Ngày 22/6, Văn phòng Tỉnh uỷ Khánh Hoà cho biết vừa ban hành thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh uỷ về việc suy giảm rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun (gọi tắt KBTB Hòn Mun, hiện có tên Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang).
Tạm dừng du lịch lặn biển
Trước đó, ngày 20/6, ông Nguyễn Hải Ninh (Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà), cùng ông Nguyễn Khắc Toàn (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh) và ông Nguyễn Tấn Tuân (Chủ tịch UBND tỉnh) đã chủ trì buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy nghe UBND tỉnh báo cáo việc suy giảm rạn san hô tại KBTB Hòn Mun (ở vịnh Nha Trang, TP. Nha Trang).
Rạn san hô dưới đáy biển Hòn Mun bị suy giảm nghiêm trọng. Ảnh L.H
Tại cuộc họp, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hoà kết luận thời gian qua, các cơ quan báo chí phản ánh cơ bản đúng thực trạng suy giảm rạn san hô tại khu vực Hòn Mun, vịnh Nha Trang. Theo đó, việc suy giảm phần lớn rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun là một quá trình chịu tác động tích lũy từ nhiều năm, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của cơn bão Damrey năm 2017 và cơn bão số 9 năm 2021.
San hô chết trắng trôi dạt lên bờ biển Hòn Mun. Ảnh L.H |
|
Nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của Ban quản lý (BQL) vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót. Nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại KBTB Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời như khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động du lịch...
Từ đó, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP. Nha Trang tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong khu vực vùng vịnh Nha Trang, đặc biệt là tại khu vực Hòn Mun. Đồng thời, khoanh vùng bảo vệ các khu vực nhạy cảm, đang có dấu hiệu phục hồi các hệ sinh thái (điển hình là rạn san hô và các bãi giống, bãi đẻ) của vịnh Nha Trang.
Hoạt động du lịch lặn biển ngắm rạn san hô tại Hòn Mun. L.H |
Tìm giải pháp bảo vệ, phục hồi san hô
Kết luận của Tỉnh uỷ Khánh Hoà cũng giao UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với BQL vịnh Nha Trang trong hoạt động giám sát, quản lý vịnh Nha Trang; tăng cường hiệu quả hoạt động của đội kiểm tra liên ngành trong công tác tuần tra, bảo vệ nghiêm ngặt khu vực bảo tồn Hòn Mun. Giao UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với các viện, trung tâm nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học thực hiện ngay việc nghiên cứu, điều tra, khảo sát để có báo cáo cụ thể, chính xác, đầy đủ về hiện trạng, nguyên nhân của sự suy giảm hệ sinh thái rạn san hô khu vực Hòn Mun và khu vực vịnh Nha Trang , từ đó đề xuất giải pháp phù hợp để bảo vệ, phục hồi.
Du khách tham quan khu vực bảo tồn biển Hòn Mun. Ảnh L.H |
|
Về giải pháp lâu dài, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong tháng 7/2022. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu phương án quản lý, khai thác vùng mặt nước trong vịnh Nha Trang theo hướng xã hội hóa, xây dựng mô hình quản trị công tư, kết hợp hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ gắn với nhiệm vụ bảo vệ các KBTB trên vịnh Nha Trang một cách hiệu quả, bền vững.
Trước đó, báo Tiền Phong đã có nhiều bài viết phản ánh về việc suy giảm rạn san hô nghiêm trọng ở KBTB Hòn Mun. Qua điều tra cho thấy, giữa tháng 6/2020, ở KBTB này có độ phủ san hô sống lên đến 61% nhưng đến đầu năm 2022 chất lượng san hô ở Hòn Mun dưới mức trung bình. Đặc biệt, khu vực Tây Nam của Hòn Mun có tình trạng rạn san hô rất kém, tỉ lệ bao phủ chỉ còn 7,8%.