Hồi cuối tháng 10, sau động thái nâng trần một loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các nhà băng đã đồng loạt cập nhật biểu lãi suất mới, Các "ông lớn" BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank cũng không ngoại lệ. Trong đó, lãi suất các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên) tại nhóm big 4 đã đồng loạt được nâng từ 6,4%/năm lên 7,4%/năm.
Theo cập nhật mới nhất tại ngày 16/11, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12-24 tháng tại " tứ đại ngân hàng" này cũng đã nhích lên và nhìn chung đang ở mức 7,4-8,2%/năm.
Trong đó, VietinBank là ngân hàng có lãi suất cao nhất và là ngân hàng tăng lãi suất đầu tiên trong tháng 11. Cụ thể, lãi suất cho kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng, 18 tháng, 24 tháng đối với hình thức online đang ở mức 8,2%, tăng 0,3% so với đợt niêm yết trước và đang cao hơn 0,8% so với tại quầy.
Ngoài ra, VietinBank còn tăng lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng lên mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước (6%/năm). Lãi suất kỳ hạn 6 - 9 tháng cũng tăng 1,2%/năm lên 7,8%/năm.
Tại BIDV, lãi suất tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 12-24 tháng đang là 7,4%/năm đối với tiền gửi thông thường; 7,6% đối với tiền gửi lãnh lãi cuối kỳ (không rút trước hạn) và 7,9% dành cho tiền gửi online. Bên cạnh đó, nếu gửi trên 500 triệu khách hàng còn có thể được cộng thêm lãi suất và nhận một số quà tặng.
Vietcombank và Agribank vẫn tiếp tục giữ nguyên biểu lãi suất từ. Theo đó, lãi suất tiền gửi của các kỳ hạn từ 12-24 tháng vẫn được giữ nguyên ở mức 7,4%. 2 nhà băng này hiện cũng đang có một số chương trình khuyến mãi và ưu đãi đi kèm để thu hút khách gửi tiền.
Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO Wi Group, việc thay đổi lãi suất của khối NHTM nhà nước thường bị kiểm soát chặt chẽ hơn so với các khối khác. Vì lẽ đó, các ngân hàng này gặp không ít khó khăn về cạnh tranh huy động vốn so với các nhà băng khác. Đây cũng là rào cản lớn với hoạt động của khối này trong thời gian vừa qua. Việc NHNN chấp thuận tăng trần lãi suất huy động kéo theo khối này tăng mạnh lãi suất huy động đầu vào là điều không quá khó hiểu. Khoảng chênh lệch giữa lãi suất các khối ngân hàng thương mại tiếp tục cho thấy áp lực tăng lãi suất động của các NHTM nhà nước vẫn còn hiện hữu trong thời gian tới. Song việc nhóm NHTM nhà nước được "tháo bớt cùm" sẽ kích hoạt nhóm này tăng lãi suất và cạnh tranh về huy động với các khối NHTM khác.