện tượng như mộng du hoặc tự làm hại bản thân. Nếu bạn thức dậy mà não bộ bạn bằng một cách nào đó không bật lại hệ thần kinh vận động, bạn sẽ không thể cử động được.
Tình huống này đặt bạn vào một cơn hoảng loạn, có thể vì nghĩ rằng mình đã chết. Từ đó, các tín hiện não có thể bị chồng chập loạn xạ, làm xuất hiện các hiện tượng ma quái kỳ bí.
5. Bạn đang bị tác động bởi sóng hạ âm
Não bộ chúng ta về cơ bản cũng hoạt động bằng các tín hiệu điện sinh học, vì vậy, không tránh khỏi hiện tượng nhiễu. Nghiên cứu cho thấy đôi khi, mọi người có thể trải qua một cuộc gặp gỡ với những "con người ở thế giới khác" chỉ đơn giản vì một thứ gì đó trong môi trường xung quanh đang phát ra tiếng động lạ.
Vào đầu những năm 1980, kỹ sư người Anh Vic Tandy đang làm việc trong phòng nghiên cứu của một công ty cung cấp dịch vụ y tế thì một cảm giác kỳ lạ ập đến. Ngay lập tức, anh ta cảm thấy rùng mình, hồi hộp và sợ hãi tột độ.
Trước khi vào căn phòng này, các đồng nghiệp đã cảnh báo Tandy rằng đây là một căn phòng ma ám. Rất nhiều người bước vào đây trước anh cũng đã gặp phải các hiện tượng tương tự.
Nhưng với bản chất là một người không tin vào chuyện tâm linh, Tandy đã quyết tâm tìm ra nguồn gốc của vấn đề. Anh đã lùng sục khắp các ngóc ngách căn phòng và phát hiện ra một chiếc quạt phát ra âm thanh ở tần số 18,9 Hz.
Mặc dù tai của chúng ta không thể cảm nhận được âm thanh ở tần số đó, nhưng những sóng âm vô hình này vẫn có thể khiến nhãn cầu của chúng ta rung giật. Đó là lý do tại sao Tandy cảm thấy tầm nhìn của mình đảo lộn và xuất hiện một số hình ảnh ma quái mơ hồ.
Các nghiên cứu sau này cho thấy một số tiếng ồn nhất định có thể kích thích các cơ quan thị giác và thính giác của con người, khiến họ trải qua một cơn căng thẳng hoặc trạng thái hoảng loạn.
Tần số 18,9 Hz nằm ở dưới dải hạ âm, là chỗ tai người không thể nghe. Sau khi Tandy công bố phát hiện của mình trên Tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Tâm thần năm 1998, tần số 18,9 Hz sau đó được gọi là "tần số sợ hãi".
Vì vậy, lần tới khi bạn nghĩ rằng bạn đang có một cuộc chạm chán bí ẩn với những người ở thế giới bên kia, trong một không gian quen thuộc lặp đi lặp lại, hãy thử kiểm tra xem xung quanh đó có nguồn hạ âm nào không.