Danh mục trái phiếu doanh nghiệp tăng 16% so với đầu năm
Báo cáo mới đây của Chứng khoán KB (KBSV) cho biết danh mục trái phiếu doanh nghiệp củaNgân hàng TMCP Quân Đội (MB - Mã: MBB) đã giảm nhẹ trong quý III nhưng vẫn tăng 16% so với đầu năm.
Trong quý II, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp giảm 662 tỷ đồng xuống còn khoảng 49.000 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn tăng 15,8% so với đầu năm, chủ yếu đến từ trái phiếu đến hạn.
Các khoản đầu tư trái phiếu vẫn đang đem lại lợi suất đầu tư tốt và được đánh giá là nợ nhóm 1. Theo KBSV, MB vẫn có thể đẩy mạnh cho vay mà không phải cắt giảm danh mục chứng khoán đầu tư của mình.
Xoá hơn 2.700 tỷ đồng nợ xấu trong quý III, gấp đôi con số nửa đầu năm
Vào cuối quý III, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của MB giảm về còn khoảng 1,04%, nợ xấu riêng lẻ ngân hàng mẹ là 0,9%. Theo KBSV, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ xấu được cải thiện là do MB đã mạnh tay xóa khoảng 2.760 tỷ đồng nợ xấu ngay trong quý III, gấp đôi con số 1.100 tỷ trong 6 tháng.
Nhờ đẩy mạnh xóa nợ cùng đã thận trọng trích lập trong quá khứ nên ngân hàng chỉ phải trích thêm 814 tỷ đồng dự phòng cụ thể trong quý III (giảm 55,5% so với cùng kỳ). Theo đó, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu giảm xuống 207,7% nhưng vẫn ở mức cao so với các ngân hàng khác.
Tuy nhiên, nợ nhóm 2 duy trì xu hướng tăng nhanh trong quý III, tăng 22,7% so với quý trước tạo nên rủi ro nợ xấu tăng trong thời gian tới.
Đối với tín dụng, tăng trưởng tín dụng sau 9 tháng là 17,1%, quy mô dư nợ tín dụng đạt 475.000 tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng cho vay có sự cải thiện khoảng 2,9% trong quý III nhờ đợt nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Hoạt động tái cơ cấu lại danh mục cho vay với ưu tiên cho vay cá nhân và SME siêu nhỏ vẫn đang đi đúng hướng. Dư nợ cho vay cá nhân tính đến cuối quý III là khoảng 206.000 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm.
Tỷ trọng cho vay cá nhân nhờ đó cải thiện lên mức 48% (năm 2020 là 44%, năm 2021 là 46%) trong khi đó mảng cho vay khách hàng doanh nghiệp tăng trưởng chậm hơn, ở mức 12% so với đầu năm. Từ đó, quy mô dư nợ giảm dần xuống chỉ còn chiếm 45% tổng cho vay (trong những năm trước thường chiếm từ 47-55%).
Do đó, KBSV kỳ vọng chuyển dịch cơ cấu sang cho vay khách hàng cá nhân sẽ tác động tích cực lên tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của ngân hàng.
Cho vay liên ngân hàng là động lực chính của lợi suất đầu ra
Báo cáo của KBSV cho hay lợi suất đầu ra bình quân của MB đã cải thiện khoảng 0,33 điểm % so với quý II, tuy nhiên động lực chính không đến từ hoạt động cho vay khách hàng mà từ cho vay liên ngân hàng.
Cụ thể, lợi suất bình quân từ hoạt động cho vay chỉ tăng nhẹ 0,12 điểm % so với quý trước, đạt 9,03% trong khi lợi suất bình quân tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác lên tới 4,5%, gấp 3,17 lần quý II.
Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng đạt đỉnh trong quý III do sự thiếu hụt trên thị trường 1 cùng việc duy trì số dư tiền gửi liên ngân hàng lớn vào cuối quý II (52.000 tỷ đồng) đã giúp MB thu được 446 tỷ đồng (tăng 187% so với cùng kỳ) từ tiền gửi liên ngân hàng.
Do đó, mặc dù số dư tiền gửi liên ngân hàng chỉ còn khoảng 31.000 tỷ đồng (giảm 39,6% so với quý trước) vào cuối quý III nhưng chuyên gia cho rằng ngân hàng vẫn sẽ nhận được một khoản thu đáng kể trong quý IV do nền lãi suất thị trường 2 vẫn đang duy trì ở mức cao.
Mặt khác, trong quý III, lãi suất đầu vào bình quân của ngân hàng tăng khoảng 0,31 điểm % so với quý trước, lãi suất tiền gửi bình quân chỉ tăng khoảng 0,27 điểm % so với quý trước nhờ tỷ lệ CASA vẫn ở mức cao.
Số dư tiền gửi CASA giảm 11,1% so với quý trước trong quý III xuống còn khoảng 160.000 tỷ đồng. Tiền gửi có kỳ hạn gần như không thay đổi trong 9 tháng và đạt 217.000 tỷ đồng. Từ đó, tỷ lệ CASA giảm còn 41,6% vào cuối quý III.
Theo chuyên gia KBSV, đây là điều phù hợp với thị trường chung trong bối cảnh lãi suất huy động tăng nhanh và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng nên phải sử dụng tiền gửi sẵn có. CASA doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và cá nhân lần lượt chiếm 66% và 34% trên tổng tiền gửi không kỳ hạn.