Việt Nam là một quốc gia di chuyển trên hai bánh xe. Một mạng lưới đường dài 200.000 km kết nối các thành phố với các làng quê, các khu nghỉ mát bãi biển đến các khu nghỉ dưỡng trên núi và những khu rừng rậm rạp với một đường bờ biển gập ghềnh.
Hàng chục triệu xe máy di chuyển từ đồng bằng sông Cửu Long ở phía nam đến các đỉnh núi phủ đầy tuyết gần biên giới Trung Quốc. Theo CNN, (Mỹ) đối với hơn 90 triệu người Việt Nam, đó là phương tiện giao thông yêu thích và cũng là phương tiện mà khách du lịch đang theo đuổi.
Việt Nam đón hàng triệu du khách mỗi năm, và thời gian qua, một loại hình du lịch mới bắt đầu xuất hiện - phượt xuyên Việt bằng xe máy. Một tuyến đường du lịch nổi tiếng kết nối Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành với những người ưa thích lịch sử và văn hóa.
Các cửa hàng cơ khí và nhà nghỉ dành cho "Tây ba lô" hiện sửa chữa hàng trăm chiếc xe cho những người nước ngoài gan dạ. Vì tò mò, Jarryd Salem đã đến Việt Nam bằng chính chiếc xe hai bánh của mình. Không bị hạn chế về thời gian và ham muốn khám phá, Salem đã đi 10.000 km trên hành trình tận hưởng Việt Nam.
HÀ NỘI NHỘN NHỊP ĐẾN NÚI ĐỒI PHÍA BẮC HÙNG VĨ
Cung đường phía Bắc hùng vĩ. Ảnh: CNN
Thủ đô Hà Nội nhộn nhịp là điểm xuất phát của hầu hết những phượt thủ di chuyển bằng xe máy ở Việt Nam. Trong khi nhiều phượt thủ tìm đến các hãng cho thuê xe uy tín thì khách "tây ba lô" lại lùng sục khắp các con phố để tìm kiếm những chiếc xe máy giá rẻ.
Cùng lúc đó, trong khi nhiều người mua một chiếc xe máy và đi thẳng về phía Nam, thì những người ở Hà Nội lại đi về phía Bắc, hướng đến những ngọn núi hùng vĩ.
Núi rừng Mai Châu yên bình là điểm dừng chân đầu tiên đầy mê hoặc trên tuyến hành trình phía Bắc trước khi tiếp tục đi đến những ruộng bậc thang vàng rực ở Nghĩa Lộ, Than Uyên và Sapa.
Là nơi đỉnh núi cao nhất cả nước và là cửa ngõ của dãy núi Hoàng Liên Sơn, Sapa là "điểm nóng" du lịch trong nhiều năm. Hầu hết các phượt thủ đều dành một đêm ở đây để sống trong không gian văn hóa của người Hmong.
Xa hơn về phía Bắc, cuộc phiêu lưu thực sự bắt đầu, từ chợ Bắc Hà đi đến Hà Giang. Hà Giang rộng lớn là lối vào Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, một thắng cảnh miền núi gần biên giới Trung Quốc cần có giấy phép đặc biệt để tham quan.
Được cho là nơi có địa hình đẹp nhất cả nước, đường lên Đồng Văn và đi về phía Bảo Lạc là nơi sinh sống của 17 nhóm dân tộc thiểu số, với những đỉnh núi tổ ong và hẻm núi sâu nhất Đông Nam Á, Mã Pì Lèng. Nhiệt độ có thể giảm mạnh ở những ngọn núi này và những con đường gồ ghề có thể khiến cơ thể bị bầm tím và run rẩy, nhưng cảm giác lo lắng sẽ được bù đắp bởi sự rung động khi trải nghiệm những bức ảnh toàn cảnh hoành tráng nhất Việt Nam.
VƯƠNG QUỐC HANG ĐỘNG PHONG NHA NGOẠN MỤC
Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: CNN
Cách Hà Nội khoảng 560 km về phía Nam là một hệ thống hang động đã thúc đẩy sự phát triển du lịch ở nơi từng là một trong những vùng nghèo nhất Việt Nam.
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng gần đây nổi tiếng với việc phát hiện ra hang động lớn nhất thế giới, hang Sơn Đoòng, và kể từ đó các nhà thám hiểm đã đổ xô đến Phong Nha yên bình. Nhưng khu vực này không chỉ có những hang động khổng lồ.
Ẩn mình giữa những cánh đồng lúa rực rỡ và những dãy núi đá vôi hùng vĩ, Phong Nha và những người dân địa phương thân thiện đầy sức hút đến mức Salem quyết định treo mũ bảo hiểm và coi nơi này nhà trong ba tháng sau chuyến đi đầu tiên.
