Theo thống kê Của Cục viễn thông, từ 1/4 hết ngày 13/4, khoảng 473.000 thuê bao đã đi cập nhật và hoạt động bình thường trở lại. Số này chỉ chiếm 28,3% trong tổng số 1,67 triệu thuê bao bị khóa một chiều từ ngày 31/3 do thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Viễn thông, -Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết ước tính đến 15/4, vẫn còn 1,2 triệu thuê bao chưa đi chuẩn hóa và sẽ bị khóa hai chiều theo đúng lịch đã quy định.
"Đã khóa một chiều từ 1/4 mà chủ thuê bao vẫn không cập nhật thông tin, rất có thể đây đều là sim đang không được sử dụng, sim rác, hoặc chủ sim không có nhu cầu dùng nữa", một chuyên gia về viễn thông nhận định.
Ngoài ra, một lý do khác là nhiều người dùng chưa tiếp cận được dịch vụ, như người già, đi nước ngoài thời gian dài, ở vùng sâu vùng xa. Các nhà mạng đang tiếp cận để hỗ trợ những khách hàng này chuẩn hóa và duy trì liên lạc.
Hai tuần qua, số thuê bao đi chuẩn hóa không nhiều. Ví dụ, VinaPhone cho biết khoảng 530.000 trong tổng số 1,1 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa đã cập nhật dữ liệu trong tháng 3. Còn từ đầu tháng 4 tới nay, nhà mạng này chỉ ghi nhận thêm 70.000 sim chuẩn hóa, tức vẫn còn hơn 400.000 sim bị khóa.
Sau khi khóa hai chiều, chủ thuê bao sẽ phải mang giấy tờ ra điểm giao dịch của nhà mạng để thay đổi thông tin, trước khi bị thu hồi số trong vòng 30 ngày nữa.
Theo đại diện Cục Viễn thông, đợt chuẩn hóa chỉ nhắm đến những thuê bao có thông tin không khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những trường hợp sử dụng sim không chính chủ, sim đăng ký bằng giấy tờ cũ như chứng minh nhân dân nhưng khớp với cơ sở dữ liệu sẽ không thuộc diện phải cập nhật. Tuy nhiên, Cục khuyến khích người dùng chủ động kiểm tra thông tin, đăng ký sim chính chủ, chuyển sang số CCCD để có đầy đủ quyền lợi.
Tại cuộc họp sáng 7/4, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định 2023 là năm dẹp sim rác. Sau chuẩn hóa thuê bao, nhà mạng sẽ tiếp tục triển khai quá trình xác minh sim chính chủ.