Evia - hòn đảo lớn thứ 2 của Hy Lạp từng được ví là thiên đường nơi hạ giới với cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ. Vậy mà mùa hè năm 2021, Evia là lại tâm chấn của các vụ cháy rừng thảm khốc ở khu vực Địa Trung Hải.
Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng đã thiêu rụi khu rừng rậm rạp ở phía bắc của Evia, lấy đi tất cả niềm hy vọng về cuộc sống của hàng nghìn người dân. Anh Giorgos Anagnostou, 38 tuổi đã dành 20 năm để làm công việc lấy nhựa cây, nuôi sống chính mình.
Nhưng rồi trong mấy năm trở lại đây, anh nhận ra khu rừng trên đảo Evia ngày một khô hơn, lá thông chất đống trên nền đất khô cằn để rồi thổi bùng lên trận hỏa hoạn dữ dội.
Evia từng là hòn đảo thiên đường của Hy Lạp.
Cuộc sống đảo lộn hoàn toàn
Các vụ cháy rừng vào mùa hè năm ngoái đã phá hủy hơn 50.000 ha rừng và hơn 300 ngôi nhà. Phần lớn cư dân trên đảo kiếm sống nhờ những khu rừng già nơi họ thu gom nhựa thông, nuôi ong để sản xuất mật ngọt và làm nông.
Khu rừng bị thiêu rụi đồng nghĩa với việc họ mất đi kế sinh nhai. Anh Anagnostou đến từ ngôi làng Kourkouloi, nép mình sâu trong khu rừng đã cháy sém hết. Ngôi làng chỉ có thể tồn tại bằng cách thu thập nhựa thông để bán cho nhà sản xuất.
Evia ngày trước tràn ngập sắc xanh.
Thanasis Agiasofitis, một cư dân trên đảo cho hay anh và những người thu gom nhựa thông khác đã phải tính đến chuyện tìm công việc khác: "Chúng tôi phải nuôi sống cả gia đình. Chúng tôi không thể ngồi chờ cho cây cối phát triển trở lại".
Kostas Christodoulou, một nông dân 70 tuổi nói rằng ngọn lửa đã cướp đi tất cả đàn cừu 400 con của ông. Đó là tài sản mà cả đời ông tích cóp được. Ông Kostas sống sót nhờ vào việc chui trong một hang động nhỏ: "Tôi chưa bao giờ thấy đám cháy nào khủng khiếp như vậy. Nó sẽ kết thúc cuộc sống của chúng tôi".
Trận hỏa hoạn kinh hoàng đã làm đảo luộn cuộc sống của người dân.
Bà Zoe Chalasti cũng nằm trong số những người dân chịu thiệt hại nghiêm trọng từ vụ cháy. Bà và chồng đã mở một tiệm bánh trong 38 năm nhưng giờ nó đã biến thành than.
"Chúng tôi không có đủ khả năng để xây dựng lại từ đầu", bà Zoe Chalasti chia sẻ trong khi cầm lấy những khay bánh đã cháy đen.
Bà Zoe Chalasti đứng thất thần trong cửa hàng bánh bị thiêu rụi hoàn toàn.
Evia từ là nơi sản xuất mật ong ngon nhất của Hy Lạp. Những chiếc hũ đựng mật ong vẫn còn nhưng các tổ ong trên đảo thì không. Bà Zoe Chalasti chia sẻ thêm: "Những con ong của chúng tôi đã không còn, cây cối cũng bị thiêu cháy hết. Tôi đang không biết mọi người sẽ vượt qua hoàn cảnh này như thế nào. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?".
Cậu bé 11 tuổi Kostas Steffos cũng tự hỏi mình câu hỏi tương tự khi đạp xe qua ngôi nhà bị cháy. Vụ hỏa hoạn đã cướp đi căn nhà của ông bà nội cậu bé. Việc mất đi khu rừng xanh tốt đối với Kostas Steffos giống như là nỗi đau mất đi người thân vậy.
Kostas Steffos đứng bên cạnh cha mình.
Cậu bé cùng các bạn thường chơi trốn tìm trong các cánh rừng và đặt tên cho những cái cây giống như thể chúng là con người vậy. Kostas đã giúp cha mình cứu đàn cừu của gia đình trong trận hỏa hoạn. Cậu bé không sợ hãi nhưng đã rơi nước mắt vì mọi thứ bỗng chốc biến thành màu đen u buồn.
Tại ngôi làng ven biển Limni, vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi những ngọn đồi tươi tốt. Đây là nơi thu hút rất nhiều khách du lịch đến để nghỉ dưỡng nhưng giờ đó mọi thứ không còn như xưa nữa.
Cô Athina Zioga đã chuyển đến Limni vài năm trước cho biết nơi đây từng có những tán cây xanh tươi mát, có thể nghe thấy tiếng chim hót và những làn gió mát rượi thổi qua. Nhưng giờ cô chẳng còn nghe thấy tiếng gì nữa. Cô cho hay: "Mọi thứ đều cháy đen như than và có mùi nồng nặc. Tôi ghét nó".
Anh Giorgos Anagnostou đã sinh ra và lớn lên ở làng Kourkouloi bình dị trên đảo Evia. Sau vụ hỏa hoạn, anh đi bộ lên một ngọn núi quen thuộc từ khi còn là một cậu bé để nhìn quang cảnh xung quanh.
Anh thở dài đầy tiếc nuối: "Đây từng là thiên đường và bây giờ nó là địa ngục".
Anh Giorgos Anagnostou đau buồn vì thảm họa thiên nhiên đã làm thay đổi cuộc sống của hòn đảo.
Hồi sinh chậm chạp
1 năm sau trận thảm họa ấy, hòn đảo Evia vẫn chưa thể lấy lại dáng vẻ như xưa. Những thảm cỏ xanh đang mọc trên những sườn núi cháy đen và tiếng chim hót đã trở lại.
Nhưng các chuyên gia cho biết, hòn đảo này phải cần ít nhất 2 thập kỷ để phục hồi các cánh rừng và đồng cỏ. Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng thời tiết khắc nghiệt và những trận hỏa hoạn sẽ càng trở nên phổ biến hơn do sự nóng lên của toàn cầu.
Người dân được khuyến khích trồng những loại cây chịu được nhiệt và khả năng sinh tồn cao. Mặc dù vậy, Elias Apostolidis, người có công ty tham gia vào kế hoạch tái thiết rừng cho biết phải cần 20 - 25 năm để rừng được phục hồi với điều kiện khu vực này không có hoạt động chăn thả và không bị cháy nữa.
Thảm thực vật ở Evia đang hồi sinh.
Mặc dù vậy, một bộ phận người dân không thể tỏ ra lạc quan về một tương lai tốt đẹp hơn. Giannis Dimou, một người chăn cừu 66 tuổi, đã mất hơn 60 con hiện chỉ còn là một chục con để nuôi sống qua ngày. Với ông, tương lai phía trước rất mờ mịt: "Tôi không đủ sống với rất ít con vật còn lại. Chúng tôi đang rất chật vật".
Evia từng là hòn đảo sản xuất 40% sản lượng mật ong của Hy Lạp nhưng hiện tại nó không thể nào lấy lại được hào quang như xưa.
Một người dân cho biết: "Những người nuôi ong trong khu vực đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, họ sẽ không thể lấy mật ong từ những khu vực bị cháy trong nhiều năm sắp tới. Họ buộc phải chuyển đi nơi khác nhưng không ai biết chắc họ sẽ làm gì để kiếm sống".
Thị trưởng thành phố Limni vào đầu năm nay cho biết 35% dân số đang thất nghiệp, họ đang phải sống nhờ vào viện trợ ít ỏi từ nhà nước. Có lẽ phải mất rất nhiều năm nữa người dân trên đảo Evia mới có thể lấy lại cuộc sống bình thường như trước đây.
Phải mất ít nhất 2 thập kỷ nữa Evia mới về trạng thái như ban đầu.
Nguồn: NPR, Gridlog News