Đổ về Cam Lâm (Khánh Hoà) săn đất
"Sốt đất Cam Lâm" đã trở thành từ khóa đối với các nhà đầu tư trong hơn 10 ngày gần đây. Thông tin tín hiệu tích cực về sự xuất hiện của các dự án đã khiến lượng nhà đầu tư từ Hà Nội, Sài Gòn và một số tỉnh thành khác đổ về.
Theo ông N.K (một nhà đầu tư đến từ Hà Nội) hiện sở hữu nhiều quỹ đất tại Khánh Hòa cho biết, cuối tuần vừa qua, ông đã giới thiệu thành công 3 vị khách mua đất Cam Lâm.
Ông cho biết, cách đây hơn 1 tháng, thị trường bất động sản cam Lâm đã rục rịch nóng. Một số nhà đầu tư kháo nhau về dự án của một ông lớn BĐS có thể về đây nên giá đất rục rịch tăng.
Theo ông K, giá đất thổ cư tại Cam Lâm ở thời điểm hiện tại tăng khoảng 20-40% so với thời điểm trước Tết năm 2021. Cụ thể, một số lô đất nếu như trước đây chỉ có giá 5 triệu đồng/m2 thì hiện tại mức giá lên tới 7 triệu đồng/m2, mặt đường ô tô đi vào. Một số lô đất có vị trí đẹp hơn có giá 10 triệu đồng/m2 và thậm chí lên tới 20 triệu đồng/m2.
Đất Cam Lâm đang hút các nhà đầu tư tới.
"Một số nhà đầu tư hôm trước liên hệ với tôi nhờ thiết kế cho vài mảnh nhỏ. Họ bay vào Khánh Hòa hôm thứ 7, chủ nhật chốt mỗi người 1 lô đất tầm 1-2 tỷ, sau đó bay ra Hà Nội", ông K. cho biết.
"Hạ tầng tại Cam Lâm đã khá đẹp, mức giá lại rất hợp lý. Có khách còn liên hệ nhờ tôi giới thiệu lô đất rộng tới cả ha. Họ thích đất chưa có sổ đỏ và dự tính mua để đợi chờ 3-5 năm sau rồi bán. Nếu mua loại đất này chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng/m2 nhưng khả năng tăng tới 3 triệu/m2 là điều dễ dàng", ông K nói thêm.
Thận trọng với "sốt đất ảo", hệ quả rất nặng nề
Cũng theo tìm hiểu của PV, một số môi giới ở khu vực Cam Lâm còn quảng cáo thêm các dự án khủng sắp đổ bộ. Giá đất nền một số dự án dao động ở ngưỡng 10-20 triệu đồng/m2. Cụ thể như dự án cách sân bay quốc tế Cam Ranh và các resort tại khu Bãi Dài được chào bán với mức giá từ 10, 15, 20, 25 triệu đồng/m2.
Một số lô đất trước đây để trồng cây ăn quả rộng hơn 1000m2 cũng đang được phân lô nhỏ để bán.
Theo các chuyên gia, người mua cần tìm hiểu kỹ thông tin về pháp lý và đặc biệt tránh tình trạng "lướt sóng". Trước đây, Cam Lâm cũng từng sốt đất và còn được mệnh danh là thủ phủ phân lô bán nền với rất nhiều dự án "ma".
Đáng chú ý là nhiều lô đất trước đây là đầm nuôi trồng thủy sản hoặc các vườn cây lâu năm đã được các công ty môi giới vẽ theo dạng dự án cách sân bay quốc tế Cam Ranh và các resort tại Bãi Dài vài km.
Chia sẻ với PV, nhà đầu tư K. thẳng thắn cho biết, thông tin dự án của một ông lớn BĐS vào chưa hoàn toàn chắc chắn. Nhưng nếu thực sự có một dự án của ông lớn này vào Cam Lâm thì giá tăng gấp 2, gấp 3 là chuyện thường tình. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải xác định bỏ vốn lâu dài, tốt nhất đợi từ 3-5 năm là chắc chắn sẽ có lời.
Ông Phan Việt Hoàng, Phó tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam chỉ ra rằng, lợi dụng thông tin xúc tiến đầu tư của các tập đoàn lớn mà nhiều môi giới đẩy sóng bán hàng. Họ tiến hành thu gom đất nông nghiệp, san lấp sau đó tách thửa. Sau khi hoàn tất thủ tục, những môi giới này chỉ triển khai phân lô, bán nền, kiếm lời.
Theo ông Hoàng, chiêu trò này của môi giới có thể khiến người mua gặp rủi ro lớn trong đầu tư. Cơn sốt đất đi qua sẽ để lại hệ quả nặng nề cho người dân địa phương. Họ bỏ việc để chạy theo giấc mơ tỷ phú còn nhà đầu tư kiệt quệ vì gánh nặng tài chính khi không thanh khoản được đất.