Ngày 20/3/2024, cơ quan quản lý đã đăng tải thông tin lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (Thông tư số 120/2020/TT-BTC; Thông tư số 119/2020/TT-BTC; Thông tư số 121/2020/TT-BTC; và Thông tư số 96/2020/TT-BTC).
Cùng với nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung khác, dự thảo thông tư dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung quy định cho phép giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (NĐTTCNN). Đồng thời, công ty chứng khoán (CTCK) được nhận lệnh giao dịch mua chứng khoán của khách hàng là NĐTTCNN khi tài khoản của khách hàng không đủ 100% giá trị lệnh đặt.
Dự thảo cũng quy định, CTCK thực hiện đánh giá năng lực của khách hàng để xác định mức ký quỹ theo thỏa thuận tại hợp đồng ký kết giữa CTCK và khách hàng.
Cũng theo đề xuất của cơ quan quản lý, đối tượng được cung cấp dịch vụ là những CTCK có tình hình tài chính tốt, đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán, đủ hạn mức để đáp ứng việc thanh toán cho giao dịch chứng khoán của NĐTNN sử dụng dịch vụ này trong trường hợp NĐTNN tạm thời mất khả năng thanh toán.
Trao đổi với báo chí, đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khẳng định: "Hiện tại cơ quan quản lý đang rất nỗ lực để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý để tháo gỡ các nút thắt quan trọng, đáp ứng các tiêu chí của tổ chức xếp hạng. Theo quy định, dự thảo thông tư sẽ được lấy ý kiến trong vòng 60 ngày, sau đó sẽ được hoàn thiện và trình Bộ Tài chính xem xét, ban hành. Và sau khi Thông tư mới được ban hành, thì các công việc tiếp theo mới được triển khai".
Trước đó, theo lãnh đạo UBCKNN, việc đề xuất sửa đổi các quy định pháp lý lần này là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính về việc tích cực thực hiện giải pháp liên quan đến phát triển thị trường chứng khoán, trong đó có nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc của NĐTNN, hướng tới mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
Việc cơ quan quản lý đề xuất các quy định mới trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung 4 thông tư đang được nhiều nhiều chuyên gia đánh giá rất tích cực, góp phần gỡ các "nút thắt" quan trọng, hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng.