Mới đây người hâm mộ trên toàn thế giới đã vô cùng bất ngờ khi gia đình của Bruce Willis đột ngột thông báo nam tài tử sẽ từ giã sự nghiệp do được chẩn đoán mắc phải hội chứng bất lực ngôn ngữ. Con gái của Bruce Willis đã đăng một thông báo lên trang mạng xã hội như sau:
“Gửi tới những người ủng hộ tuyệt vời của Bruce, với tư cách là người trong gia đình, chúng tôi muốn thông báo rằng Bruce yêu quý của chúng ta đã gặp phải một số vấn đề về sức khoẻ và gần đây được chẩn đoán mắc phải hội chứng aphasia (hội chứng bất lực ngôn ngữ). Điều này đang ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của ông. Bởi vậy sau thời gian dài cân nhắc, Bruce quyết định sẽ giã từ sự nghiệp vốn có rất nhiều ý nghĩa đối với ông.”
Bruce Willis vốn là một nam diễn viên, nhà sản xuất và ca sĩ nổi tiếng ở Hollywood. Ông tham gia nhiều thể loại phim ảnh như hành động, tình cảm, kinh dị,… và được biết đến nhiều nhất qua vai diễn John McClane trong loạt phim Die Hard. Bruce Willis từng nhận được nhiều giải thưởng bao gồm 1 giải Quả cầu vàng, 2 giải Emmy và 2 giải People’s Choice Awards. Ông cũng nhận được một ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood năm 2006. Ở độ tuổi U70, Bruce Willis vẫn hoạt động rất năng nổ trong sự nghiệp. Chỉ riêng trong năm 2021, ông đã tham gia đến 8 dự án phim ảnh.
Theo lời con gái của Bruce Willis, nam tài tử được chẩn đoán mắc phải hội chứng aphasia khiến cho tư duy và khả năng nhận thức bị suy giảm. Tuy nhiên cố không tiết lộ thêm về tình hình bệnh của bố mình.
Aphasia là hội chứng gì?
Aphasia hay Hội chứng bất lực ngôn ngữ là một chứng rối loạn ngôn ngữ mắc phải thường do đột quỵ hoặc chấn thương não. Nó ảnh hưởng đến khả năng hiểu, xử lý hoặc sử dụng ngôn ngữ của người bệnh. Tuy nhiên, chứng bệnh này không ảnh hưởng đến trí thông minh.
Chứng bất lực ngôn ngữ có thể ảnh hưởng đến tất cả các dạng ngôn ngữ bao gồm nghe, nói, đọc và viết. Căn bệnh này có thể gây ra sự căng thẳng và thất vọng đối với những người mắc bệnh và kể cả với những người chăm sóc họ. Có nhiều dạng bất lực ngôn ngữ, các biểu hiện của bệnh còn tuỳ thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương của não. Mức độ mất ngôn ngữ càng lớn thì kỹ năng nói và ngôn ngữ càng bị hạn chế. Tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh, người mắc phải hội chứng Aphasia có thể có khả năng nói nhưng không thể viết hoặc ngược lại, mất đi khả năng thể hiện năng lực ngôn ngữ trên một diện rộng, như có thể hát nhưng lại không nói được,…
Mức độ phổ biến của hội chứng bất lực ngôn ngữ
Hầu hết mọi người chưa bao giờ nghe nói về hội chứng bất lực ngôn ngữ trừ khi chính bản thân hoặc người thân bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Tuy nhiên các bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng đây là một tình trạng tương đối phổ biến. Chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ, đã có khoảng 2 triệu người mắc phải hội chứng bất lực ngôn ngữ. Khoảng 180.000 người được chẩn đoán mắc phải hội chứng này mỗi năm và khoảng 1/3 số người từng đột quỵ bị mất khả năng ngôn ngữ.
Hội chứng bất lực ngôn ngữ còn ảnh hưởng đến nhiều người hơn cả những căn bệnh như Parkinson, bệnh đa xơ cứng hay bệnh bại não. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát tại Hoa Kỳ năm 2016, có đến 85% người được hỏi thậm chí còn chưa bao giờ nghe đến thuật ngữ Aphasia – Hội chứng bất lực ngôn ngữ.
Cách chẩn đoán Hội chứng bất lực ngôn ngữ
Chứng bất lực ngôn ngữ có thể được chẩn đoán bởi các bác sĩ chuyên khoa hoặc những nhà bệnh lý học ngôn ngữ tiếng nói (SPL). Các chuyên gia sẽ kiểm tra giọng nói và ngôn ngữ dựa trên các triệu chứng của bạn.
