Bất động sản

Hụt hơi đuổi theo giá nhà

Bài 1: Càng chờ giá nhà càng tăng

Nhiều gia đình trẻ từng mơ ước mua căn chung cư ổn định cuộc sống. Thế nhưng, người mua càng ngóng, giá nhà càng tăng, khiến giấc mơ an cư ngày càng xa tầm tay.

Bắt đầu công cuộc tìm mua nhà chung cư từ năm 2020 nhưng đến nay, vợ chồng chị Phạm Thảo Hiền (31 tuổi, quê ở Quảng Xương, Thanh Hoá) vẫn đang ở trọ. Chị Hiền kể, năm 2020, vợ chồng chị, cùng con trai 5 tuổi quyết định rời TPHCM ra Hà Nội định cư để tìm cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt hơn cho ông xã. Với số tiền 1,2 tỷ đồng tích góp được sau 5 năm lấy nhau, vợ chồng chị đặt mục tiêu sẽ vay mượn thêm chút ít tìm mua căn chung cư 2 phòng ngủ có diện tích khoảng vài chục mét vuông để làm tổ ấm. Trong thời gian tìm mua nhà, gia đình chị được em gái cho ở nhờ để tiết kiệm chi phí. “Tôi và ông xã đôn đáo qua nhiều kênh khác nhau, từ sàn bất động sản, môi giới đến nhờ người thân quen, bạn bè giới thiệu để tìm mua căn phù hợp, tuy nhiên, thật sự rất khó khăn. Căn mình ưng thì không đủ tiền, còn căn mình đủ tiền mua lại xa quá, chất lượng nhà kém”, chị Hiền nói.

An cư lạc nghiệp là giấc mơ xa vời của nhiều người lao động. Ảnh: Hồng Vĩnh

Năm 2022, chị được đứa em giới thiệu căn hộ có diện tích 68m2 tại dự án nhà ở xã hội Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Liệt, Hoàng Mai) có giá 1,7 tỷ đồng. Chị Hiền chê đắt, không mua. “Vì tôi được biết, căn nhà ở xã hội này giá gốc chỉ hơn 900 triệu đồng, mà sau mấy năm ở, giờ họ rao bán giá 1,7 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi. Thấy đắt quá nên tôi tạm dừng nghe ngóng, chờ giá giảm”, chị Hiền kể. Nhưng, càng chờ, giá nhà càng tăng. Mấy tháng sau, đứa em lại thông báo căn hộ này có giá 1,9 tỷ đồng và giục “mua đi, không giá lại tăng tiếp”. Chị Hiền bàn với chồng gom tiền để mua nhưng sau đó, chủ nhà lại đổi ý, tăng giá nhà lên.

Cuộc giao dịch thất bại, chị Hiền gửi tiền vào ngân hàng , tiếp tục chờ đợi mong ngóng giá nhà sẽ giảm. Tuy nhiên, giá nhà chỉ thấy tăng phi mã. Tháng 9/2024, căn hộ có diện tích như thế tại khu nhà ở xã hội này được rao bán có giá hơn 3,5 tỷ đồng. “Khi đọc tin, tôi thầm nghĩ chủ nhà “ngáo giá” chăng, nhưng không, chỉ thời gian ngắn sau, căn hộ được bán nhanh gọn. Cầm số tiền ít ỏi trong tay, giấc mơ mua nhà của mình đã xa vời tầm với”, chị Hiền ngậm ngùi. Không thể ở nhờ nhà em gái mãi, mấy năm nay, gia đình chị ra ngoài thuê trọ. “Thu nhập không tăng thêm, trong khi đó, mọi giá cả sinh hoạt, giá nhà đều tăng vọt, nhiều khoản chi, tôi phải lấy tiền tiết kiệm ra tiêu. Số tiền cầm trong tay ngày càng teo tóp, nhà thì không mua được, khó khăn chồng chất. Tôi hoãn kế hoạch sinh con thứ 2, dù tuổi không còn trẻ nữa”, chị Hiền chia sẻ.

Vật vã giấc mơ an cư

Cách đây 3 năm, gia đình chị Nguyễn Thu Uyên, 35 tuổi, bán căn chung cư ở Dương Nội (Hà Nội) để chuyển về khu vực quận Cầu Giấy (Hà Nội), vừa gần chỗ làm, vừa tiện cho việc học của con. Nhưng với số tiền hơn 2 tỷ đồng từ bán nhà và tiết kiệm, tìm đỏ mắt, anh chị không thể mua được căn hộ nào vừa tầm tài chính gia đình. Chồng thường xuyên đi công tác xa nhà, công việc của chị cũng đi sớm về muộn, con cái phải thuê xe ôm đưa đón. Mỗi tháng gia đình chị phải chi gần 10 triệu đồng tiền thuê nhà và thuê xe ôm, chưa kể bao khoản chi phí sinh hoạt, học tập tốn kém khác.

