Thông tin được Bộ GD&ĐT đưa ra trong báo cáo tổng kết năm học 2021 - 2022. Theo đó, từ tháng 5/2021 đến nay, trên 28.500 cơ sở giáo dục mầm non phải tạm dừng để hoạt động phòng chống dịch, trong đó hơn 20.000 cơ sở đã phải dừng hoạt động từ 3 đến 6 tháng (khoảng 7.900 trường và hơn 12.000 cơ sở tư thục).
Trường học đóng cửa dẫn đến hơn 100.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không có thu nhập, hầu hết không có thu nhập trong hơn 6 tháng.
101.845 cán bộ giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ do chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, thời gian nghỉ của trẻ mầm non kéo dài làm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non và việc chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1.
Một bộ phận trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ dân tộc thiểu số (không được ăn trưa tại trường), trẻ khuyết tật học hòa nhập, trẻ em là con công nhân mất việc làm... nguy cơ chậm phát triển.
Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trong thời gian dài không có doanh thu, đời sống giáo viên hết sức khó khăn, nhiều giáo viên phải chuyển sang các công việc khác. Nhiều trường mầm non ngoài công lập phải giải thể, đóng cửa trường, đối mặt với nguy cơ vỡ nợ về tài chính.
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã chủ động, tập trung mọi nguồn lực với nhiều giải pháp tích cực để duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Kết quả, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 713/713 đơn vị cấp huyện (100%) duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 99,94% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, 2021 - 2022 là năm học với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục. Đây cũng là năm học quan trọng, lần đầu tiên ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và là năm học thứ 2 triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Vượt qua những khó khăn, ngành giáo dục đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tỷ lệ học sinh đến lớp tăng, nhiều em đạt giải thưởng quốc tế và các trường đại học phát triển mạnh, tăng xếp hạng trên thế giới.
Để ứng phó với dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành giáo dục phải tiếp tục chủ động xác định trạng thái thích ứng, chuẩn bị các điều kiện để dạy và học trong mọi hoàn cảnh. Các đơn vị cần tiếp tục thực hiện đổi mới thể chế, nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện.