Thời sự

IMF nói về diễn biến "nóng" trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, lưu ý hai vấn đề cần quan tâm

 

Trả lời phỏng vấn báo Chính phủ, Trưởng Bộ phận tại Vụ châu Á và Thái Bình Dương IMF, bà Era Dabla-Norris cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Bên cạnh các khoản vay ngân hàng và tài chính ngân hàng, thị trường TPDN phát triển mạnh thực sự là nguồn tài chính dài hạn quan trọng cho đầu tư và thực sự hỗ trợ triển vọng tăng trưởng của đất nước.

Tuy nhiên, đại diện IMF cho rằng có hai vấn đề cốt lõi cần lưu ý. Đó là một phần quan trọng của các đợt phát hành TPDN thời gian gần đây liên quan đến thị trường bất động sản, và tỷ lệ phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn hơn đáng kể so với trái phiếu phát hành đại chúng.

Trước những diễn biến "nóng" mới đây trên thị trường, IMF rất hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường tính công khai và minh bạch trong các đợt phát hành TPDN nhằm tăng cường điều tiết thị trường và cải thiện tổng thể việc giám sát, từ đó tăng tính minh bạch.

"Điều này thực sự giúp ích cho sự phát triển lâu dài của thị trường TPDN, cải thiện việc bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư nhỏ lẻ khác", bà Era Dabla-Norris nhận định.

Nói về sự phục hồi mạnh mẽ và ấn tượng của kinh tế trong quý I, đại diện IMF cho rằng Việt Nam đạt được kết quả tốt với mức tăng trưởng hơn 5% là nhờ ba yếu tố chính. Đầu tiên là thành tích trong chiến dịch tiêm chủng rất ấn tượng của Chính phủ Việt Nam. Nhờ vào chiến dịch tiêm chủng này, Việt Nam đã có thể chuyển chiến lược sang chung sống với COVID-19, tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế.

Yếu tố thứ hai là nhờ vào các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và các hộ gia đình giảm bớt tác động của đại dịch đối với các. Và yếu tố vô cùng quan trọng nữa là bởi Việt Nam có động lực tăng trưởng rất vững chắc trước đại dịch cùng với sự năng động của doanh nghiệp, người dân.

Thời gian tới, bà Era Dabla-Norrisi kỳ vọng hoạt động xuất khẩu và sản xuất của khu vực chế biến chế tạo tiếp tục là trụ đỡ mạnh mẽ, các hoạt động dịch vụ và tiêu dùng sẽ phục hồi dần nhờ vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

IMF cũng chỉ rõ ba rủi ro chính với kinh tế Việt Nam. Thứ nhất là căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang, có thể đẩy giá hàng hóa nguyên liêu thô lên cao hơn nữa, gây thêm sức ép lạm phát ở Mỹ và ở châu Âu, đồng thời làm giảm cầu đối với xuất khẩu và dịch vụ du lịch của Việt Nam.

"Đồng thời, lạm phát ở Mỹ cao hơn dự kiến dẫn đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ tại quốc gia này, đẩy lãi suất lên cao và có thể tạo ra nhiều biến động hơn trên thị trường tài chính quốc tế và dẫn đến bất ổn định trong đầu tư quốc tế", bà Era Dabla-Norrisi chia sẻ về rủi ro thứ hai.

Cuối cùng, sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc do việc phong tỏa kéo dài có thể khiến giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của các quốc gia lân cận, và làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, IMF tin tưởng việc quyết liệt thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo kế hoạch sẽ hỗ trợ sự chuyển dịch thương mại. Việt Nam đã mở cửa cho các hoạt động kinh doanh và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng.

Xét về dài hạn, bà Era Dabla-Norrisi cho rằng cải thiện trong môi trường kinh doanh, thúc đẩy số hóa, nâng cao kỹ năng của người lao động và rộng hơn là việc đầu tư vào nguồn nhân lực, cải thiện năng suất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là giải pháp hiệu quả để Việt Nam phát triển.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm