Ngay sau khi tiếp quản đế chế, ông Lee Jae-yong bắt tay thực hiện kế hoạch đầy tham vọng, đưa Samsung Electronics (SE) trở thành kẻ thống trị trong lĩnh vực chip logic điện thoại thông minh. Điều đó đồng nghĩa với cuộc "khai chiến" trực tiếp các ông lớn ngành sản xuất chip như TSMC của Đài Loan và Intel của Mỹ.
Kết quả trong canh bạc của Lee Jae-yong sẽ là những hệ quả sâu sắc, không chỉ đối với Samsung. Nó quan trọng đối với cả Hàn Quốc, khi tổng thống đã biện minh cho việc ân xá ông Lee là vì lợi ích quốc gia, do tầm quan trọng của chaebol đối với nền kinh tế. Xa hơn nữa sẽ là ảnh hưởng đến ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đầu tháng 10, SE cho biết họ sẽ sản xuất một số bộ vi xử lý logic tiên tiến nhất thế giới với các bóng bán dẫn có kích thước ba nanomet (phần tỷ mét) vào năm 2022. Đồng thời công bố kế hoạch sản xuất hàng loạt chip hai nanomet từ năm 2025. Các khoản đầu tư diện kiến lên đến 37 tỉ USD trong năm nay.
SE cũng đang xây dựng một nhà máy trị giá 17 tỷ USD để sản xuất các chip logic tiên tiến ở Texas, Mỹ. Đồng thời, họ giành được những khách hàng mới như Nvidia, Google,Tesla.
Tầm nhìn của ông Lee là SE mau chóng có được một thị phần lớn trong thị trường bán dẫn toàn cầu, ước tính trị giá lên đến 550 tỷ USD. Ông Lee đặt ra mục tiêu chiếm lĩnh khoảng 40% thị phần trong lĩnh vực gia công sản xuất bộ vi xử lý cho khách hàng.
Samsung chia tách hoạt động kinh doanh của mình thành hai bộ phận: Thiết bị hoàn chỉnh như TV, các thiết bị gia dụng và thiết bị kỹ thuật số (chủ yếu là điện thoại thông minh. Mảng kinh doanh linh kiện bao gồm chất bán dẫn và màn hình.
Hiện nay tồn tại hai luồng ý kiến trái chiều giữa các chuyên gia công nghệ khi nhận định về tiềm năng thị trường chip bán dẫn.
Một bên cho rằng những con chip này giữ vai trò rất quan trọng trong việc lưu trữ dữ liệu của các doanh nghiệp và người dùng, họ đánh giá thị trường chỉ có thể đi lên. Công ty nghiên cứu Omdia dự đoán rằng thị trường chip nhớ toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ hai con số mỗi năm trong giai đoạn 2020-2025.
Ở chiều ngược lại, ngay trong nội bộ công ty, một số lãnh đạo chiến lược quan ngại rằng thị trường chip nhớ đã có dấu hiệu bão hòa, bên cạnh đó là việc cạnh tranh không hề đơn giản với các nhà sản xuất kỳ cựu đang chiếm lĩnh phần lớn thị phần.
Cho đến nay, tiến độ thực hiện tham vọng của ông Lee diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, công ty chỉ mới đạt khoảng 15% thị phần so với hơn 50% của TSMC. Để khắc phục tình trạng này, công ty tiếp tục có kế hoạch chi 100 tỷ USD trong ba năm tới để nghiên cứu phát triển và gia tăng năng suất.
Về mặt công nghệ, thực tế SE đang tụt lại phía sau TSMC ít nhất hai thế hệ vi xử lý. Nhận thức được yếu kém đó, SE đang tận dụng khả năng nghiên cứu và phát triển (R& D) của mình để phát triển chip logic các thế hệ tiếp theo.
Một vấn đề khác là tình trạng căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây, đặc biệt là Mỹ, khiến nhà sản xuất chip Hàn Quốc khó có thể từ bỏ thị trường 1,4 tỷ dân. SE phải đưa ra những chính sách hợp lý để giữ khách hàng Trung Quốc, trong khi không bị khách hàng Mỹ từ bỏ.
Ở góc nhìn tích cực, doanh thu hàng năm của SE cán mốc 200 tỷ USD, ngang ngửa với công ty có giá trị nhất thế giới - Apple. Mark Newman, cựu giám đốc điều hành tập đoàn Samsung cho biết SE đang sở hữu các khu phức hợp công nghiệp gồm các kỹ sư và thiết bị sản xuất hiện đại với nhiều nền tảng công nghệ chip tối tân.