Nếu bạn bị đột quỵ hoặc chấn thương não, việc chụp cắt lớp não có thể xác định vị trí và mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Quá trình quét não sẽ cho biết nếu có tổn thương xảy ra ở các vùng trung tâm ngôn ngữ của não. Từ những thông tin này, kết hợp với các triệu chứng của người bệnh, sẽ cho phép bác sĩ chẩn đoán chứng bất lực ngôn ngữ.
Nếu không gặp phải trường hợp đột quỵ hoặc chấn thương sọ não nhưng vẫn xuất hiện các triệu chứng giống như bất lực ngôn ngữ, bạn nên liên hệ với bác sĩ để tiến hành các xét nghiệm y tế và chẩn đoán bệnh. Các xét nghiệm y tế có thể xác nhận chẩn đoán và cung cấp thêm thông tin. Có một số tình trạng y tế khác có thể dẫn đến các triệu chứng tương tự như triệu chứng của bất lực ngôn ngữ, vì vậy xác định được nguyên nhân cơ bản là rất quan trọng.
Có thể phòng ngừa hội chứng bất lực ngôn ngữ không?
Thông thường, không có một biện pháp cụ thể nào hiệu quả để ngăn ngừa hội chứng bất lực ngôn ngữ. Căn bệnh này thường là kết quả của đột quỵ hoặc chấn thương não. Mặc dù có một số cách để giảm nguy cơ đột quỵ nhưng không có cách nào hiệu quả 100%. Một số người bị đột quỵ do những nguyên nhân ngoài tầm kiểm soát của họ và không thể ngăn chặn được.
Khoảng 25-40% những người bị đột quỵ sẽ bị mất ngôn ngữ sau đột quỵ, nó tuỳ thuộc vào vị trí não bị tổn thương sau khi đột quỵ hoặc chấn thương não xảy ra. Thông thường những người bị tổn thương vùng não trái sẽ thường bị ảnh hưởng tới khả năng ngôn ngữ vì đây là trung tâm ngôn ngữ của não bộ.
Các triệu chứng của hội chứng bất lực ngôn ngữ
Các triệu chứng bất lực ngôn ngữ thường sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào từng cá nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trong trường hợp năng lực ngôn ngữ chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, người bệnh thường có các biểu hiện như:
- Khó hiểu các tin nhắn dài
- Cần nhiều thời gian hơn để hiểu và trả lời các câu hỏi
- Khó khăn khi tìm từ ngữ để diễn đạt
- Đặt các từ không đúng vị trí trong câu hoặc dùng sai từ. Ví dụ: thay vì dùng từ “cái bàn” thì lại nói nhầm thành “cái cốc”
Trường hợp năng lực ngôn ngữ bị ảnh hưởng nghiêm trọng:
- Khả năng đọc viết bị suy giảm hoặc mất đi
- Không thể đưa ra quyết định khi trả lời các câu hỏi “có hoặc không”
- Không nhận ra được các lỗi mình mắc phải khi sử dụng ngôn ngữ
- Sử dụng hoặc tự kết hợp các từ ngữ mà người khác không thể hiểu
- Ít hoặc không nói được
Có thể phục hồi khỏi chứng bất lực ngôn ngữ không?
Câu trả lời là có thể. Tuy nhiên tuỳ vào mỗi trường hợp mà mức độ phục hồi sẽ khác nhau. Một số người có thể khôi phục hoàn toàn khả năng ngôn ngữ trước đây của mình, một số người có thể sử dụng lại khả năng ngôn ngữ tuy nhiên đôi khi vẫn gặp phải khó khăn khi tìm từ ngữ diễn đạt phù hợp,… Nhìn chung, hội chứng bất lực ngôn ngữ có thể được cải thiện dần theo thời gian.
Đối với những người mắc phải hội chứng bất lực ngôn ngữ do đột quỵ, não sẽ phục hồi khả năng ngôn ngữ mạnh mẽ nhất trong vòng vài tháng đầu tiên sau đột quỵ, đây được gọi là “phục hồi tự phát”. Sau đó, sự cải thiện có thể vẫn tiếp tục nhưng sẽ không còn nhanh như trước. Để tối đa hoá khả năng phục hồi và sự dẻo dai của não bộ, các liệu pháp ngôn ngữ có thể giúp ích.