Anh Dũng, ngụ Quảng Trị, ba năm trước được bác sĩ chỉ định phẫu thuật thay khớp nhưng từ chối. Hiện khớp háng của anh đau dữ dội, gây mất ngủ, mệt mỏi, suy nhược, không thể thực hiện các tư thế thông thường như đi lại, leo cầu thang, ngồi xổm, bắt chéo chân...
Kết quả chụp MRI tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy tình trạng hoại tử chỏm xương đùi ở hai chân của anh Dũng tiến triển đến giai đoạn cuối, xuất hiện nhiều gai xương, gây cứng khớp, co rút cơ. Hai thành phần khớp háng tự nhiên là ổ cối và chỏm xương đùi của người bệnh đều biến dạng.
"Rất nhiều người bệnh ngại thay khớp sớm như anh Dũng khiến bệnh tăng nặng, đau kéo dài", ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng quát, nói, thêm rằng trường hợp hoại tử chỏm xương đùi nặng và phải thay cả hai khớp háng ở độ tuổi trẻ như anh Dũng ít gặp.
Theo bác sĩ Học, anh Dũng bị hoại tử chỏm xương đùi vô căn, tức không có nguyên nhân cụ thể. Những yếu tố khác thúc đẩy bệnh như hút thuốc lá, nhiễm xạ, dùng thuốc giảm đau kháng viêm steroid kéo dài, bệnh lupus, bia rượu, bệnh hồng cầu hình liềm... Nếu anh Dũng tiếp tục trì hoãn phẫu thuật thúc đẩy khớp tổn thương nặng nề hơn, nguy cơ tàn phế, ảnh hưởng đến cột sống và nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Kết quả chụp MRI cho thấy khớp háng hai bên của người bệnh bị tổn thương nghiêm trọng. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ Học dùng phần mềm TraumaCad định vị khớp háng và hệ thống chụp X-Quang trong phẫu thuật C-Arm để kiểm tra vị trí đặt khớp chính xác, đảm bảo loại bỏ hết gai xương, giải quyết tình trạng cứng khớp. Sau đó, anh Dũng được thay khớp háng nhân tạo và cân bằng lại chiều dài hai chân. Hai khớp háng được thay cách nhau một tuần bằng đường mổ SuperPATH. Đây là kỹ thuật bảo tồn tối đa các nhóm cơ, điểm bám quan trọng của bao khớp nên giảm đau và giảm mất máu hiệu quả. Người bệnh có thể sớm tập phục hồi chức năng, nhanh chóng khôi phục khả năng vận động, trở lại với sinh hoạt thường ngày.
Ngày đầu sau phẫu thuật, anh Dũng không còn đau, đi lại thoải mái, có thể thực hiện nhiều động tác mà 7 năm qua không làm được. Anh tập phục hồi chức năng theo lộ trình riêng giúp kiểm soát cơn đau hiệu quả, tăng sức mạnh cơ, cải thiện dáng đi, tăng cường khả năng di chuyển và tự thực hiện những công việc hằng ngày. Bác sĩ tiên lượng sau khi phục hồi, khớp háng nhân tạo có cảm giác gần như khớp háng tự nhiên.
Theo bác sĩ Học, trung bình khớp háng nhân tạo có tuổi thọ khoảng 20-25 năm. Nếu người bệnh có lối sống khoa học, phòng ngừa loãng xương tốt, tuổi thọ khớp còn kéo dài hơn.

Anh Dũng đi lại thoải mái ngay ngày đầu tiên, sau ca phẫu thuật khớp háng thứ hai. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Hoại tử chỏm xương đùi xảy ra khi mạch máu chính nuôi dưỡng khớp háng bị chèn ép hoặc tổn thương, làm thiếu máu nuôi dưỡng xương và sụn ở khu vực này, dẫn đến hoại tử. Theo bác sĩ Học, trước đây người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhưng bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Nguyên nhân có thể do thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, chấn thương hoặc điều trị các bệnh lý liên quan đến khớp háng không đúng cách.
Nếu không điều trị kịp thời, hoại tử chỏm xương đùi có thể dẫn đến tàn phế và ảnh hưởng chức năng cột sống. Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường ở khớp háng như đau, hạn chế vận động, người bệnh nên sớm đi khám. Ở giai đoạn đầu, bệnh có thể được dùng thuốc, tập phục hồi chức năng... Khi bệnh tiến triển nặng, đã có chỉ định phẫu thuật, người bệnh nên sớm điều trị, tránh nguy cơ tàn phế. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các phương pháp phẫu thuật hiện đại như SuperPATH, ABMS, ADD... có đường mổ nhỏ, bảo tồn cơ tối đa, ít mất máu nên người bệnh nhanh khôi phục vận động, có thể đi lại sau mổ 1-2 ngày.
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |