Chứng khoán

JPMorgan: Chứng khoán tuột dốc không phanh cho thấy Mỹ không thể tránh khỏi suy thoái

 

Nhà đầu tư chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Reuters).  

Cảnh báo đỏ

Thị trường chứng khoán Mỹ đang phát đi tín hiệu rõ rệt rằng suy thoái chắc chắn sẽ xảy ra. Đó là kết luận từ mô hình giao dịch chứng khoán được tạo ra bởi các chuyên gia của JPMorgan.

Theo mô hình này, mức giảm 6,5% của chỉ số S&P 500 kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào đầu tháng 9 ngụ ý rằng có đến 92% khả năng Mỹ rơi vào suy thoái. Tỷ lệ này tăng rõ rệt từ mức 51% hồi tháng 8.

Nhiều tài sản khác cũng đang phát đi cảnh báo tương tự. Giá kim loại cơ bản giờ phản ánh nguy cơ suy thoái 96%, tăng từ mức 84% hồi tháng trước.

Sự điều chỉnh giá của mọi loại tài sản tài chính, từ cổ phiếu cho đến trái phiếu Kho bạc và USD, cho thấy các thị trường cuối cùng cũng đã chấp nhận tín hiệu từ giới chức Fed rằng họ sẵn sàng đón nhận nỗi đau kinh tế để hạ nhiệt lạm phát.

Trong hơn một thập kỷ qua, ngân hàng trung ương Mỹ là "người bạn tốt nhất" của thị trường. Nhưng lạm phát cao nhất trong hàng chục năm đã khiến Fed đổi ý và tập trung hoàn toàn vào việc ghìm cương giá cả, bất chấp tổn hại tới giá tài sản.

Ông Emmanuel Cau, Giám đốc đầu tư chứng khoán châu Âu tại Barclays cho biết: “Các ngân hàng trung ương không thể nương tay bởi lạm phát quá cao. Do đó tăng trưởng chậm lại và lãi suất gia tăng là môi trường kém tươi sáng với cổ phiếu”.

 

Suốt nhiều tháng trời, các chuyên gia đã cảnh báo rằng Fed quá chậm chạp trong cuộc chiến chống lạm phát. Sau ba lần tăng lãi suất 75 điểm cơ bản liên tiếp và chuỗi cảnh báo rằng lãi suất sẽ tiếp tục lên cao, thị trường đã bắt đầu phản ánh vào giá nguy cơ Fed đi quá xa.

Kể từ đó, Phố Wall liên tục xảy ra xáo trộn, biến động bủa vây mọi tài sản từ cổ phiếu, trái phiếu cho tới hàng hóa. Cuộc bán tháo đã đẩy lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên 4%, mức cao nhất kể từ năm 2008, và dìm chỉ số S&P 500 xuống đáy sâu trong năm 2022.

Các thước đo về sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu và tiền tệ đã nhảy lên mức cao nhất kể từ giai đoạn đầu đại dịch hồi tháng 3/2020. Duy chỉ có thị trường tín dụng là ít rung lắc. 

Chỉ số MOVE đo lường sự biến động của trái phiếu Kho bạc Mỹ thông qua giá các quyền chọn. 

Tỉnh mộng 

Các nhà đầu tư từng nghĩ rằng Fed sẽ nương tay khi chứng kiến thị trường lao dốc và nền kinh tế chững lại. Tuy nhiên, ông Lewis Grant, nhà quản lý danh mục cấp cao tại Federated Hermes nhận thấy niềm tin này đã không còn.

Cho đến tận tuần trước, nhà đầu tư vẫn còn nuôi hy vọng này sau khi Fed tăng lãi suất và Chủ tịch Jerome Powell hàm ý suy thoái là cái giá phải trả để ghìm cương lạm phát.

Trong số 5 loại tài sản được sử dụng làm thước đo dự báo suy thoái của JPMorgan, duy chỉ có trái phiếu chính phủ cho thấy nguy cơ đang giảm xuống. Lợi suất đang tăng lên, dù suy thoái thường có xu hướng khiến lợi suất sụt giảm.

JPMorgan đưa ra dự báo bằng cách so sánh đỉnh trước suy thoái của nhiều loại tài sản khác nhau và so sánh với đáy của chúng trong thời kỳ kinh tế suy giảm. Dự báo từ các nhà kinh tế khác cũng phản ánh xác suất suy thoái đã tăng từ 40% lên 50%, tờ Bloomberg cho biết. 

Giới chức Fed dự báo lãi suất sẽ đạt 4,4% vào cuối năm nay và leo lên 4,6% trong năm 2023. Điều này đồng nghĩa với việc Fed cần tăng lãi suất thêm 125 điểm cơ bản trong năm nay.

Cuộc bán tháo trong những ngóc ngách rủi ro nhất của thị trường đã trở nên dữ dội hơn trong tuần này sau khi một loạt quan chức Fed cảnh báo về quá trình tăng lãi suất, khiến nhà đầu tư càng lo lắng về suy thoái toàn cầu.

Nhà quản lý danh mục Grant viết: “Fed đang báo hiệu rằng nhà đầu tư sẽ phải chịu đựng thêm nhiều nỗi khổ chứ không chỉ là sự khó chịu đơn thuần. Bằng chứng là Chủ tịch Powell liên tục nhắc đến ‘nỗi đau’. Cụm từ ‘hạ cánh mềm’ sắp lùi vào dĩ vãng giống như ‘lạm phát nhất thời’”.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm