Lễ khánh thành mô hình quản trị thông minh của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vừa diễn ra trong khuôn khổ sự kiện phát động phong trào “Bình dân học vụ số”, cùng hội nghị chuyển đổi số trong hoạt động của Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được tổ chức ngày 2/4 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Dự án “Xây dựng mô hình quản trị thông minh tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh" là dự án công nghệ đầu tiên của Việt Nam sử dụng phương thức đấu thầu quốc tế với các sản phẩm, trang thiết bị thuộc các quốc gia tiên tiến; các thiết bị phần cứng được bảo hành 5 năm; phần mềm có bản quyền, mã nguồn thuộc về Học viện, với thời gian bảo hành, thay đổi chức năng theo yêu cầu trong 3 năm.
Theo Ban quản lý dự án, mô hình quản trị thông minh của Học viện được tập trung xây dựng đáp ứng đầy đủ các quy định của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số, hướng tới tối ưu hóa toàn diện, nâng cao hiệu quả điều hành tác nghiệp, đào tạo, nghiên cứu, giảng dạy và quản trị trên nền tảng số.
Đi vào vận hành chính thức từ tháng 4/2025, mô hình này được triển khai đồng bộ tại Học viện Trung tâm, Học viện Chính trị Khu vực I, II, III, IV; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Học viện Hành chính và Quản trị công, với các hạng mục trọng điểm gồm: Đầu tư hệ thống hạ tầng CNTT, xây dựng hệ thống phần mềm thông minh, số hóa và tạo lập cơ sở dữ liệu toàn diện.
Clip giới thiệu về mô hình quản trị thông minh tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Nguồn: Học viện)
Trong đó, hệ thống hạ tầng CNTT đã được trang cấp cơ bản đồng bộ tại Học viện Trung tâm và các học viện trực thuộc, gồm: trung tâm dữ liệu, hệ thống giám sát an toàn an ninh mạng, hệ thống mạng kết nối tốc độ cao, phòng học và thi trực tuyến, studio chuyên dụng, hệ thống truyền hình trực tuyến và hệ thống giám sát thông qua Camera AI.
Bên cạnh đó, hệ thống giải pháp phần mềm có khả năng liên thông, tích hợp với các dịch vụ của Chính phủ, ban, bộ, ngành Trung ương; liên thông tích hợp tới các đơn vị trực thuộc học viện và cung cấp dịch vụ liên thông văn bản tới các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Các phần mềm tác nghiệp và quản trị được triển khai tập trung, đảm bảo tính liên thông và tối ưu vận hành: Điều hành tác nghiệp, quản lý vận hành đào tạo và nghiên cứu khoa học, giải pháp đào tạo e-learning, đánh giá chất lượng giảng dạy và học tập trên nền tảng số đa nền tảng cho lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, học viên.
“Mô hình quản trị thông minh được triển khai thành công là tiền đề quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, góp phần tham gia vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia, hướng tới xây dựng học viện số hiện đại, tiên phong, sáng tạo, năng động, hội nhập”, Ban quản lý dự án cho hay.
Cũng tại sự kiện, các đại biểu đã được giới thiệu về 2 nền tảng mới khác được ứng dụng tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, gồm: Phần mềm tạo và xác thực văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận số do Đại học Bách khoa Hà Nội tặng; và nền tảng bình dân học vụ số.

Phát biểu chỉ đạo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh yêu cầu: “Học viện phải là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số”. Theo ông, việc xây dựng và đưa vào vận hành mô hình quản trị thông minh là một bằng chứng về việc Học viện đang tích cực đi đầu trong chuyển đổi số.
Về phong trào “Bình dân học vụ số” đã được Thủ tướng Chính phủ phát động trên toàn quốc và vừa được hưởng ứng, khởi động trong toàn hệ thống Học viện, ông Nguyễn Xuân Thắng cho hay, công nghệ số cần phải được sử dụng như một công cụ hữu hiệu để phục vụ hiệu quả cho mọi hoạt động; nghĩa là tất cả mọi người ai cũng phải biết, ai cũng có thể dùng.
“Chúng ta đã đầy đủ các công cụ, nhưng bây giờ sử dụng thế nào cũng là một vấn đề. Cùng với việc có các nền tảng số, cần có những cẩm nang, hướng dẫn để mọi người biết những thao tác cần thiết để sử dụng đúng, cũng như biết nên dùng nền tảng nào để bảo đảm tính bảo mật dữ liệu cá nhân cũng như thông tin, dữ liệu liên quan đến công việc”, ông Nguyễn Xuân Thắng lưu ý.
Người đứng đầu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chỉ rõ, chuyển đổi số đòi hỏi chúng ta phải có nền tảng kiến thức tốt, có năng lực thực sự thì lúc này việc ứng dụng tất cả các công nghệ mới thực sự có hiệu quả. Đội ngũ toàn Học viện cần thay đổi nhận thức và bắt nhịp vào quá trình chuyển đổi một cách nghiêm túc, trách nhiệm, học hỏi.

Ở góc độ của đối tác phát triển hệ thống quản trị của Học viện, Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cho rằng, thành công của dự án xây dựng mô hình quản trị thông minh không chỉ nằm ở việc triển khai công nghệ, mà quan trọng hơn là sự thay đổi tư duy, vượt qua những rào cản thói quen để thích nghi với mô hình quản lý tiên tiến.
“Chúng tôi mong rằng, trong tương lai, nhà trường sẽ tiếp tục đưa các kiến thức về chuyển đổi số, AI vào chương trình giảng dạy, trang bị cho học viên không chỉ tư duy chính trị mà còn là nền tảng công nghệ vững chắc để dẫn dắt đất nước trong kỷ nguyên số”, ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.