Chứng khoán

Chuyên gia VPBankS kỳ vọng sóng nâng hạng đẩy VN-Index lên vùng 1.400 - 1.500 điểm

Tại Chương trình Khớp lệnh - Tài chính thịnh vượng ngày 9/12, ông Trần Hoàng Sơn nhận định VN-Index hiện đang dao động quanh ngưỡng 1.270 điểm. Tuần trước, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có phiên giao dịch bùng nổ cả về thanh khoản và điểm số, qua đó kéo VN-Index trở lại xu hướng tăng ngắn hạn. Tuy nhiên, thị trường cũng đang đến các ngưỡng kháng cự, ví dụ như vùng 1.280 điểm khá gần.

Vì có những ngưỡng cản mang tính chất kỹ thuật, ông cho rằng tuần 9-13/12 thị trường sẽ dao động trong biên độ tương đối rộng, dòng tiền lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ thay vì nhóm cổ phiếu lớn dẫn sóng tuần trước.

Tuần trước, điểm sáng nhất là thị trường phản ứng theo những thông tin tích cực. Vì vậy, nhà đầu tư có thể đang chờ đợi cú hích vào thời điểm cuối năm nay và đầu năm sau để đón sóng tăng trưởng mới. Giai đoạn này vẫn là giai đoạn xây nền để đón sóng tích cực.

Ngày 5/12, tại một sự kiện mới đây có sự tham gia của đại diện FTST Russell, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), đại diện của FTSE đã có những đánh giá về giải pháp loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (Pre-funding) đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

Ông Sơn nhận thấy đây là thông tin có tác động tích cực đến TTCK trong phiên 4/12 và 5/12, là tín hiệu giúp VN-Index vượt qua vùng 1.255 điểm để lên vùng 1.270 điểm trong tuần này.

Nhìn lại bảng tổng hợp tiêu chí đánh giá phân loại thị trường của FTSE cập nhật vào tháng 9/2024. Việt Nam còn một số điểm hạn chế như hạn chế về mặt thanh toán là chi phí về giao dịch thất bại. Trong thời điểm tháng 9, Việt Nam vẫn yêu cầu có đủ chứng khoán trước giao dịch và ký quỹ 100%.

FTSE đánh giá cao triển vọng của Việt Nam khi loại bỏ được yêu cầu ký quỹ trước giao dịch đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và áp dụng ngay từ đầu tháng 11. Tuy nhiên, họ cần thu thập thêm ý kiến của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài trong vài tháng tới để đánh giá hiệu quả và tính ổn định của giải pháp Việt Nam thực hiện.

Giám đốc VPBankS kỳ vọng trong tháng 3/2025 FTSE sẽ có những ghi nhận và báo cáo, nhanh nhất đến tháng 9/2025 TTCK Việt Nam có thể được chính thức nâng hạng. Trong quá trình đó, lượng vốn ngoại lớn sẽ đổ vào TTCK Việt Nam trước từ 6 đến 8 tháng. Đến tháng 3/2025, khi có những đánh giá mới, thị trường có thể ghi nhận khối ngoại mua ròng trở lại rõ ràng hơn.

 Ông Trần Hoàng Sơn. (Ảnh chụp màn hình).

Sóng nâng hạng có thể đẩy TTCK lên những vùng cao mới

Ở khía cạnh kỹ thuật, hiện VN-Index giao dịch quanh 1.200 - 1.300 điểm. Nhiều lần chỉ số điều chỉnh về 1.200 đều kéo dòng tiền lớn chảy vào làm tăng điểm trở lại. Do đó, ông Sơn đánh giá việc nhà đầu tư mua quanh khu vực VN-Index 1.200 điểm thì khả năng lãi cao.

Trong giai đoạn năm 2024 và 2025, TTCK Việt Nam có một số câu chuyện như nâng hạng, giải ngân đầu tư công, để thúc đẩy nền kinh tế phát triển các chính sách gỡ khó cho thị trường bất động sản tiếp tục được triển khai.

Nhìn lại lịch sử TTCK Việt Nam trong 20 năm qua, VN-Index tăng mạnh khi có câu chuyện lớn. Như 2005 - 2027, Việt Nam gia nhập vào WTO đã thu hút được 2 - 3 tỷ USD. Giai đoạn sóng thoái vốn Nhà nước năm 2016 - 2018 đã hút được lượng tiền lớn từ nước ngoài. Giai đoạn thứ ba gắn liền với tiền rẻ, được gọi là sóng Covid (năm 2020 - 2022). Vị chuyên gia kỳ vọng làn sáng tăng thứ 4 sẽ gắn liền với câu chuyện tăng trưởng kinh tế và nâng hạng thị trường (2025 - 2026).

VN-Index năm 2024 đã xây nền quanh 1.200 - 1.300 điểm. Trong nhiều tháng trở lại đây, nhìn các bộ nến có nét tương tự các giai đoạn tích lũy 2015 - 2016.

Những thay đổi về mặt chính sách trong lĩnh vực chứng khoán như Luật Chứng khoán sửa đổi, sự thay đổi về mặt cơ cấu giao dịch, chu kỳ thanh toán và sắp tới là thanh toán bù trừ đối tác trung tâm.

“Tôi kỳ vọng con sóng nâng hạng lên thị trường mới nổi (emerging market) sẽ giúp VN-Index tăng lên vùng cao mới. Nhà đầu tư mua ở vùng 1.200 – 1.240 điểm và cầm trung, dài hạn thì khả năng cao chốt lời ở vùng 1.400 - 1.500 trở lên”, ông Sơn nhận định.

Ba thông tin đáng chú ý trong tháng 12

Trong tháng 12, theo vị chuyên gia có ba thông tin đáng chú ý. Thứ nhất là công bố kết quả giải ngân 2024 và kế hoạch 2025. Năm 2024, tính đến tháng 9, giải ngân đầu tư công chưa đạt như kế hoạch trong khi nhu cầu còn lớn. Đầu tư công có vai trò rất lớn trong thúc đẩy kinh tế năm 2025 nên kế hoạch giải ngân được đưa ra rõ ràng tác động tích cực với thị trường nói chung và nhóm đầu tư công nói riêng.

Thứ hai là các biện pháp hỗ trợ ngành bất động sản có thể được thông qua. Đây là ngành lớn và trong hai năm vừa rồi gặp khó khăn, Chính phủ và cơ quan bộ ngành đang nỗ lực tháo gỡ.

Nếu có những gói hỗ trợ về mặt dòng tiền, chính sách thì bất động sản qua đáy, giao dịch tăng nhanh và giá phục hồi rõ ràng. Thị trường bất động sản trong nước hiện giờ chỉ còn một khó khăn là thiếu hàng. Ông mong rằng trong năm 2025 những khó khăn có thể được giải quyết, để doanh nghiệp bất động sản yên tâm giải ngân và cung ứng hàng cho nền kinh tế.

Thứ ba là cuộc họp Fed giữa tháng 12. Giới đầu tư kỳ vọng Fed giảm thêm 25 điểm cơ bản và công bố lộ trình lãi suất cho cả năm 2025. Quyết định của Fed ảnh hưởng rất nhiều thị trường tài chính toàn cầu, xu hướng lãi suất, giá cả các mặt hàng hóa, đặc biệt là xu hướng của USD. Nếu Fed hạ lãi suất, xu hướng USD có thể hạ nhiệt và giải quyết vấn đề tỷ giá lên các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm