Phong cách sống

"Hối hả" và "cường điệu": Sự thật về cách KOL ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của giới trẻ

"Đôi lúc, lướt MXH và xem được một vài bài post hay video review về sản phẩm nào đó rất tốt, và được KOL uy tín chia sẻ, mình thường không ngần ngại mà mua ngay để trải nghiệm.", đây là chia sẻ của Chúc Anh khi được hỏi KOL đã ảnh hưởng như thế nào đến cách cô bạn quyết định mua sắm.

KOL (người có sức ảnh hưởng) là những người dùng MXH có lượng khán giả trung thành mạnh mẽ và thường cùng sở thích. Ý kiến của họ thường tiếp cận được nhiều người. Những người theo dõi sẽ tin tưởng và mua sắm theo sự gợi ý của KOL.

Tuy nhiên, gần đây sức ảnh hưởng của KOL tăng lên theo cấp số nhân, đi kèm nó là những hệ quả khi thói quen chi tiêu đặc biệt của người trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều. Về hướng tích cực, có rất nhiều KOL truyền cảm hứng cho giới trẻ, luôn kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi nhận quảng cáo, song có một bộ phận được cho là "chỉ làm vì tiền chứ không có tâm". Hối hả và bị cường điệu hóa chính là lời nhận xét mà nhiều người dành cho "văn hoá" KOL hiện tại.

Tầm ảnh hưởng của KOL trong quá trình đưa ra quyết định mua hàng của giới trẻ

Những người có ảnh hưởng đặc biệt "có tiếng nói" trong việc thuyết phục người tiêu dùng vì họ thường có một tệp người theo dõi khá lớn và có độ uy tín cao trong cộng đồng đó. Nếu bạn đang bán một sản phẩm thích hợp, việc tìm kiếm KOL trên mạng xã hội trong thị trường ngách của nhãn hàng - blogger Instagram, vlogger, TikTokers hoặc nhóm Facebook - là cách tuyệt vời để tiếp cận khách hàng tiềm năng.

Theo một nghiên cứu của Influencer Marketing Hub, Gen Z và Millennials có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi KOL, đặc biệt với hơn với 84% Millennials nói rằng nội dung từ KOL chi phối đến cách họ tiêu tiền. Vấn đề là, độ xác thực và phù hợp của những lời khuyến nghị đó thường khó kiểm chứng nhưng vẫn được nghe bởi hàng trăm người.

Hối hả và cường điệu: Sự thật về cách KOL ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của giới trẻ - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, theo Forbes, 81% lựa chọn mua hàng của người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi các bài đăng của bạn bè họ trên MXH. Chẳng hạn, mỗi khi đăng về quán cà phê tuyệt vời này hoặc loại dầu gội đầu có tác dụng kỳ diệu đối với mái tóc của bạn, những người theo dõi bạn trên MXH sẽ nhìn thấy và có thể tin tưởng rồi dùng thử. Điều này cũng xảy ra với những ý kiến tiêu cực và những lời chê bai.

Cùng với sự phát triển từ MXH, ngày càng có nhiều người trở thành KOL, và đó cũng là cách mà những người có tầm ảnh hưởng len lỏi từng ngóc ngách trong cuộc sống của giới trẻ - thế hệ tiếp xúc MXH từ khi còn nhỏ và coi đó là một phần của cuộc sống.

Hối hả và cường điệu - Nền kinh tế của người có sức ảnh hưởng

Mua sắm những thứ không thuộc nhu cầu của bản thân là một trong những cách dễ dàng nhất để phá hủy tài chính cá nhân. Mặt khác, KOL lại là những người có thể thuyết phục rằng bạn cần thứ mà họ đang quảng cáo. Trên thực tế, kỹ năng quan trọng mà 1 KOL nên sở hữu chính là làm cho người theo dõi tin rằng sản phẩm họ đang chia sẻ là "những mặt hàng phải có". Đồng thời, một thói quen nguy hiểm đến từ phía người tiêu dùng là tin rằng bản thân cần những thứ được giới thiệu, xuất hiện trong lúc lướt MXH. Sự thật là, bạn có thể chưa bao giờ nghĩ đến món đồ đó cho đến khi KOL "ruột" của bạn đăng về nó.

Sự uy tín và lòng tin với KOL thường được hình thành dựa trên những điều khá mơ hồ. Chẳng hạn, một nhân sự trong ngành IT sẽ được chứng minh bằng chuyên môn của mình dựa trên bằng cấp và kinh nghiệm làm việc, tuy nhiên với KOL gần như là từ cảm xúc và qua những gì họ thể hiện trên MXH. Chưa kể đến, để trở thành KOL không cần kiểm duyệt qua bất kỳ hình thức nào cũng là một lý do khiến cho thị trường này ngày càng đông và trở nên bão hoà.

Những người trẻ thường dành thời gian trên MXH nhiều hơn ở nhóm tuổi khác, là người trực tiếp bị tác động bởi KOL. Các thương hiệu cũng thích hợp tác với KOL trên MXH hơn những người nổi tiếng truyền thống do tầm ảnh hưởng của họ đối với giới trẻ và cũng vì nội dung được quảng cáo dễ dàng hòa trộn vào cuộc sống đời thường. Tuy nhiên, hiện nay, một số người có ảnh hưởng không đề cập đến việc nội dung họ tạo ra có phải đang nhận quảng cáo hay không. Điều này khiến cho những lời nhận xét của họ có thể thiếu tính khách quan nhưng người xem khó có thể nhận biết.

Hối hả và cường điệu: Sự thật về cách KOL ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của giới trẻ - Ảnh 2.

Hơn thế nữa, cuộc sống của KOL thường được thể hiện trên MXH khá đẹp đẽ và lung linh. Nó khiến cho 1 bộ phận giới trẻ nghĩ rằng, để có được 1 cuộc sống như vậy mình cần sử dụng sản phẩm này hay dịch vụ kia, điều này cũng chi phối cách họ tiêu tiền. Nỗi sợ hãi bị bỏ lỡ (FOMO) là một cảm giác thúc đẩy người trẻ chi tiêu nhiều hơn khi xem được các đề xuất từ KOL. Chúng ta không chỉ ghét bỏ lỡ một bữa tiệc không được mời mà còn lo lắng khi bản thân không có một chiếc quần đang "trendy", hay thử quán ăn đang làm "dậy sóng" MXH. Đó chính xác là điều mà những người có ảnh hưởng đánh vào tâm lý người tiêu dùng, đặc biệt những người trẻ thường xuyên bị ảnh hưởng bởi MXH.

Tự kỷ luật và học cách cân bằng cuộc sống, tài chính cá nhân

Tuy nhiên, không phải bất kỳ KOL nào cũng đem lại những ảnh hưởng xấu đến ví tiền của một người. Có những KOL sẽ luôn có tâm trong việc giới thiệu một sản phẩm, đưa ra những nhận xét khách quan dựa trên trải nghiệm cá nhân. Nhiều người trẻ cũng nhận được năng lượng tích cực từ họ và tìm ra những sản phẩm phù hợp với bản thân.

Một người khó có thể kiểm soát được thị trường KOL, tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có khả năng tự kỷ luật bản thân để không bị rơi vào "vòng xoáy" chi tiêu quá đà cho những sản phẩm không cần thiết. Thay vì, "vung tiền" ngay lập tức khi một ai đó giới thiệu sản phẩm hay dịch vụ này rất tốt, hãy cẩn thận cân nhắc là những điều này có thật sự cần thiết với cuộc sống của bạn hay không.

Hối hả và cường điệu: Sự thật về cách KOL ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của giới trẻ - Ảnh 3.

Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho "nền văn hoá" KOL khi chính chúng ta - những người tiêu dùng cũng góp phần tạo nên nó. Khi cầu quá cao, ắt hẳn cung sẽ tăng lên để tìm được cân bằng. Thứ mà chúng ta có thể làm là củng cố tính kỷ luật và hiểu rõ, sâu sắc về nhu cầu của bản thân, tránh FOMO và xem quảng cáo một cách có ý thức. Tiền nằm trong túi của bạn, và người ra quyết định chi tiêu cuối cùng không ai khác chính là bạn.

Ảnh: Tổng hợp

Cùng chuyên mục

Đọc thêm