Trái ngược với giai đoạn phục hồi sau đại dịch của năm 2023 khi lượng khách qua cảng hàng không dịp nghỉ lễ 2/9 đạt hơn 410.000 lượt, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2022, trong dịp lễ năm nay, con số này bất ngờ sụt giảm so với năm trước.
Theo báo cáo từ Cục Hàng không Việt Nam, tổng thị trường vận chuyển hành khách qua đường hàng không dịp nghỉ Lễ Quốc khánh đạt hơn 763.000 hành khách, giảm 2% so với cùng kỳ 2023, với 2.700 chuyến bay.
Điểm đặc biệt trong năm nay là vận chuyển hành khách quốc tế tăng 14,5% so với cùng kỳ 2023đạt hơn 406.500 khách trong khi vận chuyển hành khách nội địa lại giảm 15,6%đạt hơn 356.500 khách.
Với riêng các hãng hàng không Việt Nam,tổng sản lượng vận chuyển đạt hơn 531.000 hành khách, giảm 12% so với cùng kỳ 2023 trong đó cóhơn 174.000 khách quốc tế, giảm 3,7%. Vận chuyển hàng hoá đạt hơn 4.300 tấn hàng hóa, tăng 17,8% so với cùng kỳ 2023.
Khách nội địa sụt giảm, du lịch ảm đạm
Hàng không sụt giảm sản lượng kéo theo du lịch cũng ảm đạm. Ngay cả trong dịp nghỉ lễ 2/9 những thành phố du lịch như: Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc cũng không sôi động, đông đúc khách du lịch nội địa như các năm trước.
Theo Sở du lịch Khánh Hoà, trong 4 ngày nghỉ lễ 2/9, tổng lượng khách đến địa phương tham quan, nghỉ dưỡng đạt 578.219 lượt, công suất phòng bình quân của cơ sở lưu trú đạt khoảng 70,86%.
Chia sẻ với chúng tôi, chị B.Mai chủ một nhà hàng tại Nha Trang, cho biết năm nay lượng khách nội địa đến Nha Trang thấp hơn nhiều so với năm trước và các năm trước dịch. "Giá vé máy bay đến Nha Trang đều từ 4 - 5 triệu đồng/vé khứ hồi khiến khách chuyển sang du lịch nước ngoài hoặc đi gần hết rồi. Không chỉ nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ du lịch và cả hàng quán đều rất ế ẩm", chị Mai nói.
Chị Thuỷ, một tiểu thương kinh doanh tại chợ Đầm, Nha Trang cũng cho hay, năm nay kinh doanh chủ yếu nhờ có khách Hàn Quốc chứ du lịch nội địa rất kém. Tuy nhiên, khách Hàn Quốc chủ yếu chỉ sử dụng một số dịch vụ, sản phẩm do có sự khác biệt về văn hoá.
Tương tự, một điểm đến nữa cũng bị đánh giá là kém sôi động hơn các năm trước là Phú Quốc, giá vé máy bay tăng cao cộng thêm từng bị tố chặt chém, các doanh nghiệp lữ hành hiện đang tung ra những chương trình khuyến mại cho Phú Quốc những cũng không mấy hiệu quả.
Phú Quốc không còn cháy phòng dịp 2/9 như mọi năm mà năm nay ghi nhận tình trạng vắng khách Việt. Theo thống kê của Sở Du lịch Kiên Giang, 4 ngày nghỉ lễ 2/9. Kiên Giang ước đón hơn 159.000 lượt khách, công suất phòng trung bình đạt 35%.
Trong đó, TP Phú Quốc ước đón 75.591 lượt, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ khách quốc tế khi Phú Quốc ước được đón hơn 15.500 lượt khách, tăng hơn 170% so với cùng kỳ.
Điểm đến có phần tích cực hơn là Đà Nẵng, do không quá phụ thuộc vào hàng không vì có lượng khách du lịch nội địa bằng ô tô nên trong 4 ngày từ 31/8 đến 3/9, Đà Nẵng đã đón đạt gần 308.000 lượt khách du lịch, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, khách nội địa đạt khoảng 217.000 lượt và khách quốc tế đạt khoảng 91.000 lượt. Tổng thu du lịch trong dịp lễ vừa qua của Đà Nẵng đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Hàng không - du lịch không còn "bền chặt"
Nguyên nhân khiến lượng khách nội địa sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là giá vé máy bay tăng cao. Đây cũng là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong mùa hè năm nay khi nói về hàng không và du lịch. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá vé bị đẩy lên cao, trong đó có thể kể đến việc thiếu hụt tàu bay do sự cố động cơ của Pratt & Whitney, nhu cầu đẩy cao trên toàn cầu hậu COVID-19 hay chi phí nhiên liệu hàng không tăng...
Phía Cục Hàng không Việt Nam cũng nhìn nhận giá vé máy bay của các hãng bay Việt tăng nằm trong xu hướng chung trên thế giới do chịu tác động bởi các nguyên nhân chính gồm: Giá nhiên liệu tăng cao; chênh lệch tỷ giá ngoại tệ; việc triệu hồi động cơ của Nhà sản xuất Pratt & Whitney (PW) tác động đến việc giảm đội máy bay khai thác trên thế giới, việc tiếp nhận các máy bay mới và chi phí bảo dưỡng máy bay dừng khai thác tăng; giá thuê máy bay tăng cao; tình hình cung cầu vận tải hàng không.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận hàng không tăng một phần còn do sự cắt giảm đội bay của nhiều hãng hàng không sau khi "gồng" qua thời gian đại dịch và sau đại dịch. Ngay sau thời gian diễn ra dịch COVID-19 cả hàng không và du lịch đều kiệt quệ, nhưng khi đại dịch kết thúc, "cái bắt tay" giữa hai ngành lại chưa thực sự bền chặt dẫn đến hệ quả là hàng không hụt sức, du lịch cũng hụt hơi.
Còn nhớ ở thời điểm năm 2023, Phú Quốc từng bị tố chặt chém và gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của "đảo ngọc". Ngay sau đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã có cuộc họp cùng đại diện các hãng hàng không, cơ sở lưu trú, lữ hành để tìm giải pháp.
Các doanh nghiệp lữ hành thì cho biết, giá vé máy bay tăng cao khiến du khách chuyển sang các địa điểm khác, trong khi các doanh nghiệp hàng không đổ lỗi Phú Quốc vắng khách là do dịch vụ "chặt chém". Lượng khách đến Phú Quốc năm đó liên tục giảm, các chuyến bay, tàu hiện đến Phú Quốc đều vắng khách. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp đều gặp khó khăn.
Sau đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu các hãng hàng không cần bình ổn giá vé máy bay; doanh nghiệp làm dịch vụ địa phương có cơ chế chính sách phù hợp cùng chia sẻ, vượt qua khó khăn, góp phần kích cầu du lịch Phú Quốc.
Tình trạng hiện nay cũng tương tự, giá vé tăng cao khiến các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch khó khăn nhưng nếu tăng giá sẽ gây hiệu ứng ngược lại càng khiến lượng khách du lịch giảm và ảnh hưởng đến cả hàng không.
Trên thực tế, hàng không và du lịch là hai yếu tố không thể tách rời. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Du lịch - Hàng không Vietravel, xét về du lịch và hàng không thì đây không chỉ đơn thuần là mối quan hệ hợp tác, mà còn là yếu tố quyết định đến sự thịnh vượng và phát triển bền vững của ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của sự liên kết giữa các địa phương trong quá trình phát triển du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, việc liên kết chặt chẽ giữa địa phương, du lịch và hàng không không chỉ giúp tăng cường khả năng tiếp cận của du khách đến các điểm đến, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một hệ sinh thái du lịch bền vững.
Theo ông, các địa phương cần phải tham gia, liên kết, chia sẻ tài nguyên du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch kết hợp giữa các địa phương, xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng du lịch kết nối cũng như thúc đẩy các hoạt động quảng bá và tiếp thị chung.