Kết thúc năm 2022, Tập đoàn FPT của đại gia Trương Gia Bình ghi nhận doanh thu thuần 44.010 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.662 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,4% và 20,9% so với năm 2021.
Báo cáo tài chính kiểm toán 2022 của FPT mới công bố đã hé lộ mức lương của dàn lãnh đạo Tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam.
Cụ thể, trong năm vừa qua tiếp tục có 3 lãnh đạo của FPT không hưởng thù lao là Chủ tịch Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Bùi Quang Ngọc và ủy viên HĐQT Đỗ Cao Bảo.
Trong 3 ủy viên HĐQT mới được bầu trong Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, bà Trần Thị Hồng Lĩnh nhận thù lao 270 triệu đồng, khoảng 30 triệu đồng/tháng còn ông Hampapur Rangadore Binod và ông Hiroshi Yokotsuka nhận thù lao gần 1,8 tỷ đồng, khoảng 195 triệu đồng/tháng, mức lương cao nhất trong các ủy viên HĐQT.
Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa đang sở hữu khối tài sản hơn 200 tỷ đồng
Thù lao của trưởng ban Ban kiểm soát của FPT, Nguyễn Việt Thắng là 614,4 triệu đồng/năm, tương đương 51,2 triệu đồng/tháng, con số này bằng với năm 2021. Tương tự, thành viên BKS là ông Nguyễn Khải Hoàn cũng nhận thù lao bằng năm ngoái là 316,8 triệu đồng/năm, tương đương 26,4 triệu đồng/tháng.
Còn thành viên BKS mới là bà Dương Thùy Dương nhận thù lao 237,6 triệu đồng trong năm qua, tương đương 26,4 triệu đồng/tháng.
Theo công bố, những thành viên trong ban điều hành FPT là người hưởng lương cao nhất. Trong đó, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa nhận lương 4,16 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2021, tương đương 346,7 triệu đồng/tháng.
Phó TGĐ Nguyễn Thế Phương nhận lương 3,25 tỷ đồng/năm, tăng 250 triệu đồng so với năm 2021, tương đương gần 271 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, Phó TGĐ Hoàng Việt Anh nhận lương 2,6 tỷ đồng/năm, tăng 200 triệu so với năm liền trước, tương đương 216,7 triệu đồng/tháng.
Theo số liệu được công bố, kế toán trưởng Hoàng Hữu Chiến nhận lương 1,82 tỷ đồng/năm tương đương 151,7 triệu đồng/tháng. Bà Mai Thị Lan Anh được ủy quyền phụ trách Quản trị và Công bố thông tin từ ngày 18/4 nhận lương 572 triệu đồng trong năm qua.
Bên cạnh khoản lương và thưởng, thu nhập của lãnh đạo FPT còn đến từ cổ phiếu ESOP. Theo đó, từ năm 2015 đến nay FPT đều phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ công nhân viên. Trong năm 2022, 3 người được nhận ESOP cao nhất năm qua đó là Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa và 2 Phó Tổng giám đốc Hoàng Việt Anh và Nguyễn Thế Phương.
Trong đó, ông Nguyễn Văn Khoa được nhận 937.174 cổ phiếu, ông Hoàng Việt Anh được nhận 620.030 cổ phiếu và ông Nguyễn Thế Phương được nhận 833.602 cổ phiếu.
Với giá phát hành là 10.000 đồng/cp trong khi thị giá hiện tại của FPT là 80.600 đồng/cp (kết phiên ngày 9/3), ước tính thu nhập từ cổ phiếu ESOP của ông Khoa đang hơn 66 tỷ đồng, gấp gần 16 lần tiền lương. Thu nhập từ ESOP của ông Hoàng Việt Anh và Nguyễn Thế Phương lần lượt là 43,8 tỷ đồng và 58,9 tỷ đồng, gấp hơn 16 và hơn 18 lần tiền lương 2 lãnh đạo FPT được hưởng trong năm vừa qua.
Với gần 1 triệu cổ phiếu ESOP được nhận trong năm 2022, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa nâng tỷ lệ sở hữu của mình tại FPT lên hơn 2,475 triệu cổ phiếu. Tính theo giá thị trường khối tài sản của Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 200 tỷ đồng.
Trong khi đó, Chủ tịch Trương Gia Bình tiếp tục là người giàu nhất tại FPT khi đang trực tiếp nắm giữ hơn 76,7 triệu cổ phiếu, khối tài sản vị Tiến sĩ 67 tuổi đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 6.100 tỷ đồng.
Theo báo cáo kiểm toán của FPT, tổng số nhân viên của tập đoàn tại ngày 31/12/2022 là 42.408 người, tăng 14% so với cuối năm 2021. Chi phí nhân viên trong năm 2022 của FPT đạt 18.798 tỷ đồng, tương đương thu nhập bình quân mỗi tháng của nhân viên FPT là gần 37 tỷ đồng.