Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT IPPG, doanh nghiệp muốn đầu tư các hạng mục xã hội hóa đầu tư tại sân bay Phú Quốc, như nhà ga hành khách quốc tế, nhà ga hàng hóa, kho hàng hóa và đường cất hạ cánh.
Đề xuất này dựa trên chủ trương của Chính phủ sẽ kêu gọi hợp tác xã hội hóa một số hạng mục tại sân bay Phú Quốc thời gian tới. Hiện Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Kiên Giang thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
IPPG đã từng tham gia đầu tư xây dựng nhà ga quốc tế, sân bay Cam Ranh với tổng vốn đầu tư 3.735 tỷ đồng và đã đề xuất thành lập hãng hàng không vận tải hàng hòa IPP Air Cargo.
Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân đề xuất nghiên cứu, đầu tư các cảng hàng không như Vietjet muốn đầu tư các sân bay Chu Lai, Cát Bi, Tuy Hòa, Điện Biên. Vingroup muốn đầu tư cảng hàng không Chu Lai. FLC muốn đầu tư vào sân bay Đồng Hới. Công ty T&T đề xuất đầu tư sân bay Quảng Trị.
Sân bay Phú Quốc hiện do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác, có một nhà ga với công suất 2,5 triệu hành khách mỗi năm, đường băng có thể tiếp nhận máy bay B767, B747 – 400 và tương đương. Năm 2019, sân bay Phú Quốc đón khoảng 3,7 triệu hành khách mỗi năm, vượt quá công suất của cảng.