Ngày 13/9, Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 8,3% so với năm ngoái.
Dù mức tăng không quá nhiều so với tháng trước và cũng đã thấp hơn tương đối so với mức đỉnh hồi tháng 6 (tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021) nhưng mức lạm phát tháng 8 tại Mỹ vẫn cao vượt kỳ vọng của các chuyên gia (dự báo giảm 0,1%).
Sau khi chỉ số CPI tháng 8 được công bố, nhiều nhà đầu tư dự báo gần như chắc chắn về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 21/9.
Dự đoán tăng 0,75 điểm % là khả năng cao, thậm chí một số ý kiến còn cho rằng Fed có thể sẽ nâng lãi suất ở mức cao hơn dự tính là 0,75 điểm %. Theo CNBC, có tới 16% các nhà đầu tư đang đặt cược là Fed sẽ tăng mạnh 1 điểm % vào cuộc họp tuần tới.
Trên Bloomberg, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Nomura cũng phải thay đổi dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 0,75 điểm % lên 1 điểm %, kèm theo nhận định "một lộ trình tăng lãi suất mạnh là cần thiết để đối phó với lạm phát cứng đầu hiện nay".
Việc Mỹ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ được dự báo sẽ tác động đến kinh tế thế giới ở một số phương diện như đẩy mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, tổng cầu hàng hóa và dịch vụ thế giới suy giảm.
Đồng thời, khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác làm cho đồng nội tệ của các nước yếu đi so với USD. Điều này có thể kích thích xuất khẩu nhưng nhập khẩu sẽ đắt hơn, đặc biệt nhập khẩu xăng dầu.
Lãi suất USD tăng cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác để phòng tránh rủi ro và hưởng lãi suất cao.
Ngoài ra, việc tăng lãi suất USD sẽ tác động tiêu cực đến khả năng vay vốn trên thị trường quốc tế của các nước thuộc thị trường mới nổi vì các tổ chức cho vay sẽ đòi trả lãi cao hơn lãi suất khi họ đầu tư an toàn hơn tại Mỹ.
Việt Nam vẫn kiểm soát được các tác động
Trao đổi với người viết, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng khả năng Fed sẽ tăng lãi suất khoảng 0,75 điểm % tại cuộc họp tuần tới là khá chắc chắn, còn mức tăng 1 điểm % thì Fed phải hết sức cân nhắc bởi đó là mức tăng rất lớn, tác động rất mạnh đối với tâm lý nhà đầu tư và doanh nghiệp.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia
Theo ông Lực, dự kiến tuần tới sẽ là lần thứ 3 Fed tăng lãi suất trong năm nay và mỗi lần Fed tăng lãi suất tác động đều thể hiện rất rõ. Theo đó, mặt bằng lãi suất tăng lên, nhất là lãi suất đồng USD. Đồng thời, tỷ giá tăng lên do đồng USD tăng. Ngoài ra, đối với một số quốc gia nghĩa vụ trả nợ cũng bị tăng lên và cuối cùng là hiện tượng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư gián tiếp.
"Rất may với Việt Nam cả bốn tác động này về cơ bản ở mức vừa phải và vẫn trong tầm kiểm soát. Chính vì vậy hy vọng Việt Nam hoàn toàn kiểm soát được lạm phát ở mức khoảng 4% trong năm nay và tỷ giá biến động xoay quanh mức 3%", ông Lực nói.
Về tác động dịch chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, ông Lực cho biết, tại Việt Nam nhà đầu tư vẫn mua ròng trên thị trường chứng khoán dù không nhiều, đâu đó khoảng vài chục triệu USD, song điều này vẫn tốt hơn rất nhiều so với các nước bị bán ròng vài tỷ USD.
Dự báo về lãi suất những tháng cuối năm ông Lực cho rằng lãi suất vẫn đang có xu hướng tăng. Cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều sẽ tăng nhẹ. Lãi suất cho vay về cơ bản sẽ tăng chậm hơn lãi suất huy động và có thể mức tăng không đáng kể vì chỉ đạo chung của Quốc hội, của Chính phủ là phải ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp.
Áp lực tăng lãi suất rất lớn
Trong khi đó, TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá cả, Bộ Tài chính nhận định nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % thì sẽ gây áp lực khá lớn lên chính sách tiền tệ của Việt Nam. Bởi việc Fed tăng lãi suất sẽ tác động đến hai yếu tố. Một là về tiền tệ, sẽ buộc Việt Nam phải tăng lãi suất. Hai nữa Fed tăng lãi suất sẽ làm cho đồng USD tiếp tục đi lên, Việt Nam sẽ ảnh hưởng bởi chính sách tỷ giá hối đoái.
"Hiện nay Việt Nam vẫn chủ trương giữ ổn định cả lãi suất lẫn tỷ giá hối đoái. Thế nên áp lực đó buộc Việt Nam bước vào một giai đoạn khó khăn, là lựa chọn là giữ ổn định lãi suất hay giữ ổn định tỷ giá hối đoái. Điều này sẽ lập tức tác động đến tăng trưởng kinh tế cũng như vấn đề lạm phát của Việt Nam", TS. Vũ Đình Ánh phân tích.
TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá cả, Bộ Tài chính
Vị chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh, áp lực tăng lãi suất của Việt Nam hiện nay rất lớn khi chịu tác động của cả việc Fed tăng lãi suất và đặc biệt là nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp tăng rất cao.
"Mất cân đối giữa huy động và cho vay của Việt Nam hiện nay lên tới 7% nên áp lực rất lớn", ông nói thêm.
Trước đó, tại hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế do Thủ tướng chủ trì, nêu quan điểm về việc Fed tiếp tục tăng lãi suất, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo chắc chắn ngày 21/9 này Mỹ tiếp tục tăng lãi suất. Việc tăng lãi suất suy cho cùng phục vụ cho việc tăng tỷ giá. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục kiên định sự ổn định của tỷ giá.
"Nếu không cho đồng Việt Nam tăng giá thì thôi chứ không để cho đồng Việt Nam giảm giá", ông Phước nói.
Theo ông, việc kiềm chế lạm phát của Việt Nam đạt được như ngày hôm nay có sự đóng góp rất thầm lặng của chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, cùng với ổn định tỷ giá ngăn ngừa sự lan tỏa của lạm phát trên thế giới tới Việt Nam.