Tài chính

Hơn 50 năm đã trôi qua, vì sao sứ mệnh mới của NASA vẫn "vật vã" chưa thể trở lại Mặt Trăng?

Artemis là nữ thần săn bắn trong thần thoại Hy Lạp - em gái song sinh của Apollo, thần Mặt Trời. Trong truyền thuyết, 2 người gần như ngang tài ngang sức và chẳng kém cạnh nhau ở khía cạnh nào.

Vũ trụ khó lắm, phải đâu chuyện đùa?

Nhưng khi được đặt tên cho các chương trình Mặt Trăng của NASA, 2 cái tên đó không còn được tương đồng đến vậy. Dù "sinh sau đẻ muộn" hơn 5 thập kỷ, Artemis của NASA vẫn chưa thể đạt được kỳ tích năm xưa mà Apollo đã hoàn thành.

Trong sứ mệnh quay trở lại vệ tinh tự nhiên của Trái Đất lần này, NASA đã vô cùng hào hứng với những kế hoạch hoành tráng cùng sự góp mặt của người nổi tiếng. Tuy nhiên, đáp lại sự kỳ vọng, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ đã phải hoãn lịch phóng tới 2 lần chỉ trong vòng 5 ngày, vì cùng một lỗi là rò rỉ nhiên liệu.

Hơn 50 năm đã trôi qua, vì sao sứ mệnh mới của NASA vẫn vật vã chưa thể trở lại Mặt Trăng? - Ảnh 1.

Hình ảnh tổ hợp tên lửa Artemis vào nỗ lực phóng đầu tiên hồi cuối tháng 8.

Mới đây, theo CNN, lịch phóng mới nhất đã được dời lại đến ngày 27/9. Quá tam ba bận, nếu lần tới này vẫn không thành công, những người tin vào thuyết âm mưu "vụ đáp lên Mặt Trăng là giả" sẽ càng có thêm cơ hội ăn mừng. Trong trường hợp hệ thống phóng không gian (SLS) bị đưa hoàn toàn khỏi bệ phóng nhằm sửa chữa sâu hơn, cửa sổ phóng sẽ tiếp tục bị lùi đến 17-31/10.

Và đây chỉ là sự kiện mới nhất trong một chuỗi dài những sự trì hoãn kể từ năm 2010 - khi kế hoạch là bỏ qua Mặt Trăng và đi thẳng lên sao Hỏa. NASA cũng đã bị chỉ trích do công tác quản lý yếu kém của các nhà thầu tư nhân trong suốt quá trình của dự án, dẫn đến chậm trễ.

Tất cả những điều này đặt ra câu hỏi: Tại sao ngày nay việc đưa một tên lửa lên Mặt Trăng lại khó đến vậy? Các sứ mệnh Apollo đã diễn ra cách đây nửa thế kỷ và chứng kiến nhiều thành công hơn khi đưa các phi hành gia lên bề mặt Mặt Trăng mặc dù thực tế là họ đã sử dụng công nghệ từ thời "ông bà anh".

Hơn 50 năm đã trôi qua, vì sao sứ mệnh mới của NASA vẫn vật vã chưa thể trở lại Mặt Trăng? - Ảnh 2.

20/7/1969, Neil Armstrong trở thành người đầu tiên bước chân trên Mặt Trăng.

Vào thời điểm đó, các thiết bị máy tính được sử dụng đưa con người lên thăm "chị Hằng" còn không mạnh bằng một góc chiếc smartphone hay máy tính bạn đang sử dụng đọc bài viết này.

Sự khập khiễng càng rõ rệt khi Artemis mang danh một con tàu công nghệ đỉnh cao là Orion với mục tiêu đi lên sao Hỏa, hệ thống SLS là tên lửa lớn nhất từng được làm ra, thế mà nó vẫn chỉ là vụ phóng thử nghiệm, không người lái.

Chuyện gì đã xảy ra?

John Logsdon, giáo sư danh dự về chính sách không gian tại Đại học George Washington, nói với The Daily Beast: "Công việc đưa SLS lên khỏi mặt đất phức tạp hơn rất nhiều so với việc phóng các sứ mệnh Apollo. Bạn phải làm mọi công việc từng liên quan đến sứ mệnh Apollo và đồng thời xử lý nhiên liệu hydro lỏng".

Một con tàu "chắp vá"

Nhiên liệu hydro mà Logsdon đề cập đến chính là thứ khiến 2 nỗ lực phóng vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua phải hoãn. Vấn đề nằm ở chỗ hydro là nguyên tố nhẹ nhất và có nguyên tử nhỏ nhất trong vũ trụ mà chúng ta biết. Điều đó đồng nghĩa tên lửa có trọng tải nhẹ hơn, dẫn đến hiệu quả phóng cao hơn. Tuy nhiên, nó cũng dẫn đến các vấn đề lớn hơn - cụ thể là rất dễ thoát ra khỏi bất kỳ khe hở hoặc vết nứt nào.

Hơn 50 năm đã trôi qua, vì sao sứ mệnh mới của NASA vẫn vật vã chưa thể trở lại Mặt Trăng? - Ảnh 3.

Trong cả 2 nỗ lực phóng trước, hydro lỏng bắt đầu rò rỉ gần một công cụ được gọi là bộ phận ngắt kết nối nhanh giúp cung cấp nhiên liệu cho SLS. Bản thân điều này không phải là vấn đề lớn nếu chỉ là một lượng nhỏ rò rỉ.

Tuy nhiên, số lượng bị rò rỉ cao hơn "2 hoặc 3 lần" so với mức NASA dự trù, giám đốc sứ mệnh của Artemis 1, Mike Sarafin cho biết trong một tuyên bố của Ars Technica. "Mỗi khi chúng tôi nhìn thấy một vết rò rỉ, nó đã nhanh chóng vượt quá giới hạn dễ cháy của chúng tôi".

So sánh với sứ mệnh Apollo, vốn sử dụng tên lửa Saturn V để lên vũ trụ, hệ thống phóng đó sử dụng một loại nhiên liệu "về cơ bản là nhiên liệu máy bay" Logsdon giải thích. "Đó là một dạng dầu hỏa dùng làm chất đẩy".

Lý do NASA sử dụng hydro lỏng mặc dù rất khó xử lý liên quan đến thiết kế của SLS: Hệ thống động cơ đẩy lõi của nó được chế tạo bằng cách "tái chế" các bộ phận cũ và đã qua sử dụng từ chương trình Tàu con thoi, loại tàu vũ trụ NASA đã phóng từ năm 1981 đến năm 2011. Đã hơn 10 năm kể từ khi nó kết thúc.

Hơn 50 năm đã trôi qua, vì sao sứ mệnh mới của NASA vẫn vật vã chưa thể trở lại Mặt Trăng? - Ảnh 4.

Trước đây, các tàu con thoi cũng sử dụng hydro lỏng và thường xuyên gặp vấn đề tương tự.

Về lý do tại sao NASA quyết định sử dụng công nghệ cũ đáng lý nên được cho vào bảo tàng để khởi động thế hệ khám phá không gian mới bắt nguồn từ hơn một thập kỷ trước, khi Quốc hội Mỹ ký quyết định tài trợ cho việc xây dựng SLS.

Theo hướng dẫn này, cơ quan được yêu cầu sử dụng "hợp đồng, đầu tư, lực lượng lao động, cơ sở công nghiệp và năng lực từ các dự án Tàu con thoi và Orion, Ares 1". Có vẻ như các nhà lập pháp không muốn bỏ phí hàng đống vật liệu cũ vốn có giá hàng tỷ USD.

Tóm lại, vấn đề đầu tiên là do sử dụng công nghệ cũ để tiết kiệm. Tuy nhiên, Logsdon cũng chỉ ra rằng một động lực lớn khác đằng sau những cơn đau đầu dai dẳng của sứ mệnh Artemis là nhân tố con người.

Nhân lực hạn chế

Hồi NASA phóng tàu lên Mặt Trăng, áp lực lớn nhất của họ là cuộc chạy đua không gian trong bối cảnh cạnh tranh vị thế dẫn đầu giữa Mỹ với cường quốc Liên Xô. Áp lực càng lớn khi trước đó, Liên Xô đã phóng thành công Sputnik và đưa người lên không gian.

Với sức ép cạnh tranh, hiển nhiên là nguồn lực và "deadline" cho NASA đã căng thẳng hơn rất rất nhiều.

Hơn 50 năm đã trôi qua, vì sao sứ mệnh mới của NASA vẫn vật vã chưa thể trở lại Mặt Trăng? - Ảnh 5.

Kỹ sư trưởng phần mềm của chương trình Apollo đứng bên chồng mã lập trình viết tay của cô, góp phần đưa nhân loại lên Mặt Trăng.

Và, gây tranh cãi nhất, Logsdon cho rằng những người làm việc cho chương trình Apollo vốn tài năng hơn hậu thế. Đó là hệ quả của việc hơn 400.000 người đã tham gia vào việc đưa nhân loại lên Mặt Trăng trong lần đầu tiên. Mặc dù NASA không có dữ liệu công khai về số lượng người tham gia vào SLS, nhưng nhân lực chắc chắn ít hơn, Logsdon suy đoán.

Việc NASA phải phụ thuộc vào các công ty tư nhân thường xuyên bị chỉ trích vì hoạt động kém hiệu quả và thiếu thời hạn chính cũng không giúp ích được gì.

Logsdon nói: "Những người làm việc cho Artemis có thể không giỏi bằng nhân lực Apollo. Đã có rất nhiều lời chỉ trích, đặc biệt về phía Boeing và hiệu suất của họ đối với SLS. Một số báo cáo của Tổng thanh tra NASA đã chỉ trích chất lượng hoạt động của Boeing và ở một mức độ nào đó, cả chất lượng giám sát của chính NASA".

May mắn thay, NASA vẫn sở hữu những bộ óc siêu việt nhất. Bằng cách này hay cách khác, vấn đề rò rỉ nhiên liệu hydro sẽ được giải quyết. Nó có thể mất nhiều thời gian và kinh phí hơn nữa, nhưng cuối cùng sẽ thành công.

Logsdon kết luận bằng việc vụ phóng đầu tiên của sứ mệnh Tàu con thoi cũng gặp khó. Vạn sự khởi đầu nan, đặc biệt là với ngành khoa học khó nhằn như hàng không vũ trụ, nhưng một khi đã có đà, nhân loại rất có thể sẽ tiếp tục vươn xa.

Nguồn: DB

Cùng chuyên mục

Đọc thêm