Mất ăn mất ngủ vì ôm nhiều đất
Đang ôm 5 lô đất nền nằm rải khác ở vùng ven Hà Nội và các tỉnh, anh Đỗ Văn Tuấn, nhà đầu tư ở Hà Nội cho biết, anh đang rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, vì đã rao bán suốt thời gian dài nhưng không được.
“Những mảnh đất này được tôi mua từ cuối năm 2021 với tổng giá khoảng 11 tỷ đồng, thời điểm này, được coi là đỉnh giá. Khi mua cơn sốt vẫn diễn ra mạnh mẽ nên tôi tự tin vay đến 5 tỷ đồng. Đến đầu năm vừa rồi, thấy thị trường hạ nhiệt, tôi rao bán 3 lô đi để giải tỏa áp lực, 2 lô còn lại có vị trí đẹp hơn nên giữ lại. Nhưng rao bán suốt 4 tháng vẫn chưa thanh khoản được”, anh Tuấn nói.
Theo anh Tuấn, với số nợ 5 tỷ đồng, mỗi tháng anh phải đóng khoảng 70 triệu đồng cả gốc và lãi. “Nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ vượt khả năng chi trả hàng tháng của tôi, trong khi đó, lãi suất đang ngày một tăng lên. Thời điểm này càng ôm nhiều đất càng lo, nhiều khi tôi cảm thấy mất ăn mất ngủ”, nhà đầu tư này buồn rầu nói.
Thị trường rơi vào cảnh trầm lắng, kém thanh khoản, không chỉ những người sử dụng đòn bẩy cảm thấy khó khăn mà ngay cả những nhà đầu tư sử dụng tiền thật để mua cũng tương tự.
Anh Hoàng Thái, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, hiện anh đang nắm giữ 3 mảnh đất tại vùng ven. Tất cả đều được anh mua vào thời điểm năm 2021, khi thị trường vẫn đang nóng.
“Ba mảnh đất tôi mua với giá 7 tỷ đồng, tất cả tôi đều mua bằng tiền túi và không vay mượn gì. Nhiều người bảo không vay thì lo gì, nhưng nếu quan sát thì chu kỳ của bất động sản rất dài và có độ trễ. Bây giờ, mới chỉ là giai đoạn đầu giảm nhiệt, có thể khoảng 3 - 4 năm nữa mới có thể phục hồi, chưa kể trong khoảng thời gian đấy tôi cần tiền gấp thì cũng không thể xoay sở ở đâu. Nếu bán đi có thể tôi phải cắt lỗ”, anh Thái nói.
Người mua không dám xuống tiền
Giới chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản thời gian qua lên “cơn sốt” chủ yếu là đầu cơ, lướt sóng nhu cầu thực rất ít. Theo đó, thị trường đã được dự báo từ trước đó sẽ nhanh chóng hạ nhiệt.
Ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản cho rằng, đầu tư theo cơn sốt chỉ có khoảng 20% là có tầm nhìn trung và dài hạn, còn lại 80% là đầu cơ với mong muốn lướt sóng kiếm thời.
“Xu hướng lướt sóng khi thị trường nóng sốt hay bắt đáy để chờ thời cơ chỉ dành cho nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm, am hiểu thị trường. Các nhà đầu tư ngã sóng thường là người mới, ít kinh nghiệm, có tâm lý chạy theo đám đông nhưng nắm thông tin chậm và ít kiến thức”, ông Chánh nói.
Theo anh Thanh Tùng, Giám đốc phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội, đa phần là mục đích lướt sóng kiếm lời nên diễn ra tình trạng mua nhanh bán chớp. Thậm chí, những lô đất nằm ở vị trí xấu cũng có giá trị rất cao.
"Thời điểm này, những mảnh đất ở vị trí xấu sẽ khó thanh khoản, còn ở vị trí đẹp nhà đầu tư vẫn có thể giao dịch, nhưng sẽ phải cắt bớt đi một phần lợi nhuận, thậm chí là cắt lỗ. Đối với những mảnh đất ở nơi thuận tiện, dân cư sinh sống, nhà đầu tư có thể đưa vào khai thác cho thuê kinh doanh, tuy nhiên sẽ mất thêm một khoản đầu tư để xây dựng", anh Tùng nói.
Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, không khó để lý giải về tình trạng trên, những đợt "sốt nóng" đã đẩy giá đất ở lên cao hơn rất nhiều giá trị thực và mặt bằng chung, nên thời điểm hiện tại nhà đầu tư không dám bỏ tiền vào nữa. Người dân có nhu cầu để ở cũng không đủ khả năng mua, nên thị trường không có giao dịch.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch Hội đồng quản trị BHS Group cho rằng, hiện tại, sức cầu thị trường đang phân hóa rõ nét. Trong đó, nhu cầu ở thực cao và đầu tư thì phải chọn lọc, do vậy, thúc đẩy các bất động sản phục vụ nhu cầu thực lên ngôi như chung cư, nhà ven đô, bất động sản khu công nghiệp, phụ trợ công nghiệp,...