Chuyển đến 1 nơi khác để sống, chờ đón bạn là những điều mới mẻ cũng như thử thách khó lường. Đặc biệt, khi đến những thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, chuyện tài chính gần như là điều phải lên kế hoạch kỹ càng nhất. Bởi vì, chi phí phải trả ở 2 thành phố này khá lớn, và nếu không chuẩn bị trước sẽ dễ khiến người trẻ rơi vào vòng xoáy áp lực tài chính.
Cùng gặp 3 người bạn trẻ đã chuyển đến thành phố lớn trong khoảng thời gian gần đây để hiểu hơn về cách người trẻ chuẩn bị tiền bạc như thế nào khi đến 1 nơi ở mới:
1. Mai Linh, 23 tuổi, chuyển từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, hiện đang làm Quản trị viên tập sự cho 1 tập đoàn ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG)
2. Thuỷ Tiên, 27 tuổi, chuyển từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, đang là nhiếp ảnh gia tự do
3. Đăng Danh, chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, hiện đang làm trong 1 công ty đầu tư
Chuẩn bị khoảng 20-30 triệu đồng
Mỗi người sẽ có những lý do khác nhau để chuyển đến 1 nơi xa lạ để sống, đó có thể là theo đuổi ngành nghề mình yêu thích như Mai Linh và Thuỷ Tiên, hoặc chỉ đơn giản là muốn bước khỏi vùng an toàn của bản thân như Đăng Danh.
Dù là với lý do gì, một khi đã dịch chuyển sẽ phải có những sự chuẩn bị cẩn thận, đặc biệt trong câu chuyện tài chính. Mai Linh chia sẻ rằng, khi cô quyết định dịch chuyển, cô bạn chưa có thu nhập ổn định nên chỉ mang vào chưa tới 30 triệu đồng. “Nếu có thể tích góp được nhiều hơn thì sẽ mang vào nhiều hơn, tuy nhiên con số đó là tạm ổn để giúp mình ổn định trong 1-2 tháng đầu mà không phải suy nghĩ về tiền bạc”.
Mai Linh luôn có kế hoạch rõ ràng về công việc của mình ở TP Hồ Chí Minh. Cô bạn cũng đặt mục tiêu nếu như không thể “hoàn vốn”, nhận được cơ hội việc làm mơ ước sau 3 tháng sẽ quay về Hà Nội. Nghĩa là ngoài kế hoạch bám trụ ở thành phố mới, Mai Linh cũng chuẩn bị đường lui cho mình.
Mai Linh
Còn đối với Thuỷ Tiên, cô bạn 27 tuổi đã vay bố mẹ 20 triệu đồng, đủ để chi tiêu trong 1 tháng từ vé máy bay, vận chuyển 2 bé mèo, cùng đồ đạc, thuê nhà, đi lại, ăn uống và các chi phí phát sinh.
Mặt khác, số tiền Đăng Danh chuẩn bị ra Hà Nội là khoảng 36 triệu đồng cho những chi phí bất ngờ. “Mình chọn con số này bởi vì mình biết đi đến một khu vực mới chắc chắn sẽ có những khoản chi bất ngờ, và mình cần bản thân sinh hoạt, tham quan,... ổn định rồi mới có thể làm việc với hiệu quả tốt được”.
Thay đổi phong cách chi tiêu
Sống ở 1 thành phố sẽ có những điều mới lạ, đồng nghĩa với việc chúng ta phải thay đổi 1 số thói quen trước đây để phù hợp với nhịp sống và môi trường mới. Mai Linh và Đăng Danh là 2 người lần đầu tiên xa nhà, sống tự lập, 2 bạn đã phải thay đổi hoàn toàn cách chi tiêu của bản thân, và trở nên tự lập hơn.
“Trước đó, mình ở chung với gia đình nên những khoản như điện nước, nhà, ăn uống,... chung với gia đình nên không phải lo toan quá nhiều. Tuy nhiên, khi ra đây, mình phải tự chủ mọi thứ nên việc chi tiêu cá nhân phải được rõ ràng và cân đối tránh lấn qua các khoản quỹ khác của cá nhân.”, Đăng Danh chia sẻ.
Đăng Danh
Với Mai Linh, cú sốc chính là khi ra riêng, phải tiêu tốn hơn rất nhiều. Để tránh gặp phải tình cảnh cuối tháng ăn mì cầm cự qua ngày, cô bạn đã lập kế hoạch chi tiêu rất rõ ràng. “Trước đây mình có thể dành đến 60-70% thu nhập để ăn uống, mua sắm, giải trí thì khi chính thức sống độc lập tại TP Hồ Chí Minh, mình đã tối đa ăn uống tại nhà, vô cùng đơn giản và tiết kiệm vì thật sự sống một mình thì cũng không ăn nhiều được. Chưa kể sự tự do khi mình sống độc lập rất dễ dẫn đến việc mình ăn uống vô độ không tốt cho sức khỏe nữa. Từ lúc nhận thức được điều này thì mình cũng tiết kiệm được kha khá từ khoản chi tiêu cho ăn uống, mua sắm,...”
Bên cạnh đó, theo trải nghiệm của Thuỷ Tiên, khi mang khoản tiền 20 triệu vào TP Hồ Chí Minh là không đủ. Cô bạn đã quên tính chi phí mua sắm đồ dùng cá nhân, tưởng chừng như lặt vặt nhưng tính tổng thành rất nhiều. Thuỷ Tiên cũng tự nhận là đã chi tiêu quá tay khi mua sắm đồ dùng trong nhà.
Chi phí thuê nhà trong TP Hồ Chí Minh như cô bạn 27 tuổi chia sẻ là đắt hơn rất nhiều so với Hà Nội. “Ở Hà Nội với 6 triệu mình có thể thuê 1 căn hộ 1 phòng ngủ nhưng ở TP Hồ Chí Minh mình chỉ có thể thuê được căn hộ dịch vụ có gác xép rộng 15m2”.
Để có thể thích nghi với hoàn cảnh sống mới, sau tháng đầu tiên Thuỷ Tiên đã thắt chặt chi tiêu bằng cách: tiêu những gì còn lại sau khi đã tiết kiệm. “Tức là mình sẽ cất riêng những khoản cần tiêu của tháng sau chẳng hạn như thuê nhà, sau đó phần còn lại mình sẽ dùng cho ăn uống và mua sắm. Sau này khi thu nhập nhiều hơn, mình có thể dành ra được những khoản tiết kiệm khác nữa, mình thấy cách này rất hay”.
Luôn phải có khoản dự phòng vì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy đến
“Bão giá” ập đến, những người trẻ được cho là bị ảnh hưởng nhiều nhất từ chuyện này. Khi mà vừa bước ra đời đã gặp phải 2 năm dịch, tiếp đó là lạm phát, khiến cho mọi chi phí đều bị tăng quá cao. Với những người chuyển đến 1 thành phố khác sống, những thách thức tiền bạc trở nên khó khăn gấp bội vì bão giá.
“Thay vì bình thường đổ bình xăng hết 150k, giờ đây con số đã lên 200k mới đầy bình. Giá xăng dầu tăng cao dẫn đến việc đồ tiêu dùng, ăn uống cũng tăng. Ảnh hưởng này cũng làm mình khá lo lắng về chi phí sinh hoạt, nhưng mình đã cố gắng gia tăng thu nhập và cân nhắc các quỹ của bản thân.”, Đăng Danh kể về trải nghiệm trong bão giá.
Đồng cảm với cậu bạn TP Hồ Chí Minh này, Thuỷ Tiên chia sẻ rằng sau khoảng thời gian dịch bệnh thì giờ là lúc mọi thứ bình ổn lại, nhưng cũng kéo theo nhiều hệ luỵ.
Thuỷ Tiên
Sau một khoảng thời gian dài sống ở thành phố mới, các bạn trẻ cũng rút ra được những mẹo hay trong tiền bạc, đặc biệt là cách tư duy về tài chính cá nhân. Thần chú của Mai Linh để không bị lạm phát trong lối sống chính là “Tăng thu nhập nhưng không tăng chi tiêu”.
“Mình nghĩ khi kiếm được thêm thì nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống là một điều dễ hiểu, việc đầu tư cho một số thứ trong cuộc sống là điều bình thường, nhưng có một số chi phí cố định thì mình nghĩ không nên thay đổi quá nhiều khi tăng thu nhập”, cô bạn 23 tuổi nhấn mạnh.
Đăng Danh đã rút được 1 bài học tài chính trong năm 2021 chính là tiền bạc rất quan trọng trong cuộc sống. Bạn có thể kiếm rất nhiều tiền nhưng cuộc sống sẽ không biết trước được điều gì, bạn có thể kiếm rất nhiều nhưng trong tương lai thì chưa chắc, nên phải luôn có những khoản tiết kiệm dự phòng cá nhân cũng như duy trì các quỹ đầu tư cá nhân. Và đặc biệt “Dùng và Giữ tiền” quan trọng hơn kiếm tiền.
“Khi đến một vùng đất mới, môi trường mới, sẽ có những khoản chi cũng như vấn đề bất ngờ. Chúng ta cần cân nhắc khi xuống tiền bất cứ khoản chi phí nào vì đại loại có một câu nói “một đồng bạn xài hiện tại là 10 đồng của tương lai", chi tiêu trong cho phép và không nên vì bản ngã mà chi tiêu quá lố để “chứng minh" bản thân trong bất kì tình huống nào”.
Cuối cùng, Đăng Danh hy vọng mọi người trẻ dùng tiền đúng cách, tập trung vào việc quản lý tài chính cá nhân để có thể sống tốt ở bất kỳ thời điểm nào của cuộc sống.
Ảnh: NVCC