Vất vả, áp lực quá, giữa năm 2022, vợ chồng chị đành chuyển về Văn Giang (Hưng Yên) sống cùng gia đình ông bà ngoại, nghe ngóng thị trường rồi chờ cơ hội mua nhà sau. Hằng ngày, con cái được ông bà ngoại đưa đón đi học trường gần nhà nên chị yên tâm dồn sức làm việc. “Sau nhiều suy tính, vợ chồng tôi quyết định mua chiếc xe ô tô trị giá 600 triệu đồng làm phương tiện đi lại, tranh thủ chở thêm rau, củ quả, gạo từ quê lên Hà Nội bán kiếm thêm thu nhập”, chị Uyên nói. Ngày ngày, cứ 6 giờ sáng, vợ chồng chị lái xe từ Hưng Yên đến phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy làm việc, và thường 7 rưỡi tối mới về đến nhà. Lắm hôm, chồng đi công tác, chị Uyên đành phải bắt xe buýt đi làm.

Giữa năm 2023, biến cố xảy ra - chồng chị rơi vào cảnh thất nghiệp, do công ty phá sản. Chồng không có thu nhập, mức lương 15 triệu mỗi tháng của chị không thể cáng đáng cho cả gia đình. Vào một ngày giữa tháng 7/2024, chị Uyên nộp đơn xin nghỉ việc kế toán ở Cty sau 16 năm gắn bó. “Chúng tôi quyết định di chuyển cả nhà về quê chồng ở Nghệ An bắt đầu cuộc sống mới. Chồng hùn vốn với anh em buôn bán săm lốp ô tô, còn tôi xin làm kế toán ở một Cty. Giấc mơ an cư ở Thủ đô Hà Nội coi như chấm dứt”, chị Uyên nói.

Gia đình anh Đặng Văn Dũng quây quần trong phòng trọ 25m2.

Quay cuồng với giá nhà tăng phi mã từ thuê, đến mua, gia đình anh Đặng Văn Dũng, 32 tuổi (quê ở Bố Trạch, Quảng Bình) tìm thuê phòng trọ ở xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội có diện tích 25m2, giá 2,7 triệu đồng/tháng, chưa kể điện, nước. Anh Dũng chia sẻ, anh cũng từng có ý định về quê để đỡ vất vả nhưng về quê chưa biết làm việc gì, trong khi hai vợ chồng đang có công việc ổn định ở đây, với tổng thu nhập khoảng 23 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2024, vợ anh sinh con thứ 2. Không có tiền thuê ô sin, anh phải nhờ mẹ già 73 tuổi ra trông cháu. “Thực sự nhiều đêm nằm nghĩ thương mẹ đến mất ngủ, tuổi già rồi không được nghỉ ngơi, vẫn phải lọ mọ chăm cháu nhưng cực chẳng đã tôi mới phải làm vậy”, anh Dũng tâm sự.

Anh Dũng cho biết, giờ 2 vợ chồng có sổ tiết kiệm 800 triệu đồng, ông bà nội, ngoại hứa sẽ cho thêm khoảng chừng đó nữa để 2 vợ chồng mua nhà. Nhưng với giá cả tăng như hiện nay, không thể mua được căn nhà nào hợp lý, kể cả ở xa. “Tôi đang ngóng dự án nhà ở xã hội để mua nhưng giờ kiểu như trúng số độc đắc, vì ít quá. Trước đây, tôi cũng làm hồ sơ mua nhà ở xã hội ở Trung Văn, quận Nam Từ Liêm nhưng bốc thăm trượt”, anh kể.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, không có chính sách nhà ở riêng cho người trẻ nhưng đối tượng này thuộc nhóm đối tượng thụ hưởng về nhà ở xã hội. Theo đó, gia đình trẻ công nhân, viên chức có thu nhập dưới 30 triệu đồng/tháng cả 2 vợ chồng được mua nhà ở xã hội. Luật Nhà ở mới quy định, mua nhà ở xã hội đơn giản hóa khi người dân chỉ việc xác minh thu nhập và chưa có nhà ở là đủ thủ tục mua.

Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ này đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu. Theo đó, lãi suất gói vay này thấp hơn gói 120.0000 tỷ đồng đang triển khai.

Ngọc Mai

Cùng chuyên mục

Đọc thêm