"Vương quốc hang động" đã từ chỗ tương đối mờ nhạt trở thành một trong những điểm du lịch được du khách ghé thăm nhiều nhất ở Đông Nam Á. Những người dân địa phương thích mạo hiểm đã tận dụng danh tiếng mới hình thành của Phong Nha và tạo ra một loạt các chuyến du ngoạn hấp dẫn.
Hai Nguyen, điều hành một tour du lịch sinh thái địa phương nói với CNN rằng: "Bảo tồn không chỉ là nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng. Đó cũng là việc tạo ra những cơ hội dài hạn mới cho người dân địa phương. Với việc nhiều người quan tâm đến các tour du lịch và môi trường hơn, nhiều việc làm hơn đang được tạo ra cho người dân địa phương".
Ngoài những hang động, Phong Nha là một ốc đảo tuyệt đẹp, yên bình mà không nhàm chán, được mệnh danh là điểm nhấn thực sự của bất kỳ hành trình nào ở Việt Nam.
ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI
Đường mòn Hồ Chí Minh. Ảnh: CNN
Một trong những thành tựu quân sự vĩ đại nhất của thế kỷ 20 là tuyến đường đi xuyên qua khu rừng rậm ở miền Trung Việt Nam, được gọi là Đường mòn Hồ Chí Minh. Chúng là một hệ thống các tuyến đường giao thông ẩn mình xuyên rừng rậm, qua biên giới và thậm chí ra biển.
Ngày nay, hầu hết các phượt đều chọn đi theo tuyến đường này.
Từ Phong Nha, con đường cắt xuyên qua những tán cây, với 240 km ngoằn ngoèo và hẹp. Chỉ có một số ít các khu định cư nằm rải rác trên đường đi, khiến đoạn đường này trở thành một trong những hành trình xa xôi nhất.
Đường cao tốc kết thúc tại Khe Sanh lịch sử. Tham quan bảo tàng ngoài trời rải rác xe tăng, máy bay là một phần không thể thiếu trong chuyến hành trình.
Đoạn đường này đòi hỏi bạn phải tập trung và chuẩn bị nhiều hơn. Một sự cố hoặc tai nạn ở đây có thể làm chậm hành trình của bạn. Nhưng, cuối cùng, điều đó chỉ làm tăng thêm sự hấp dẫn.
LÀNG CHÀI - CHỢ NỔI - SÀI GÒN
Song song với quốc lộ 1 là dải bờ biển tuyệt đẹp.
Đèo Hải Vân nổi tiếng nằm uốn lượn giữa hai thành phố Huế và Đà Nẵng, với các boongke tạo thêm một yếu tố lịch sử cho cảnh quan đại dương.
Chợ nổi Cần Thơ. Ảnh: CNN
Để tránh dòng du khách qua đoạn này, hãy đi về phía nam đến Chí Thạnh, nơi đây có Ghềnh Đá Đĩa và thực hiện một hành trình vượt biển kỳ thú kết thúc ở Quy Nhơn. Nhiều du khách hiếm khi băng qua những con đường trải nhựa nối làng chài và cánh đồng lúa này.
Ở đây những con trâu lững thững sẽ là mối nguy hiểm chính của bạn. Dành một vài ngày thả mình dưới bóng cọ tại bãi biển ven rừng huyền thoại sẽ giúp cơ thể chuẩn bị cho hành trình cuối.
Từ Thành phố Hồ Chí Minh đi về Đồng bằng sông Cửu Long sôi động với nhiều động vật hoang dã và rừng ngập mặn tươi tốt. Ở đây, người dân địa phương sống hòa mình với dòng sông hùng vĩ. Vùng đồng bằng này tạo thành một mê cung gồm những con kênh rạch nhỏ hẹp, tốt nhất nên khám phá bằng thuyền. Ở những khu chợ nổi sầm uất, các tiểu thương bán sản phẩm tươi sống và cá từ trên thuyền của họ.
Rồi lại quay về thành phố Hồ Chí Minh đánh dấu chương cuối cùng của hành trình xuyên Việt bằng xe máy này. Thành phố còn có tên gọi là Sài Gòn, cũng tràn ngập những người háo hức trên hai bánh và đang tìm kiếm hành trình hoàn hảo của họ.
Ngoài phở và cà phê đá, câu chuyện được chuyển giao, chìa khóa được chuyển giao. Chẳng bao lâu nữa, họ cũng sẵn sàng đi về phía Bắc và khám phá những điều kỳ diệu tạo nên đất nước tráng lệ này.