Thông tin về tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2), lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, thời điểm hiện tại, chủ đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu huy động hơn 500 mũi thi công trên toàn dự án nhằm tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tổ chức bứt tốc thi công, bám sát kế hoạch đề ra.
Riêng việc di dời hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi thi công dự án, có 53/71 vị trí đã hoàn thành thủ tục thỏa thuận hồ sơ thiết kế đạt 75%, đang tiến hành thi công 33/71 vị trí đạt 47% di dời đường dây 220-500kV.
Đối với các đường dây 110kV và trung hạ áp, có hơn 1.000 vị trí đã hoàn thành thủ tục thỏa thuận hồ sơ thiết kế đạt 92%, đã hoàn thành di dời 17 vị trí, đang tiến hành thi công 197 vị trí đạt 17%.
“Các địa phương cũng đã tổng hợp để trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất các khu vực liên quan đến mỏ vật liệu xây dựng trong tháng 7 để các nhà thầu có thể khai thác vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2023”, Bộ Giao thông Vận tải thông tin.
Trong đó, có 219 mũi thi công cầu, hầm, 315 mũi thi công đường. Tổng số lượng nhân lực được huy động gần 11.000 người (hơn 10.500 công nhân, kỹ sư, 310 tư vấn giám sát) và gần 5.000 máy móc, thiết bị.
Về giải phóng mặt bằng, tính đến nay, 12 địa phương có dự án đi qua đã bàn giao mặt bằng hơn 624km đạt 87%. Phục vụ việc di dời để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án, hiện tại, 38 khu tái định cư đã hoàn thành, có 106 khu đang được xây dựng.
Đề cập đến tình hình triển khai thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng thi công dự án, theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, với sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu, tính đến nay, 9 mỏ đã được khai thác, 26 mỏ đang trong quá trình xác nhận bản đăng ký kế hoạch khai thác (đang triển khai các thủ tục về đất đai).
Một số địa phương như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi đã thực hiện tốt việc xác nhận các thủ tục khai thác vật liệu xây dựng, tạo điều kiện để nhà thầu sớm khai thác.
Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện tại, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã được các chủ đầu tư, địa phương và nhà thầu xác định vị trí, đủ trữ lượng.
Song, một số mỏ còn chưa đủ điều kiện, thủ tục để khai thác, bảo đảm yêu cầu cho công tác triển khai thi công. Trong khi để khai thác được còn phải thực hiện rất nhiều công việc như: thông qua HĐND chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất; xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác; thỏa thuận chuyển nhượng, thuê đất, đền bù hoa màu, tài sản trên đất...
Trước thực trạng đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục khai thác các mỏ vật liệu xây dựng để có thể khai thác cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2023 với các mỏ đã trình.
Đồng thời, khảo sát, đưa thêm các mỏ đáp ứng trữ lượng, chất lượng và thuận lợi về thủ tục đất đai vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án và hoàn thành thủ tục với các mỏ còn lại chậm nhất trong tháng 10/2023. Đây là điều kiện tiên quyết và điểm nghẽn lớn nhất để hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đúng kế hoạch.
Về phía các tỉnh có nguồn vật liệu xây dựng cung cấp dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đề nghị địa phương thành lập tổ công tác gồm: chính quyền địa phương, các Sở: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, các chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định; có chế tài để xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, ép giá, đầu cơ đất khu vực mỏ.
“Các địa phương cũng cần chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện song song, đồng thời các thủ tục trong quá trình thẩm định hồ sơ.Đối với các thủ tục thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND, cần khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục để thông qua trong kỳ họp tháng 7/2023 đối với các mỏ đã trình; trong kỳ họp cuối năm 2023 đối với các mỏ còn lại, bảo đảm hoàn thành toàn bộ thủ tục khai thác mỏ trong năm 2023”, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị.
Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 dài 729km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành gồm các đoạn Hà Tĩnh-Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi-Nha Trang (353km) và Cần Thơ-Cà Mau (109km).
Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, được khởi công đồng loạt vào ngày 1/1/2023, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026; trong đó 12 dự án thành phần này được chia thành 25 gói thầu.